Đây là lời khuyên của các chuyên gia trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” lần 5 năm học 2019-2020 diễn ra tại nhiều trường THCS trên địa bàn TP.HCM. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của nhiều trường THPT, TC, CĐ.
Chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự đang tư vấn cho phụ huynh và học sinh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (Q.10)
Không được thay đổi nguyện vọng sau khi trúng tuyển
Theo bà Nguyễn Đặng An Long (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Phó chánh Văn phòng Đảng ủy Sở GD-ĐT TP.HCM), mỗi thí sinh thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại TP.HCM sẽ đăng ký 3 nguyện vọng (NV), chưa kể NV vào các trường chuyên. Phần mềm xét tuyển của Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện theo nguyên tắc: Nếu thí sinh không trúng tuyển NV1 thì sẽ chạy tiếp sang NV khác, khi đã trúng tuyển thì phần mềm sẽ dừng lại và thí sinh không được thay đổi NV. Do đó, để trúng tuyển vào lớp 10 công lập, thí sinh nên cân nhắc kỹ lưỡng nhằm chọn được NV phù hợp. Lưu ý, các em không nên đăng ký cả 3 NV vào cùng 1 trường, thay vào đó đăng ký 1 NV vào 1 trường để tăng khả năng trúng tuyển.
Liên quan đến việc thi cử, một học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Q.10) hỏi: “Em nghe nói có trường hợp không thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng vẫn được học lên THPT đúng không?”. Giải đáp thắc mắc này, ThS. Dương Duy Khải (đại diện Trường CĐ Sài Gòn Gia Định) khẳng định: Đây là thông tin không sai. Theo ThS. Khải, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập chỉ dành cho những học sinh có ước mơ làm những công việc mang tính chất hàn lâm, cần trình độ cao như: bác sĩ, giảng viên, chuyên gia nghiên cứu… Những em mong muốn sớm bước vào thị trường lao động, làm những việc thuộc nhóm ngành dịch vụ, đòi hỏi khả năng thực hành nhiều thì không nhất thiết phải thi tuyển vào lớp 10 công lập vừa mất thời gian, công sức nhưng vẫn được học THPT. “Theo đó, sau khi tốt nghiệp THCS, các em có thể sử dụng học bạ để xét tuyển học tại các trường tư thục, trung tâm GDNN-GDTX của quận/huyện hoặc học tại trường TC mà không cần thi tuyển vào lớp 10. Tại những ngôi trường này, các em không chỉ được học chương trình văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT mà còn được giảm tải một số môn văn hóa theo quy định của nhà trường. Riêng đối với các trường TC, ngoài được miễn giảm học phí, các em còn được nhận 2 bằng sau khi tốt nghiệp, đó là bằng THPT và bằng TC. Với 2 bằng này, các em có thể học lên CĐ, ĐH”, ThS. Khải khẳng định.
Tự đặt cho mình phần thưởng trong thi cử
Trong chương trình tư vấn tại Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (Q.10), chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự đã có những lời khuyên cho học sinh nhằm giúp các em có được một mùa thi nhẹ nhàng, thoải mái nhưng vẫn đạt được kết quả cao. Theo ông Sự, để vượt qua mùa thi an toàn, chính bản thân mỗi học sinh phải có sức khỏe về thể chất và tinh thần vững vàng. Học sinh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất, đủ lượng, nên bổ sung bằng các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như nấm, cá, trứng, đậu hũ; ăn nhiều rau, trái cây; uống nhiều nước, sữa chua… Bên cạnh đó, các em cũng cần lập kế hoạch học tập khoa học, ngủ đủ giấc; tự đặt cho mình phần thưởng trong thi cử, không quá quan tâm đến cách học hay kết quả học tập của bạn khác để tránh mất tập trung. Về phía phụ huynh, cần tạo điều kiện tốt cho con ôn tập, khích lệ để tạo tâm lý thoải mái, tránh gây áp lực quá lớn cho con…
Học sinh Trường THCS Phú Lợi (Q.8) đặt câu hỏi cho ban tư vấn “Để trúng tuyển vào lớp 10 công lập, thí sinh nên cân nhắc kỹ lưỡng nhằm chọn được NV phù hợp. Các em không nên đăng ký cả 3 NV vào cùng 1 trường, thay vào đó đăng ký 1 NV vào 1 trường để tăng khả năng trúng tuyển”, bà Nguyễn Đặng An Long (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Phó chánh Văn phòng Đảng ủy Sở GD-ĐT TP.HCM) khuyên. |
Lo sợ trước những thông tin tiêu cực, một học sinh Trường THCS Phú Lợi (Q.8) bày tỏ: “Với sự phát triển của công nghệ thông tin thì để có được thông tin về thi cử là việc không hề khó. Vậy làm sao biết được thông tin nào đúng, thông tin nào sai?”. Để các em học sinh không bị hoang mang, đồng thời có thể tự chọn lọc thông tin, chuyên gia tâm lý Tô Nhi A khuyên: Trước tình trạng này, các em học sinh cần phải thật cẩn thận. Các em phải làm sao luôn đứng trong tư thế nắm bắt được những thông tin liên quan đến học tập, thi cử… đúng. Tốt nhất hạn chế lên mạng xã hội trong thời gian thi cử; muốn có được thông tin chính xác nên hỏi thầy cô, hay chuyên gia giáo dục vì họ là những đầu mối quan trọng để cung cấp thông tin cho các em. Song song đó, các em cũng nên chia sẻ với gia đình để được hỗ trợ kịp thời, không ảnh hưởng đến tâm lý.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)