Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyên sinh trường nghề: Trăm chiêu vẫn thiếu người học

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2011 – 2012, các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn cả nước đang lâm vào tình cảnh khan hiếm người học. Dù các trường đã tung ra nhiều "chiêu" tuyển sinh với những chính sách ưu tiên hấp dẫn nhưng thí sinh vẫn quay lưng.
Thầy và trò trường CĐ Chế biến gỗ (Hà Nam) đang thực hành.
Cám cảnh trường nghề
Có mặt tại phòng tuyển sinh của Trường Đại học Hà Hoa Tiên (Duy Tiên – Hà Nam), mặc dù chờ cả nửa buổi nhưng chúng tôi thấy rất ít người đến đăng ký học. Một cán bộ ở đây cho biết, từ ngày bắt đầu tuyển sinh đến nay, rất ít người đến trường liên hệ đăng ký, thậm chí có những hôm mở cửa cả ngày cũng không có bất kỳ ai đến đăng ký học.
Năm học 2011 – 2012, Trường Đại học Hà Hoa Tiên tuyển sinh ở tất cả các cấp học từ sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng và đại học của các ngành chính như kế toán, quản trị kinh doanh, tin học, tài chính ngân hàng… Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Văn Vĩnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Năm học này, Trường Đại học Hà Hoa Tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tuyển sinh 480 chỉ tiêu, cũng là năm nhà trường tổ chức thi tuyển sinh đầu vào hệ đại học, thế nhưng, theo con số thống kê, đến nay nhà trường vẫn chưa tuyển được 20% chỉ tiêu. Nguyên nhân là do trường mới thành lập, lại ở xa trung tâm, kinh nghiệm tuyển sinh chưa nhiều, đặc biệt là công tác tuyên truyền vẫn chưa được chú trọng, khiến nhiều thông tin của trường chưa đến được với người dân".
Tương tự, tại Trường Cao đẳng nghề Hà Nam, mặc dù đã bước vào năm học mới nhưng trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Thầy Phạm Văn Quyết, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hiện nhà trường đang huy động 100% cán bộ, giáo viên đến các cơ sở để vận động tuyển sinh. Hàng năm, chúng tôi giao chỉ tiêu cho từng khoa, ngành phải tuyển sinh với số lượng nhất định. Thậm chí các thầy cô còn phải ở luôn tại cơ sở để làm công tác tuyển sinh. Vậy mà chúng tôi vẫn phải chịu cảnh "ăn đong", gom học sinh các nơi lại được lớp nào thì mở luôn lớp ấy".
Ông Trần Đại Nghĩa, cán bộ Phòng tuyển sinh, Trường Cao đẳng nghề Văn Lang (Hà Nội) cho biết, mỗi năm trường ra chỉ tiêu tuyển sinh khoảng hơn 1.000 sinh viên nhưng tình trạng thiếu đầu vào luôn phổ biến.
Mùa tuyển sinh năm nay, trường có chỉ tiêu tuyển 1.500 sinh viên, đến thời điểm hiện tại mới có 40 bộ hồ sơ của các em đang học Trung học phổ thông gửi về trường. Với lượng hồ sơ ít ỏi như vậy, trường không thể tuyển được như chỉ tiêu dự kiến.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Phạm Nam Hưng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển tài năng Việt Nam, Trường Cao đẳng nghề kinh tế – kỹ thuật Vinatex chia sẻ: "Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của riêng Trung tâm là 300 nhưng đến nay số lượng hồ sơ chúng tôi nhận được chỉ đếm trên đầu ngón tay".
Theo ông Nghĩa, hầu hết các trường cao đẳng, trung cấp nghề chỉ thu hút được 70% lượng học sinh nộp hồ sơ.
Đổi mới thế nào?
Làm thế nào để thu hút thí sinh vào các trường nghề? Câu hỏi không mới nhưng đến nay các trường nghề vẫn loay hoay chưa tìm ra lời giải đáp. Khi chưa có chính sách thông thoáng thì các trường đổ lỗi do chính sách, nhưng khi chính sách đã mở thì lý do lại là người học "chê" trường nghề. Luật Dạy nghề có hiệu lực từ ngày 1/6/2007 đã chia dạy nghề ra 3 cấp: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Theo đó, thí sinh được phép học liên thông từ bậc sơ cấp nghề lên trung cấp, từ trung cấp lên cao đẳng nghề. Tuy nhiên, sau nhiều năm, theo phản ánh của các trường dạy nghề, nếu chỉ dừng lại ở học liên thông lên cao đẳng thì các trường dạy nghề rất khó thoát khỏi cái "bóng" của các trường đào tạo chuyên nghiệp.
Trước thực trạng này, tháng 12/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 27/2010/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH, theo đó, học viên từ trung cấp, cao đẳng nghề có thể học liên thông lên cao đẳng và đại học. Mặc dù đã được "cởi trói", chính sách thông thoáng hơn nhưng đến nay, công tác tuyển sinh ở các trường nghề vẫn không có sự khởi sắc.
Thiết nghĩ, các trường nghề cần chủ động tìm hiểu xem những nghề nào phù hợp với yêu cầu, phù hợp với sở thích của số đông học sinh để thu hút các em vào học; bên cạnh đó, bản thân các trường phải nỗ lực đổi mới giáo trình, đổi mới phương pháp giảng dạy và có sự liên kết chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho sinh viên khi ra trường. Có như vậy, trường nghề mới thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của các em.
Theo Văn Thương
(KTNT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)