Đây là câu hỏi của nhiều học sinh trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” lần thứ 5 năm học 2019-2020 vừa diễn ra tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ và Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (Q.10).
Chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự đang tư vấn cho học sinh và phụ huynh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của nhiều trường TC, CĐ trên địa bàn thành phố.
Điều kiện được tuyển thẳng
Mở đầu chương trình tư vấn tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ, ông Dương Thành Tài (chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) đã khái quát bức tranh tổng quan về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2020 trên địa bàn thành phố. Ngoài thông tin về cách thức xét tuyển, các hướng đi sau khi tốt nghiệp…, ông Tài còn thông báo đến học sinh các tiêu chí để được tuyển thẳng vào lớp 10 công lập mà không cần phải thi tuyển. “Đối tượng tuyển thẳng là học sinh khuyết tật hoặc học sinh đoạt các giải thưởng cấp quốc gia, cấp quốc tế về văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao, khoa học kỹ thuật; tuy nhiên, nếu học sinh không muốn tuyển thẳng vẫn có thể thi tuyển như bình thường”, ông Tài cho biết.
Sau phần tư vấn của chuyên gia, em Kiều Sang (lớp 9/4) băn khoăn hỏi: “Trong quá trình chọn trường, chúng em nên tự quyết định hay nghe theo ý kiến của cha mẹ?”. Trước câu hỏi này, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng khi có cha mẹ can thiệp vào việc chọn trường, trước mắt các em phải xác định được ngôi trường cha mẹ chọn có phù hợp với bản thân hay không. Nếu phù hợp thì rất tuyệt vời, còn ngược lại, các em phải chứng minh cho cha mẹ thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn, phù hợp với khả năng cũng như cơ hội nghề nghiệp sau này. “Chọn trường, chọn nghề là công việc của bản thân học sinh, cha mẹ và thầy cô chỉ là những người hỗ trợ, tham khảo ý kiến. Tốt nhất các em nên có sự chuẩn bị tinh thần và lập trường vững vàng để sẵn sàng cho hành trình chinh phục ước mơ”, ông Hòa An nhấn mạnh. Tương tự, trả lời câu hỏi của một học sinh nữ: “Làm gì để cha mẹ không áp đặt điểm số trong thi cử?”, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An phân tích: Trong mỗi con người, ai cũng có một điểm nổi trội nào đó, trong học tập cũng vậy. Có thể học sinh này giỏi lĩnh vực này, nhưng học sinh kia lại giỏi lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại hay so sánh con của mình với con người khác và vô tình tạo áp lực học tập cho con, khiến các em cảm thấy nặng nề, sợ hãi. Vì vậy, các phụ huynh nên thông cảm cho con: nếu con đã cố gắng hết sức, học hết mình nhưng đạt được số điểm không như mong muốn thì cũng đừng oán trách vì đó cũng là công sức, sự nỗ lực của con; còn học sinh hãy cố gắng phát huy hết năng lực, nếu thất bại, không đạt được như ý thì cũng đừng buồn mà hãy vui vẻ đón nhận công sức của mình.
Thế nào là chương trình 9+4,5?
Đây là thắc mắc của nhiều học sinh và phụ huynh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám. Giải đáp câu hỏi này, ThS. Dương Duy Khải (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường CĐ Sài Gòn Gia Định) cho biết chương trình 9+4,5 có nghĩa là sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh có thể dùng học bạ để xét tuyển vào học chương trình này trong vòng 4,5 năm, ra trường nhận bằng CĐ chính quy. Theo đó, chương trình 9+4,5 bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là học 3 năm TC để nhận bằng TC và giấy chứng nhận tốt nghiệp chương trình phổ thông – tương đương bằng THPT, sau đó liên thông lên CĐ thêm 1,5 năm nữa là hoàn thành chương trình. “Trong quá trình học, nhà trường cam kết đào tạo tiếng Anh cho các em đạt IELTS 5.0 trở lên, từ đó các em có thể đi lao động ở nước ngoài”, ông Khải thông tin.
Đại diện ban tư vấn trả lời các câu hỏi của học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ
Liên quan đến ngoại ngữ, ThS. Nguyễn Quỳnh Lâm (Phó phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường TC Việt Giao) cho biết tại Trường TC Việt Giao, ngoài đào tạo chương trình văn hóa song song với dạy nghề thì có đào tạo 3 ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa hoàn toàn miễn phí cho học sinh. “Đây là điểm khác biệt của nhà trường nhằm tạo ra những con người không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có năng lực về kỹ năng, ngoại ngữ để đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ThS. Lâm nói.
Đặc biệt, để các em học sinh có được tâm lý tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập sắp tới, chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự nhắn nhủ: Muốn thi tốt thì phải có sức khỏe tốt bằng việc ăn, uống hợp lý, ngủ đúng giờ. Giờ vàng học bài tốt nhất là vào buổi sáng, còn buổi chiều nên dành học các môn tự nhiên, làm bài tập. Ngoài ra, muốn đạt điểm cao, học sinh nên tự đặt ra cho mình phần thưởng như đi du lịch, mua sắm… để tạo động lực nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)