Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tuyển sinh vào lớp 6: Hoang mang vì được… cởi trói

Tạp Chí Giáo Dục

Việc Bộ GD-ĐT cho phép một số trường THCS đặc thù được xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 những tưởng sẽ khiến các trường dễ lựa chọn phương án hơn. Tuy nhiên, không ít phụ huynh lại đang hoang mang bởi thiếu sự tuyên bố rõ ràng từ chính các trường.
Học sinh lớp 6 Trường Hà Nội - Amsterdam /// Ngọc Thắng
Học sinh lớp 6 Trường Hà Nội – Amsterdam. NGỌC THẮNG
Ngày 8.4, Sở GD-ĐT Hà Nội thông tin về phương án tuyển sinh đầu cấp năm học 2018 – 2019. Với các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh (HS) đăng ký vượt quá chỉ tiêu (trường chất lượng cao, trường ngoài công lập), Sở GD-ĐT cho phép kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực.
Cũng theo thông báo này, các trường có thể sẽ kiểm tra đánh giá năng lực, trong đó có những trường công lập hoạt động dưới mô hình trường chất lượng cao như THCS Cầu Giấy; lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, THCS Nam Từ Liêm, THCS Thanh Xuân…
Sở GD-ĐT cũng quy định khá chi tiết về cách thức kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6. Cụ thể, HS phải thực hiện 2 bài kiểm tra (bài tổ hợp khoa học tự nhiên và toán; bài tổ hợp khoa học xã hội, tiếng Việt và tiếng Anh).
Lúc bấy giờ, Sở GD-ĐT cũng nhấn mạnh, việc cho phép kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 không có nghĩa các trường bắt buộc phải áp dụng cách thức này để tuyển sinh. Các trường chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh (trong đó nêu rõ phương thức tuyển sinh) báo cáo với phòng GD-ĐT để trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt.
Mò mẫm, cấp tốc ôn thi theo kiểu đánh giá năng lực
Sau khi thông báo này phát đi, cộng thêm một số phát biểu đầy hồ hởi đón nhận của hiệu trưởng các trường THCS “chất lượng cao”, không ít phụ huynh có con sinh năm 2007, chuẩn bị vào lớp 6, kỳ vọng con có một chỗ học trong Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, Cầu Giấy hay Marie Curie… rục rịch tìm chỗ học để luyện thi theo kiểu đánh giá năng lực.
Các trung tâm giáo dục ngoài nhà trường cũng như thầy cô giáo có tiếng cũng nhanh chóng chuyển hướng quảng bá, dạy học theo cách đánh giá năng lực, luyện thi theo bài thi tổ hợp. Không khó để tìm thấy những quảng cáo chiêu sinh “ăn theo” hình thức kiểm tra mới mẻ này.
Trung tâm mang tên Hocmai lập tức thông báo 4 đợt kiểm tra đánh giá năng lực từ ngày 8.4 – 20.5 với lời quảng cáo “qua chương trình kiểm tra này, các HS lớp 5 sẽ biết được năng lực của bản thân đang ở mức nào, có những lỗ hổng kiến thức, kỹ năng nào và phương thức hoàn thiện để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi vào lớp 6”… Lệ phí tham gia kiểm tra là 100.000 đồng/HS/môn. Sau khi có kết quả kiểm tra, chính trung tâm này lại tổ chức ôn tập cho những HS có nhu cầu tham gia đánh giá năng lực vào lớp 6.
Do vậy lịch học của những HS muốn được vào các trường như Hà Nội – Amsterdam, Cầu Giấy… dày đặc với mức học phí từ 150.000 – 250.000 đồng/môn/buổi tùy vào mức độ “tiếng tăm” của các thầy cô. Có những trung tâm trước đây không hề dạy khoa học tự nhiên, khoa học xã hội ở tiểu học thì nay cũng quảng cáo chiêu sinh, mời các giáo viên dạy lịch sử, địa lý… ở cấp THCS để ôn luyện cho HS các bài tổ hợp…
Ngỡ ngàng vì… không được thi !
Một bộ phận phụ huynh, HS dồn công sức, thời gian và tiền bạc cho con ôn tập như vậy nên khi thông tin “dự kiến Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam sẽ xét tuyển vào lớp 6” mà Sở GD-ĐT phát đi ngày 20.5 vừa qua khiến phụ huynh rất ngỡ ngàng. Đại diện lãnh đạo trường này cũng xác nhận trường sẽ trình lên Sở GD-ĐT xem xét phương án xét tuyển để vào lớp 6 thay vì thi đánh giá năng lực.
Không chỉ Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, nguồn tin của Thanh Niên cho biết các trường công lập chất lượng cao như Cầu Giấy, Thanh Xuân… cũng sẽ chỉ xét tuyển vào lớp 6 như mấy năm gần đây chứ chưa đánh giá năng lực để tuyển sinh như dự kiến ban đầu.
Trong lúc thông tin vẫn còn là “dự kiến” và “có thể” thì trên một diễn đàn mang tên “Đồng hành cùng các kỳ thi học sinh giỏi…” mấy ngày gần đây, nhiều phụ huynh đang cho con ôn tập để kiểm tra vào lớp 6 như “ngồi trên đống lửa”. Một phụ huynh chia sẻ: “Các con thời gian vừa qua đã rất vất vả học ôn, giờ lại bảo không đánh giá năng lực nữa thì thật là bất công cho các con”.
Không thi để tránh luyện thi !
Có ý kiến cho rằng, việc các trường và Sở GD-ĐT dự kiến giữ phương thức xét tuyển là để dừng và tránh việc “đua nở” các lò luyện thi dành cho HS tiểu học. Tuy nhiên, với quy định mới của Bộ GD-ĐT không cho phép các trường dùng giải thưởng để cộng thêm trong tuyển sinh đầu vào thì không hiểu các trường sẽ dùng tiêu chí nào để xét tuyển?
Theo một số nhà giáo, nếu thực sự ra đề đúng theo bản chất của đánh giá năng lực thì việc HS đi học thêm theo kiểu vào “lò luyện” như cách thi truyền thống là không cần thiết. Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, cho biết ngay trong thông báo tuyển sinh lớp 6 bằng bài kiểm tra đánh giá năng lực của trường phát cho từng phụ huynh đã nêu rất rõ: “Các câu hỏi là kiến thức cơ bản, dễ nhớ, không cần luyện thi”.
 
Nhiều ý kiến phụ huynh và chuyên gia cho rằng, hình thức tuyển sinh nào cũng được miễn là phải được công bố một cách rõ ràng, chính thức và nhất quán. Còn nếu tháng 4 nói “có thể kiểm tra đánh giá năng lực”, đến tháng 5 lại tuyên bố “dự kiến xét tuyển” thì sẽ khiến phụ huynh, HS hoang mang, lo lắng không cần thiết.
Trong khi đó, một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, Sở về cơ bản đồng tình với phương án xét tuyển mà Trường Hà Nội – Amsterdam đề xuất, vì qua 3 năm áp dụng trường khẳng định xét tuyển vẫn có chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, phương án này phải trình UBND TP.Hà Nội phê duyệt và sẽ công bố trước ngày 31.5.
Tuệ Nguyễn/TNO

 

Bình luận (0)