Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Thêm cơ hội cho những học sinh “rớt trên cao”

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng trăm học sinh đạt 50-51 điểm thi vào trường THPT Kim Liên, Thăng Long, Chu Văn An… đang rơi vào tình cảnh “rớt trên cao”, trượt nguyện vọng 1 (NV1), trượt luôn cả NV2. Nhưng cơ hội chưa hết.
Thí sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 ở một trường THPT tại Hà Nội – Ảnh: Trịnh Vĩnh Hà
Dự thi vào Trường THPT Thăng Long, em Nguyễn Ngọc Anh đạt 51 điểm. Anh Phúc, phụ huynh của Ngọc Anh, cho biết: “Thi xong, cháu tự tính điểm tương đối sát, cả nhà mừng vì 51 điểm là mức điểm chuẩn năm trước vào Trường Thăng Long, nhiều khả năng sẽ đỗ. Không ngờ năm nay điểm chuẩn trường này cao quá, NV2 của cháu vào Trường Trần Phú cũng không đỗ. Cháu điểm thấp thì đỡ tiếc, đằng này 51 điểm vẫn rớt, trong khi nếu chọn trường khác thì thừa cả chục điểm…”.
Cùng tâm trạng, chị Hoàng Thị Mai, có con dự thi vào Trường Chu Văn An, kể: “Ở bậc THCS, cháu luôn đứng đầu lớp, được chọn vào đội tuyển văn đi thi học sinh giỏi thành phố. Giờ cháu thi đạt 53 điểm, trượt cả Trường Chu Văn An và NV2 vào Trường Kim Liên, bạn bè cháu đều không tin chuyện này”.
Năm nay, học sinh đạt từ 48-53 điểm vẫn trượt lớp 10 không ít. Thậm chí một số thí sinh thiếu 0,5 điểm để vào trường tốp đầu, đồng thời thiếu 0,5 điểm vào trường đăng ký NV2. So với mức điểm chuẩn vào một số trường khác, những học sinh này có kết quả thi vượt khá xa. Một số phụ huynh tỏ ra rất hoang mang khi các trường ngoài công lập có “thương hiệu” như Lương Thế Vinh, Marie Curie từ chối nhận những học sinh có điểm tương đối cao.
Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh năm nay mở cửa tuyển sinh trước thời hạn quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội ba ngày (từ 17-7), khi các trường công lập còn chưa được phép công bố điểm chuẩn. GS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh, cho biết như vậy nhằm loại những hồ sơ là “phương án hai” của thí sinh chờ trường công lập hạ điểm chuẩn.
Trước tình hình này, năm nay Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép 16 trường THPT được tuyển sinh NV3 ngay từ đợt 1. Trong đó, một số trường tuyển NV3 trong khu vực tuyển sinh của mình, một số khác được phép tuyển NV3 trên toàn thành phố. Ngoài lý do “tăng thêm nguồn tuyển cho những trường khó khăn, thiếu chỉ tiêu”, chủ trương trên của sở cũng là giải pháp để thu hút những học sinh bị “rớt trên cao”.
Ông Lê Tiến Thu, hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Đống Đa), cho biết trường không nằm trong diện thiếu nguồn tuyển, phải tuyển NV3. Nhưng trước thực tế nhiều học sinh điểm cao bị rớt, Sở GD-ĐT đã đề nghị trường tuyển NV3 “để giúp những học sinh điểm cao không phải đứng ngoài cổng trường” – ông Thu nói.
Trường Quang Trung tuyển đồng thời NV1, NV2, NV3 trong ba ngày từ 20 đến 22-7. Những học sinh nằm trong khu vực quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân đạt từ 46 điểm trở lên nhưng trượt NV1, NV2 ở trường khác có thể đăng ký tuyển NV3 vào trường.
Tương tự, tại Trường THPT Tây Hồ, hiệu trưởng Lê Hồng Vũ cho biết có thể tuyển đủ chỉ tiêu với số học sinh đăng ký NV1, NV2 nhưng trường sẽ vẫn tuyển thêm NV3 để tạo cơ hội cho những học sinh thuộc khu vực quận Ba Đình, Tây Hồ có điểm thi cao bị trượt cả NV1, NV2. 
TRỊNH VĨNH HÀ (TTO)

Bình luận (0)