Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tuyển thẳng: Sở kiên nhẫn đòi, Bộ kiên quyết bác

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các địa phương lại tiếp tục "đòi" khôi phục lại chế độ tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia đạt giải Nhất, Nhì, Ba vào đại học. Tuy nhiên, một lần nữa Bộ GD-ĐT kiên quyết "bác bỏ" việc quay lại chuyện "luyện gà nòi" mà để đào tạo học sinh giỏi toàn diện theo đúng mục tiêu của trường chuyên.

Hơn 1.100 HS vào thẳng là "không thấm"
HS lớp 10 Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ – Hà Đông (Hà Nội).
Ảnh: Bảo Anh
Ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng đề nghị, Bộ GD-ĐT nên khôi phục lại chế độ tuyển thẳng những học sinh giỏi quốc gia đạt giải Nhất, Nhì, Ba vào ĐH. Ông Hoa cho rằng, năm 2009 có 1.122 học sinh (năm 2008 là 900 em) đạt các giải này thì "không thấm" là bao so với số học sinh đỗ vào các trường ĐH, CĐ.
Hơn nữa, những học sinh giỏi quốc gia đạt giải này hầu hết đều đạt điểm sàn trở lên vào ĐH. Do đó, để tạo động lực cho các em phấn đấu tốt hơn thì Bộ nên khôi phục chế độ tuyển thẳng – ông Hoa nói.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đồng quan điểm với ông Hoa và có lưu ý, nên tuyển thẳng với điều kiện tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc – như mấy năm thực hiện cuộc vận động "2 không".
Ông Trường cho rằng, học sinh chuyên phải có kiến thức phổ thông toàn diện và giỏi xuất sắc về một hoặc một số môn. Việc đạt giải Nhất, Nhì, Ba có thể coi như giỏi xuất sắc môn đó và việc đỗ tốt nghiệp phổ thông – trong điều kiện tổ chức nghiêm túc – thì học sinh đó đã có kiến thức phổ thông toàn diện. Do đó, có thể tuyển những học sinh này vào đại học.
 Theo ông Trường, lỗi để học sinh học lệch, hoặc đào tạo thành những "gà công nghiệp" như trước đây một phần là do công tác quản lý. Nghĩa là, chưa yêu cầu học sinh học toàn diện hoặc có khi do bệnh thành tích còn "tạo điều kiện" cho học sinh được học lệch.
"Việc học lệch ở trường chuyên hoặc hiện tượng học sinh chuyên ngơ ngơ như "gà công nghiệp" lỗi không phải ở chương trình và cũng không hoàn toàn do học sinh" – ông Trường nói rõ.
Trước đó, cuối tháng 12/2009, tại Hội nghị các trường THPT chuyên toàn quốc, nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ khôi phục lại chế độ tuyển thẳng HS giỏi quốc gia.
Đại diện của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định còn dẫn chứng, theo thống kê 10 năm qua của trường, không có HS nào đạt từ giải 3 quốc gia trở lên trượt ĐH.
Ngay lúc đó, đại diện Bộ GD-ĐT – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã trao đổi, trường có chất lượng cao không vì "tuyển thẳng ĐH" mà giảm HS giỏi.
Tuy nhiên, tại Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2010 sáng 9/1, một số địa phương lại tiếp tục đề đạt ý kiến này.
"Bỏ tuyển thẳng đối tượng học sinh đạt giải quốc gia là triệt tiêu động lực dạy và học" – ông Hoa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chừng mực hơn khi nêu quan điểm "tuyển thẳng có tác dụng động viên các em trong học tập, nhưng có cái dở là nếu tập trung quá các môn chuyên sử địa thì có thực sự là thoả đáng không?".
Bộ "bác"  tuyển thẳng
