Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuyển sinh Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) năm 2023: Tăng cơ hội trúng tuyển bằng kỳ thi ĐGNL và chứng chỉ tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2023, Trường ĐH Bách khoa định hướng xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí là phương thức xét tuyển chủ đạo. Phương thức này chiếm 60-90% trên tổng chỉ tiêu 5.150 sinh viên bậc ĐH chính quy cho các chương trình Tiêu chuẩn, Giảng dạy bằng tiếng Anh (tiền thân là chương trình Chất lượng cao), Tiên tiến, Định hướng Nhật Bản, Chuyển tiếp Quốc tế.

Cần bao nhiêu điểm ĐGNL để vào bách khoa?

Các tiêu chí xét tuyển bao gồm điểm thi Đánh giá năng lực (ĐGNL), điểm thi Tốt nghiệp THPT, điểm học tập THPT và năng lực khác (thành tích cá nhân, hoạt động văn – thể – mỹ). Trong đó, kết quả thi ĐGNL chiếm trọng số lên tới 70% tiêu chí học lực. Điều này đồng nghĩa với việc, thí sinh đạt điểm thi ĐGNL càng cao thì càng gia tăng cơ hội trúng tuyển.

Năm 2022, điểm sàn xét tuyển Trường ĐH Bách khoa theo phương thức kết hợp là 650 cho điểm ĐGNL, 18 cho điểm thi Tốt nghiệp THPT và điểm học tập THPT. Điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL từ năm 2018-2021 của nhà trường cũng chưa từng dưới 650. “Thí sinh nên đặt mục tiêu cao hơn, tối thiểu 800 điểm ĐGNL nếu muốn vào Bách khoa” – ông Thắng khuyên.

Bốn phương thức còn lại của nhà trường bao gồm: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT và ĐHQG-HCM (1-5% tổng chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG-HCM (10-15%); xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh quốc tịch nước ngoài, áp dụng cho chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh, Tiên tiến (1-5%); xét tuyển thí sinh dự tính du học nước ngoài, áp dụng cho chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Úc, New Zealand (1-5%).

Xét tuyển kết hợp để tìm đúng thí sinh toàn diện

Thuộc top các thí sinh trúng tuyển Trường ĐH Bách khoa năm 2022 có điểm thi ĐGNL cao nhất (1.043/1.200), Mai Thanh Nhật Quang – SV chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Khoa học Máy tính, còn đồng thời đạt điểm thi Tốt nghiệp THPT ở mức 29,3/30 và chứng chỉ IELTS 7.5/9.0 chia sẻ: “Bài thi có độ phân hóa khá lớn, kiến thức trải rộng từ khoa học tự nhiên tới khoa học xã hội. Em nghĩ điều đó giúp đánh giá thí sinh tương đối toàn diện. Với các môn sở trường như toán, lý, tiếng Anh – em khá tự tin khi làm bài, song những phần còn lại như hóa, sinh, tư duy logic – em thấy có nhiều câu hỏi khó”.

Mai Thanh Nhật Quang (giữa) được vinh danh với thành tích đầu vào xuất sắc tại Lễ Khai giảng chương trình đào tạo quốc tế, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, năm học 2022-2023.

PGS. TS. Bùi Hoài Thắng – Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa cho biết: “Phân tích dữ liệu của các thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức kết hợp nhiều tiêu chí năm 2022, có 43,2% thí sinh đạt điểm thi ĐGNL ≥ 800, thuộc top 6% thí sinh đạt điểm thi ĐGNL năm 2022 cao nhất toàn quốc; và 43% thí sinh đạt điểm thi Tốt nghiệp THPT (theo tổ hợp môn xét tuyển) ≥ 26. Hầu hết các em thể hiện năng lực học tập tốt tại trường trong suốt năm qua.

Thông qua phương thức xét tuyển kết hợp, nhà trường mong muốn tìm kiếm đúng những thí sinh giỏi, có năng lực và thái độ phù hợp với mục tiêu đào tạo của ngành/ nghề” – ông Thắng nhấn mạnh.

Tiếng Anh là tiêu chí sơ tuyển bắt buộc

Năm 2022, Trường ĐH Bách khoa lần đầu tiên áp dụng chuẩn tiếng Anh sơ tuyển cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh với IELTS ≥ 4.5 hoặc các chứng chỉ khác tương đương. Kết quả, toàn bộ thí sinh trúng tuyển và xác nhận nhập học đều đạt chuẩn sơ tuyển. Trong số đó, có gần 80% thí sinh đạt IELTS ≥ 6.0, đặc biệt có đến hơn 30% thí sinh đạt trình độ IELTS ≥ 7.0.

Bên cạnh đó, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế theo quy định còn được quy đổi sang điểm môn Tiếng Anh trong tổ hợp môn xét tuyển, nhờ đó tăng cường lợi thế cạnh tranh trong xét tuyển.

Năm 2021, nhờ có thành tích học tập xuất sắc và chứng chỉ IELTS 7.0 mà Phạm Minh Ngọc Thảo đã trúng tuyển chương trình Tiên tiến, ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử bằng phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi nhất trường THPT.

Phạm Minh Ngọc Thảo, sinh viên chương trình Tiên tiến, ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử.

“Ba mẹ nhận thấy mình có tính cách sôi nổi và học khá tiếng Anh nên đã sớm định hướng mình học tập ở môi trường quốc tế của Bách khoa. Mình cũng đặt mục tiêu chinh phục các học bổng trao đổi sinh viên, trao đổi tín chỉ vốn là thế mạnh của chương trình đào tạo quốc tế. Tính tới thời điểm hiện tại, mình cực kỳ hài lòng với quyết định này”.

Việc đề ra chuẩn tiếng Anh sơ tuyển là một phần quan trọng trong chiến lược đào tạo xuất sắc và quốc tế hóa giáo dục ĐH của nhà trường trong giai đoạn 2021-2025. Chiến lược này góp phần đa dạng hóa lựa chọn học tập cho thí sinh trong và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực toàn diện, vừa có trình độ cao về chuyên môn, vừa giỏi ngoại ngữ, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sinh viên khi tham gia vào thị trường lao động, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Trường ĐH Bách khoa.

Liên hệ tư vấn chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh, Tiên tiến, Chuyển tiếp Quốc tế
VĂN PHÒNG ĐÀO TẠO QUỐC TẾ (OISP)
• Địa chỉ: Kiosk OISP, Khu B2, Trường ĐH Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, Quận 10, TP.HCM
• Điện thoại: (028) 7300.4183 – 03.9798.9798; E-mail: tuvan@oisp.edu.vn
• Website: oisp.hcmut.edu.vn; Fanpage: facebook.com/bkquocte

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)