Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tuyển sinh trường nghề 2013: Đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

HS tìm hiểu về các trường nghề trong một buổi hướng nghiệp – tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức

Cùng với việc thi vào các trường ĐH, CĐ, trường nghề trong những năm gần đây đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh (HS); đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn hay học lực ở mức trung bình. So với các năm trước, năm nay tuyển sinh đào tạo nghề không có nhiều thay đổi và sẽ tiếp tục giữ vững nhiệm vụ đào tạo theo truyền thống.
Cần 1,5 triệu người học nghề
Hệ thống dạy nghề Việt Nam hiện nay có 153 trường CĐ nghề, 307 trường trung cấp (TC) nghề và hơn 800 trung tâm dạy nghề. PGS.TS Cao Văn Sâm – Tổng cục phó Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) – cho biết: “Nhiệm vụ đào tạo nghề năm nay cũng như những năm trước là đào tạo làm sao để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa mà trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực phát triển nông thôn mới, phục vụ cho sản xuất công nghiệp hóa – hiện đại hóa và đáp ứng nhu cầu hội nhập thế giới. Vì vậy nhiệm vụ đào tạo nghề của Việt Nam vẫn giữ trọng tâm truyền thống là đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động và đáp ứng sự phát triển công nghệ sản xuất ổn định, liên tục và nhanh chóng”.
Xác định mục tiêu này cũng như căn cứ vào nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động trong nước và ngoài nước, Tổng cục Dạy nghề xác định chỉ tiêu đào tạo ở cả 3 cấp: Sơ cấp nghề, TC nghề, CĐ nghề dự kiến 1,5 triệu người học (trong đó có khoảng 400 HS-SV học TC nghề, CĐ nghề). Đối với bậc TC nghề sẽ đào tạo khoảng 400 nghề và CĐ nghề đào tạo khoảng 310 nghề.
Một trong những tín hiệu mừng cho HS trường nghề là năm nay, Tổng cục Dạy nghề sẽ kiến nghị Chính phủ có những chính sách đặc thù dành cho các trường nghề như hỗ trợ kinh phí độc hại cho HS trường nghề. Tổng cục Dạy nghề yêu cầu các tỉnh/thành chỉ dạy nghề theo nhu cầu, không theo số lượng và cần có sự phân luồng HS. Tổng cục sẽ kết hợp nhiều cơ quan chức năng tăng cường giám sát chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sẽ xử phạt mạnh các cán bộ làm sai, đóng cửa cơ sở dạy nghề không đúng quy định.
70% học nghề có việc làm
Giống như những năm trước, công tác tuyển sinh trường nghề sẽ được tổ chức liên tục trong năm và tùy theo tình hình mà các trường có thể tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển. Đây là điều kiện thuận lợi cho HS có học lực trung bình, nếu thi rớt ĐH, CĐ thì các em vẫn còn thời gian để thi tuyển hoặc xét tuyển vào trường nghề.
Hiện nay, các trường nghề đã tăng cường mối quan hệ với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho HS được thực hành thực tế và tạo việc làm khi các em tốt nghiệp. Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, đến cuối năm 2012, cả nước có gần 1,5 triệu HS đăng ký vào học nghề, trong đó CĐ nghề là 84.381 người (tăng 6% so với năm 2011); TC nghề là 123.000 người (giảm 9% so với cùng kỳ); còn lại là sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng với xấp xỉ 1,3 triệu người… Trên 80% HS sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng nghề và có thu nhập ổn định.
PGS.TS Cao Văn Sâm khẳng định: “Nhiệm vụ đào tạo nghề của các trường là làm sao để trong 100% HS – SV học nghề thì phải có tối thiểu 70% tốt nghiệp có việc làm ổn định. Nhiều em trong quá trình học được các doanh nghiệp hỗ trợ học bổng hoặc tạo điều kiện cho các em đến công ty thực hành, rèn luyện kỹ năng để sau khi ra trường sẽ hội nhập ngay với các doanh nghiệp trong và ngoài nước”.
Thực hiện nhiệm vụ này, nhiều năm qua các trường đào tạo nghề trên địa bàn TP.HCM như CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, CĐ Du lịch Sài Gòn, CĐ Nghề hàng hải… đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho SV thực hành thực tế nhằm nâng cao tay nghề. Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức là một thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nên có điều kiện thuận lợi để tạo mối quan hệ bền vững với các doanh nghiệp. TS. Nguyễn Toàn – Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức – chia sẻ: “Cùng với các hoạt động gắn kết với doanh nghiệp trong việc điều chỉnh và phát triển chương trình đào tạo, nhà trường đã ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn quận và các vùng lân cận để HS-SV nâng cao tay nghề ngay tại cơ sở. Ngoài ra, hàng năm các công ty đều trao nhiều học bổng cho HS-SV của trường với giá trị hàng trăm triệu đồng. Hầu hết các em tốt nghiệp đều có việc làm ổn định, 100% SV khối công nghệ ra trường có việc làm đúng ngành nghề đào tạo và thu nhập cao”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Năm nay, Tổng cục Dạy nghề sẽ kiến nghị Chính phủ có những chính sách đặc thù dành cho các trường nghề như hỗ trợ kinh phí độc hại cho HS trường nghề. Ngoài ra, Tổng cục Dạy nghề còn yêu cầu các tỉnh/thành chỉ dạy nghề theo nhu cầu, không theo số lượng và cần có sự phân luồng HS. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)