Tuy nhiên, tại hội nghị, cả 3 lãnh đạo Bộ (Bộ trưởng và 2 Thứ trưởng) đều "bác bỏ" việc tuyển thẳng vào ĐH của các địa phương.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc xét tuyển trong thực tế đã triển khai và có một số địa phương quan điểm không đúng về mục tiêu đào tạo của trường chuyên, về đào tạo học sinh giỏi nên dẫn đến việc cho rằng đây là mô hình "luyện gà nòi". Các học sinh học xong ra rất "gà công nghiệp", không đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện, không đảm bảo yếu tố cơ bản nhất của nhân cách con người.
Đã có thời gian dài, bắt tay các thầy cô đi dạy học sinh giỏi "thấy rất mềm".
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân
Từ đó, ông Hiển nói rõ, để hạn chế, Bộ đã đặt ra việc không tuyển thẳng, tất nhiên vẫn có ưu tiên cho những học sinh này khi xét tuyển vào ĐH. Thực tế đã cho thấy, những năm gần đây, dù bỏ tuyển thẳng nhưng cũng không làm giảm chất lượng học sinh giỏi, thậm chí tốt hơn.
"Do vậy, nếu quay lại tuyển thẳng đối tượng này, đồng nghĩa với việc quay lại việc "luyện gà nòi" dẫn đến dạy lệch, học lệch và tôi cho là không cần thiết" – Thứ trưởng khẳng định.
Kết luận rõ hơn về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, mục tiêu của đào tạo phổ thông là đào tạo công dân.
Ông cũng nói rằng, đã có thời gian dài, bắt tay các thầy cô đi dạy học sinh giỏi "thấy rất mềm". Lý do là sức khỏe không có, suốt ngày lo học hành, không quan tâm đến môi trường xã hội.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, định hướng vào đời lớn nhất là định hướng làm gì và yêu ai chứ không phải giỏi cái gì. Xác định yêu Tổ quốc này, làm gì có ích cho bố mẹ, cho đất nước phát triển. Nghĩa là làm rõ mình là ai? Cái đó không liên quan đến học sinh giỏi, ông Nhân nói rõ.
Do đó, trường chuyên là trường bồi dưỡng nhân tài chứ không phải bồi dưỡng năng khiếu. Có năng khiếu mà nền bị hỏng, sức khỏe yếu, không có ý chí ra cũng không phục vụ đất nước được bao nhiêu.
Theo ông Nhân, nếu coi kết quả học sinh giỏi là chứng chỉ vào đời thì không nên. Bởi thực tế ,có nhiều người học phổ thông rất bình thường nhưng vào đời làm việc rất tốt. Ngược lại, có người học phổ thông giỏi nhưng vào đời lại…yếu ớt và không làm được việc. 
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Trường: Chấp nhận học lệch
Người kiệt xuất về một lĩnh vực thường dành hết thời gian cho nó và không để ý đến những vẫn đề còn lại, nên trong cuộc sống họ như "gà công nghiêp". Nhưng về khoa học họ là thiên tài (như  nhà bác học Newton khoét hai lỗ: một cho chó, một cho mèo).
Do đó, trong một số ít trường hợp, cần chấp nhận cho họ học lệch. Thực ra, đấy là những người chịu thiệt thòi trong xã hội. Họ không được hưởng gì ngoài lao động phát minh và cống hiến.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân:Yếu thì không phục vụ được bao nhiêu
Định hướng vào đời lớn nhất là định hướng làm gì và yêu ai chứ không phải giỏi cái gì. Xác định yêu Tổ quốc này, làm gì có ích cho bố mẹ, cho đất nước phát triển. Nghĩa là làm rõ mình là ai? Cái đó không liên quan đến học sinh giỏi..
Trường chuyên là trường bồi dưỡng nhân tài chứ không phải bồi dưỡng năng khiếu. Có năng khiếu mà nền bị hỏng, sức khỏe yếu, không có ý chí, ra cũng không phục vụ đất nước được bao nhiêu.

Bảo Anh –  Kiều Oanh / Vietnamnet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)