GV Trường THCS Bình Lợi Trung (Q.Bình Thạnh) hướng dẫn học sinh ôn tập môn toán để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT. Ảnh: D.B |
Nhiều giáo viên (GV) khuyên rằng, muốn làm tốt bài thi môn toán, thí sinh (TS) phải nắm vững công thức cơ bản, thường xuyên luyện tập để vận dụng, biến đổi công thức vào các bài tập một cách thành thạo, linh hoạt. Ngoài ra, các TS cũng cần chú ý đến dấu, kỹ năng vẽ hình… bởi những phần này nếu không cẩn thận, TS dễ bị mất điểm “oan”…
Cần có kỹ năng vẽ hình
Theo một số GV dạy toán ở Trường THCS Điện Biên (Q.Bình Thạnh),hầu hết đề thi tuyển vào lớp 10 THPT do Sở GD-ĐT TP.HCM ra mấy năm gần đây đều có cấu trúc là 4 dạng đại số và 1 dạng hình học, mỗi dạng gồm những câu hỏi có mức độ khó – dễ khác nhau để phân loại học sinh.
Ở phần đại số, rất nhiều TS mắc lỗi không đáng có là sai dấu, trong khi giám khảo chấm điểm sẽ chấm theo từng phần, làm đúng phương pháp, đúng cách thức nhưng nếu sai dấu sẽ không chấm điểm. Vì thế, TS cần bình tĩnh đọc kỹ đề, xem rõ từng phần bài làm của mình có nhầm lẫn về dấu hay không để kịp thời điều chỉnh. Dạng câu hỏi thứ nhất là giải phương trình, hệ phương trình… Do không học kỹ công thức nên TS thường nhầm công thức nghiệm phương trình bậc 2 với công thức nghiệm thu gọn. Dạng câu hỏi thứ hai là vẽ đồ thị hàm số, hầu hết TS đều làm tốt, kể cả những em có học lực trung bình. Tuy nhiên, dạng câu hỏi thứ ba lại là một dạng khó về rút gọn biểu thức. Ở dạng này, TS cần nắm vững công thức, biết nhận dạng hằng đẳng thức, biết biến đổi đưa về giá trị tuyệt đối… nên các em phải có những lập luận chặt chẽ mới làm được. Còn ở dạng câu hỏi thứ tư, TS cần học kỹ công thức Vi-et để vận dụng vào bài tập tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của một biểu thức.
Còn phần hình học, sẽ có 4 câu hỏi nhỏ, trong đó bao gồm hai câu dễ và hai câu ở mức độ tương đối khó. Tuy nhiên, do không nắm vững kiến thức cơ bản từ các lớp dưới nên ở những câu hỏi dễ, nhiều TS vẫn cảm thấy rất phức tạp. Bên cạnh đó, một số TS nghĩ rằng vẽ hình dễ nên không cẩn thận đọc kỹ đề, vẽ sai hình nên dẫn đến kết quả chứng minh sai. Ngoài ra, TS phải biết vận dụng phần giả thiết mới lập luận và chứng minh được yêu cầu của đề.
Trong thời gian này các TS đã được ôn tập kỹ công thức, do đó các em cần làm nhiều bài tập để dễ nhận dạng được các bài toán và tránh sai sót, chú ý đến tính vừa sức, không nên làm các bài tập quá khó đối với mình vì sẽ mất nhiều thời gian, đôi khi còn có tác dụng ngược làm loãng trí nhớ của mình.
Chú ý đến dấu để không mất điểm “oan”
Theo thầy Nguyễn Trí Dũng – Tổ trưởng Tổ toán, Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1) – dạng đề giải phương trình (PT) và hệ PT thường cho PT bậc hai, PT trùng phương và hệ PT bậc nhất hai ẩn. Đây là phần dễ nhất trong bài thi, TS nắm được công thức sẽ giải được bài toán. Phần vẽ đồ thị cũng khá dễ, TS cần chú ý hàm số a là dương hay âm để vẽ cho đúng; còn tìm giao điểm của parapol, TS cần quy về giải PT bậc hai, nhớ đối chiếu với kết quả trên đồ thị có phù hợp hay không. Phần PT bậc hai và hệ thức Vi-et thường cho một PT chứa tham số, tìm điều kiện của m thỏa mãn điều kiện cho trước hoặc tìm giá trị nhỏ nhất, lớn nhất của một biểu thức chứa hai nghiệm, phần này cần chú ý đến dấu để tránh các sai sót.
Thầy Dũng cho biết thêm, phần khó nhất trong đại số là rút gọn biểu thức, thường cho một bài về rút gọn biểu thức có căn số và một bài rút gọn biểu thức có căn chứa biến; TS cần nắm các phép biến đổi của căn thức, nắm được trục căn ở mẫu và cách biến đổi đưa về dạng căn bậc hai của a2; còn rút gọn biểu thức có căn chứa biến thì chú ý đến các phép cộng, trừ, nhân, chia phân thức lớp 8 và cách phân tích thành nhân tử dưới dạng căn.
Thầy Dũng lưu ý, phần đại số các TS cần chú ý đến dấu bởi thông thường do tâm lý mất bình tĩnh hay quá vội vàng mà các em biến đổi sai dấu, dẫn đến cách làm đúng nhưng kết quả thường sai nên bị mất điểm “oan”.
Ở phần hình học, đề thường có 4 câu nhỏ, trong đó hai câu đầu có mức độ trung bình, hai câu sau ở mức độ nâng cao. Kiến thức các câu hỏi phần hình học chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 nhưng đòi hỏi TS phải có kiến thức cơ bản của chương trình THCS thì mới làm tốt. Hai câu cuối ở mức độ khó, TS phải có kinh nghiệm phân tích và tổng hợp bởi phải qua 3 đến 4 lớp lập luận mới đi đến kết quả, nếu hướng đi không đúng sẽ làm mất nhiều thời gian. Phần hình học các em nên lưu ý là vẽ hình thật chính xác, tìm vị trí vẽ hình dễ nhìn nhất để phân tích.
Dương Bình (ghi)
Bình luận (0)