Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM: Bí quyết làm bài thi

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THCS Lam Sơn (Q.Bình Thạnh) ôn tập môn tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, có không ít thí sinh do vội vàng nên đã mắc phải một số lỗi khi làm bài. Trong đó, theo nhận định của nhiều giáo viên, các em thường mắc lỗi viết tắt, viết sai chính tả, trình bày chưa sạch sẽ và rõ ràng ở môn văn; còn môn toán thì mắc lỗi về dấu; trong khi đó môn tiếng Anh thường sai lỗi chính tả…
Môn toán: Cẩn thận khi vẽ hình, biến đổi dấu
Nhiều giáo viên cho rằng, ở môn toán thí sinh nên đọc kỹ đề, làm đến phần nào xem xét kỹ phần đó để tránh sai dấu. Ngoài ra, vẽ hình không phải là khó nhưng vẽ như thế nào để dễ nhìn là điều kiện cần thiết.
Thầy Bùi Trọng Bình (Tổ trưởng bộ môn toán, Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) cho biết: “Ở phần vẽ hình, thí sinh nên chú ý kỹ từng yêu cầu nhỏ của đề, vì nếu vẽ sai hình sẽ không chấm điểm cho toàn bộ các câu hỏi phần này (trước đây vẫn cho điểm ở câu a, b). Chẳng hạn, đề cho cạnh AB lớn hơn cạnh BC nhưng vẽ cạnh BC lớn hơn thì giám khảo không chấm điểm cho bài làm. Khi vẽ hình, thí sinh nên vẽ ở vị trí dễ nhìn nhất và vẽ thật rõ ràng; chẳng hạn vẽ ở trang cuối của tờ giấy làm bài thi thứ nhất để làm bài ở tờ thứ hai thì không phải lật đi lật lại xem hình làm mất thời gian, dễ nhầm lẫn”.
Về dấu, thầy Nguyễn Đình Chương (giáo viên bộ môn toán Trường THCS Lam Sơn, Q.Bình Thạnh) lưu ý: “Nhiều thí sinh vội vàng, không chú ý nên làm sai dấu trong khi biến đổi dẫn đến kết quả sai. Dù cách làm đúng nhưng kết quả sai thì giám khảo cũng không thể cho điểm được. Khi cầm đề thi, thí sinh nên đọc hết câu hỏi, thấy câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau. Làm xong, nhớ lấy máy tính kiểm tra kỹ xem kết quả đã đúng hay chưa…”.
Môn văn: Viết tắt có thể bị trừ điểm
Hầu hết giáo viên dạy văn đều khẳng định: Viết chữ xấu không thể đọc được hay viết tắt quá nhiều cũng dễ làm mất điểm của thí sinh. Sai từ 5 lỗi chính tả trở lên có thể bị trừ 0,5 điểm, trong khi đó điểm xét tuyển vào lớp 10 môn văn lại nhân đôi, tức là thí sinh đã mất đến 1 điểm.
Cô Trần Mộng Vân (Tổ trưởng bộ môn văn Trường THCS Lạc Hồng, Q.10) cho rằng: Việc viết chữ xấu hay viết tắt, đưa ngôn ngữ mạng vào bài làm văn như từ “trái tim” thì vẽ hình trái tim, yêu thì viết iu, buồn thì viết bùn… khiến giám khảo khi đọc bài thi rất khó chịu và có thể bị trừ điểm. Ngoài ra, việc nhầm lẫn kiến thức, chẳng hạn truyện Chiếc lược ngà của nhà văn thì ghi thành nhà thơ sẽ bị trừ 0,25 điểm. Đồng tình với ý kiến này, cô Nguyễn Thị Thanh Hiền (Tổ trưởng bộ môn văn Trường THCS Minh Đức, Q.1) chia sẻ: “Sử dụng ngôn ngữ mạng thường xuyên khiến thí sinh viết quen tay nên nhiều em đã đưa vào bài thi, trong khi đó lỗi này cũng bị trừ điểm trong kỹ năng diễn đạt (thường 0,5 điểm) cho một bài văn. Viết chữ xấu cũng là một thiệt thòi lớn cho thí sinh bởi giám thị không thể đọc được thì khó có thể chấm bài. Vì vậy, nếu không rèn được chữ viết đẹp thì các em nên viết chữ to, rõ ràng hơn. Ở phần nghị luận văn học, một số thí sinh có kỹ năng phân tích thơ kém, đặc biệt là phân tích nghệ thuật trong thơ, chủ yếu diễn xuôi theo cách hiểu của mình mà không theo ý thơ. Trong khi đó, muốn làm tốt phần này, các em cần chú ý nhấn mạnh đến yếu tố nghệ thuật mới chuyển tải hết nội dung của đoạn hay bài thơ”.
