Chiếc PDA dùng hệ điều hành Android của Google đã nhận được khá nhiều phần mềm hỗ trợ. Dưới đây là các chương trình cần thiết cho cuộc sống cá nhân.
Font đọc tiếng Việt
Khả năng lướt net bằng Wi-Fi của T-Mobile G1 khá mạnh nhưng để đọc được các trang viết bằng tiếng Việt, những SMS, đoạn chat… có dấu, người sử dụng phải cần đến một bộ font riêng. Vừa qua, thành viên có tên Nombatca trên diễn đàn Tinhte đã trình bày cách cài font tiếng Việt cho máy. Xem thêm tại đây. Theo đó, các máy G1 đã được unlock và active phải có bản RC nhỏ hơn 30 (để có quyền root) rồi nâng cấp lên bản RC30 chỉnh sửa (bản sửa đã cài font tiếng Việt).
Ghi âm
DroidRecord là một phần mềm khá hay tải được từ ngay trên Market – bộ sưu tập các chương trình của bên phát triển thứ 3 cho Android nằm trong điện thoại. Không chỉ cho phép ghi âm hết thẻ nhớ, chương trình này có thể chơi đoạn ghi âm, đính kèm thông tin ngày giờ, địa điểm ghi âm thông qua tính năng GPS. Người sử dụng có thể xem bản đồ về địa điểm đó ngay trên chức năng Show Map của chương trình vì nó liên kết trực tiếp với Maps của Google. Ngoài ra, thẻ Timed Alerts còn giúp người dùng đặt giờ thông báo đoạn ghi âm đó – tính năng này có thể áp dụng để làm lời nhắn bằng giọng nói.
Ghi chú
Trong Market của G1 có khá nhiều phần mềm ghi chú và ghi chú trên màn hình như Notepad, Sticky… nhưng AK Notepad có ưu điểm là giúp người dùng vừa ghi chú, vừa có thể đưa ghi chú đó lên màn hình chính và đặt chế độ hẹn giờ để được thông báo kịp thời.
Đọc sách
Cũng trên "chợ" này, người dùng G1 có thể tải về một chương trình đọc sách mang tên Textonphone. Phần mềm cho phép bạn tải về từ hàng chục nghìn cuốn sách và đọc chúng bằng thao tác đơn giản: lướt tay theo chiều dọc để kéo trang, theo chiều ngang (trái/phải) để chuyển sang trang kế tiếp. Màn hình 3,2 inch của G1 chiều lòng những người mắt kém nhưng Textonphone còn giúp họ phóng to chữ lên đến cỡ 16. Mục Mobile Novels hỗ trợ người đọc sáng tác các tiểu thuyết của mình để chia sẻ với cộng đồng. Còn Readers wall là nơi độc giả chia sẻ cảm nghĩ, kết bạn với nhau, tạo dựng profile cá nhân…
La bàn
Compass là phần mềm giúp những người muốn đi du lịch, tìm mua nhà… biết được hướng mà họ đang đứng. Chỉ cần đặt G1 theo hướng cần xác định, ngay lập tức, la bàn sẽ chỉ tên hướng (N = Bắc, S = Nam, E = Đông, W = Tây) kèm theo độ với sự chính xác tuyệt đối.
Đèn pin
Đi trong đêm tối khiến bạn phải dùng điện thoại để chiếu sáng. Tuy nhiên, Flashlight (do Devesh Parekh phát triển) là chương trình làm tốt việc này hơn vì nó sẽ biến toàn bộ màn hình thông thường của G1 thành chiếc đèn với ánh sáng trắng.
Tạo shortcut
Any Cut do Jeff Hamilton phát triển giúp bạn đặt bất kỳ thứ gì lên màn hình chính để truy cập dễ dàng, từ một phần mềm, tính năng của điện thoại đến số điện thoại để nhắn tin, gọi điện… Khi không dùng đến nữa, bạn chỉ cần bấm một lúc vào shortcut đó rồi thả vào thùng rác.
Hiện nội dung tin nhắn
Nếu không muốn chạm vào điện thoại khi đang dở tay làm việc khác mà vẫn đọc được tin nhắn gửi đến, bạn có thể dùng SMS Popup để bất kỳ tin nhắn nào đến cũng nổi bật trên màn hình chính. Ngay trên đó còn có nút Close (đóng) và Reply (trả lời) để người dùng không phải vào trong Messaging để truy cập.
Thông tin du lịch
Wikitude – AR Travel Guide dùng mạng Wi-Fi và tính năng định vị để giúp người dùng biết được các điểm du lịch ở quanh mình hoặc quanh một địa chỉ cụ thể do họ gõ vào. Bản đồ hiện lên sẽ có các thông tin chỉ dẫn bằng tiếng Anh khá chi tiết ở dạng chú thích. Bấm tiếp vào đó, bạn sẽ đọc được một bài hướng dẫn dài hơn và những liên kết đến các trang web có thông tin liên quan. Ví dụ, điểm du lịch Fansipan được chỉ dẫn là cách đường Vạn Bảo (Hà Nội) 254 km, kèm theo thông tin về địa lý và hướng dẫn (nên chọn tour 2-3 ngày, có người hướng dẫn bản địa để lên tới đỉnh núi cao 3.143 m…)
Việt Toàn (Theo VNE)
Bình luận (0)