Đến thời điểm này, các trường THPT của Hà Nội đã tuyển sinh xong đợt 1. Ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sau đợt 1, dựa vào tình hình cụ thể từng trường, sở sẽ đưa ra hướng điều chỉnh điểm nếu cần thiết.
Trường nào được “tràn điểm”?
Theo ông Kỳ, đối với những trường không tuyển đủ học sinh, sở có thể xem xét hạ điểm chuẩn. Nếu cần thiết, trường có thể lấy thêm NV3. Cuối chiều 23-7 sở sẽ xét yêu cầu của các trường và ngày 24 sẽ công bố. Thực tế cho thấy, áp lực tuyển sinh của các trường có khác nhau. Đối với những trường “đầu cao” thì số thí sinh sát nút điểm chuẩn nhưng chưa vào được nên trong tâm trạng lo lắng mong hạ điểm chuẩn. Ngược lại những trường “đầu thấp”, vì nhiều lý do, có những học sinh trong điểm chuẩn nhưng lại chưa đến nộp hồ sơ. Vì thế mà vẫn thiếu hoặc vẫn thừa. NV3 sẽ được lấy theo nguyên tắc: mỗi khu vực tuyển sinh cố gắng có 1 điểm trường nhận NV3. Điều này tạo cơ hội cho những thí sinh có điểm thi tương đối cao trong khu vực nhưng chưa được tiếp nhận vào trường nào. Nguyên tắc thứ hai là để đảm bảo cho các trường hoạt động đúng công suất và tiếp nhận học sinh theo chỉ tiêu. Hai nguyên tắc này mục đích cuối cùng là cố gắng để học sinh được học tại các trường công lập một cách tối đa. Bên cạnh đó, ở khu vực Hà Nội mở rộng, NV1 không đỗ, thí sinh lựa chọn NV2 nhưng đi lại quá xa. Do đó, sở cho phép một số trường nhất định được sử dụng “tràn điểm” (có quyền lấy học sinh ở khu vực khác khu vực tuyển sinh đã được quy định). Năm nay có 16/101 trường THPT của thành phố được tuyển NV3. Trong đó, có những trường được phép tuyển sinh “tràn điểm” toàn thành phố như Trường THPT Vân Tảo, Trường THPT Đại Mỗ, Trường THPT Trung Văn. NV3 vào những trường này thường cao hơn 2 điểm so với NV1. Tuy nhiên, qua một số năm tuyển sinh, ông Kỳ cho biết, có một số lượng học sinh nhất định có tâm lý chờ các trường NV1 hạ điểm chuẩn. Điều này sẽ làm thí sinh mất cơ hội ở NV2. Do đó, năm nay, ông Kỳ khuyên thí sinh nếu không đủ điểm NV1 thì nên nộp hồ sơ ngay NV2. Nếu NV1 hạ điểm, thí sinh đó đủ điểm thì vẫn có quyền quay về học tại trường NV1.
Chất lượng giáo dục thủ đô vẫn còn chênh lệch
Có thể thấy, năm nay phổ điểm chuẩn vào 10 của Hà Nội rất rộng, từ trên 20 điểm đến hơn 50 điểm. Những trường top trên của thành phố như Trường THPT Chu Văn An có điểm chuẩn là 54 điểm, Trường THPT Kim Liên là 52,5 điểm, Trường THPT Trần Phú điểm chuẩn là 50 điểm. Trong khi đó, Trường THPT Bất Bạt chỉ lấy 20 điểm. Cùng lấy điểm chuẩn như trường này còn có các trường như Vân Tảo, Lưu Hoàng, Ứng Hòa B, Đại Cường… Theo ông Kỳ, phổ điểm rộng có thể thấy chất lượng giáo dục giữa các vùng của Hà Nội có sự chênh lệch, nhất là năm nay, lần đầu tiên Hà Nội mở rộng. Có hai nguyên nhân. Thứ nhất ở tất cả các khu vực không thể đồng nhất chất lượng trong một sớm một chiều. Thứ hai do bản thân cấu trúc đề thi năm nay đối với 1 số địa phương chưa nắm vững. Tuy nhiên, sự khác biệt này không lớn. Để khắc phục tình trạng này, hiện Phòng Giáo dục phổ thông của sở đang xây dựng kế hoạch năm học mới. Những khu vực đó phải được quan tâm mạnh hơn nữa về đổi mới phương pháp dạy học. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đổi mới đánh giá học sinh. Dù vậy, sự chênh lệch này không thể khắc phục trong một sớm một chiều.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)