Môn tiếng Anh: Chú ý nghĩa và cấu trúc ngữ pháp
Thí sinh cần viết rõ ràng bởi nếu viết cẩu thả, giám khảo không đọc được sẽ rất khó chịu và cho điểm thấp.
Đối với môn tiếng Anh, có rất nhiều vấn đề thí sinh cần chú ý vì chỉ cần sai một chữ, các em có thể bị trừ toàn bộ số điểm. Thầy Huỳnh Quốc Bảo (Tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THCS Lam Sơn, Q.Bình Thạnh) cho rằng: “Thí sinh phải cẩn thận đọc kỹ đề, câu nào dễ làm trước, câu nào khó đánh dấu bằng bút chì để khi xử lý xong câu dễ sẽ quay lại làm. Đề thi thường có 36 câu hỏi, yêu cầu làm trong 60 phút nên các em có thời gian thoải mái để làm. Vì vậy, khi làm đến câu nào cần kiểm tra chắc chắn đúng câu đó, tránh tình trạng đọc lướt qua, trả lời xong, làm các câu khác rồi quay về làm lại thì rất dễ rối trí. Phần trắc nghiệm thường cho 4 đáp án a, b, c, d, nếu thấy 4 đáp án này đều cùng nghĩa thì phân tích ngữ pháp để chọn; còn nếu 4 đáp án đều khác nghĩa thì phân tích nghĩa để chọn. Tương tự, phần chia động từ thí sinh cần xem ô trống để chia nằm ở phần nào, nếu nằm sau chủ ngữ thì dựa vào các thì để chia, thông thường sẽ có các từ như yesterday, tomorrow… để chia thì; nếu không có những từ loại này thì thí sinh phân tích nghĩa để điền. Nếu ô trống để điền không đứng sau chủ ngữ, thí sinh nên xét kỹ các hình thức từ đi kèm phía trước để chia như từ enjoy thì chỉ đi kèm với Ving chứ không thể xử lý bằng các thì khác. Phần chuyển đổi câu, thí sinh thường mắc lỗi chính tả, thông thường sai một lỗi thí sinh sẽ bị trừ 1/2 điểm mỗi câu. Ở phần điền từ, dù chỉ sai một lỗi cũng bị trừ hết điểm. Ở phần cuối, thường là chuyển đổi câu nên thí sinh phải nắm chắc ngữ pháp, đọc kỹ đề và xem kỹ phần gợi ý để giải quyết”.
Tương tự, thầy Trần Minh Hoàng (giáo viên bộ môn tiếng Anh Trường THCS Lam Sơn, Q.Bình Thạnh) cho rằng: Trong bài thi môn tiếng Anh, thí sinh cần trình bày sạch sẽ, rõ ràng, tuyệt đối không được viết tắt vì chắc chắn sẽ dễ làm giám khảo hiểu nhầm, bị trừ điểm. Khi làm bài, nên đọc lướt qua đề để nắm sơ bộ về nội dung, sau đó làm từ trên xuống dưới, câu nào dễ các em làm trước, câu khó đánh dấu lại bằng bút chì và làm sau.
Bài, ảnh: Dương Bình
Thay đổi giờ thi tuyển sinh vào lớp 10
Theo thông báo mới của Sở GD-ĐT TP.HCM, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2014 có một số thay đổi về giờ thi. Cụ thể, thời gian làm bài môn thi buổi sáng sẽ bắt đầu lúc 8 giờ (thay vì 7 giờ 30 như trước đây) và môn thi buổi chiều bắt đầu lúc 13 giờ 45 (thay vì 13 giờ 30). Do đó trong ngày đầu tiên, các thí sinh cần có mặt tại hội đồng thi lúc 6 giờ 30 để nghe phổ biến quy chế và làm lễ khai mạc. Các buổi thi sau, thí sinh đến trước khi bắt đầu giờ làm bài 30 phút. Những thí sinh đi trễ quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.
Năm nay, TP.HCM có 68.500 thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với 120 hội đồng thi. Trong đó, có 11 hội đồng thi chuyên với 7.517 thí sinh.
Kỳ thi diễn ra trong hai ngày 21 và 22-6 với 3 môn: Ngữ văn, toán và ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật). Lịch thi cụ thể như sau: Ngày 21-6: Buổi sáng thi môn ngữ văn (120 phút); buổi chiều thi môn ngoại ngữ (60 phút). Ngày 22-6: Buổi sáng thi môn toán (120 phút). Buổi chiều thi các môn chuyên với thời gian làm bài 120 hoặc 150 phút.
T.B
 
 

Bình luận (0)