Trong bối cảnh Nghị quyết (NQ) 68 đang bước vào giai đoạn triển khai sâu rộng, báo chí (BC) có nhiệm vụ rất lớn. Vì vậy đội ngũ BC không chỉ cần bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp mà còn phải có năng lực truyền thông hiện đại, khả năng nắm bắt dữ liệu, công nghệ…

Nâng cao năng lực chuyên môn
Ông Huỳnh Thành Đạt – Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương – nhìn nhận, NQ 68 do Bộ Chính trị ban hành là bước đột phá về tư duy phát triển, kế thừa tinh thần NQ 05 và các chủ trương nhất quán của Đảng ta về kinh tế nhiều thành phần. Do đó công tác tuyên truyền cho NQ này cực kỳ quan trọng. Để làm tốt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan BC với các ban, bộ, ngành và địa phương. Trong quá trình đó, BC và cơ quan quản lý Nhà nước phải song hành như những người đồng đội chung mục tiêu. Khi được các bộ, ban, ngành và địa phương “đặt hàng”, chủ động cung cấp thông tin, số liệu đầy đủ, kịp thời cho BC thì việc tuyên truyền sẽ thuyết phục và hiệu quả hơn, tránh tình trạng nhiễu loạn thông tin.
Các địa phương cần coi BC là người bạn đồng hành đáng tin cậy. Khi có mô hình hay, cách làm tốt nên chủ động cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho BC đưa tin, nhân rộng. Ngược lại, khi BC phản ánh những tồn tại ở cơ sở, chính quyền địa phương cần tiếp thu một cách cầu thị, coi đó là kênh giám sát hữu ích để tự chấn chỉnh và cải thiện.
Khi được tạo điều kiện, các cơ quan BC cũng cần chủ động nâng cao năng lực chuyên môn để theo kịp yêu cầu nhiệm vụ. Các nhà báo kinh tế cần trang bị kiến thức sâu hơn về quản lý kinh tế, tài chính, khởi nghiệp… đồng thời rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
Bà Trần Mai Hương – Học viện BC Tuyên truyền – cho rằng, để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền NQ của Đảng, đặc biệt là NQ 68 trong bối cảnh chuyển đổi số, cần phải nâng cao năng lực lý luận định hướng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên – lực lượng trực tiếp tham gia vào mặt trận tư tưởng – văn hóa. Việc này phải được tiến hành một cách bài bản, đồng bộ và toàn diện. Cần thường xuyên tổ chức các lớp chuyên đề sâu về lý luận chính trị, tập trung vào việc nghiên cứu và triển khai NQ của Đảng, trong đó có NQ 68. Những lớp này không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản về đường lối, chính sách của Đảng mà còn phải phân tích, lý giải các nội dung cốt lõi của NQ dưới góc nhìn BC – truyền thông. Đặc biệt, cần lồng ghép hiệu quả các nội dung lý luận vào chương trình đào tạo BC để lý luận không đứng ngoài nghiệp vụ mà trở thành nền tảng định hướng trong mọi sản phẩm truyền thông. Việc kết hợp giữa lý luận và nghiệp vụ cần được cụ thể hóa bằng các mô hình đào tạo liên ngành hoặc thực hành lý luận trên nền các tình huống BC cụ thể.
Về đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, yêu cầu đặt ra là phải chuyển từ phương pháp “truyền đạt NQ” một chiều sang cách tiếp cận “giải thích, dẫn dắt tư duy công chúng”. Phóng viên, biên tập viên cần thay đổi cách xây dựng bài viết theo hướng phản ánh NQ gắn với nhu cầu, trăn trở, kỳ vọng và hành động cụ thể của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Điều đó đòi hỏi năng lực phân tích sâu sắc, kỹ năng kể chuyện tốt và khả năng “dịch” ngôn ngữ chính trị sang ngôn ngữ đời sống.
Trong thời đại chuyển đổi số và bùng nổ dữ liệu, người làm báo không thể tác nghiệp hiệu quả nếu thiếu kỹ năng số và khả năng thích nghi với công nghệ mới. Do đó, cần đào tạo bài bản kỹ năng số cho đội ngũ nhà báo, từ khai thác dữ liệu lớn (Big Data), sử dụng công cụ phân tích dư luận xã hội đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong gợi ý chủ đề, tạo nội dung sơ cấp, dự báo xu hướng thông tin sai lệch… Đồng thời, khuyến khích phóng viên sử dụng các phần mềm đồ họa, dựng video, trình bày đa phương tiện để minh họa hiệu quả cho các nội dung lý luận. AI không thay thế nhà báo, nhưng sẽ là “trợ lý” đắc lực giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thông chính trị…
Thích ứng với môi trường truyền thông số
Ông Phạm Quý Trọng – Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương III – khẳng định, trong tiến trình hiện thực hóa NQ, BC giữ vai trò nòng cốt trong việc đưa tinh thần, nội dung, giải pháp của NQ đến với mọi tầng lớp nhân dân; từ đó góp phần định hướng nhận thức, lan tỏa niềm tin và tạo sự đồng thuận xã hội. Tuy nhiên, để thông tin chính sách thấm sâu vào đời sống, việc tuyên truyền không thể đi theo lối mòn mà cần thích ứng với môi trường truyền thông số bằng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể, BC cần ứng dụng hình thức truyền thông đa phương tiện như infographic, video ngắn, reels và podcast, giúp thông tin trở nên sinh động và dễ tiếp cận. Những công cụ này không chỉ hỗ trợ việc giải thích các vấn đề phức tạp của NQ 68 mà còn tăng khả năng tương tác với công chúng, đặc biệt là với giới trẻ và những người ít quan tâm đến các bài viết truyền thống. Các video ngắn trên nền tảng như YouTube Shorts, TikTok hay các infographic tương tác dễ hiểu có thể truyền tải nhanh chóng các điểm cốt lõi của NQ, đồng thời gây ấn tượng mạnh với người xem. Podcast – một hình thức ngày càng phổ biến, có thể trở thành kênh truyền thông hiệu quả để chia sẻ những câu chuyện doanh nhân thành công, các chuyên gia phân tích sâu về vai trò của kinh tế tư nhân.
Cùng với đó, BC có thể sử dụng AI để phân tích hành vi người dùng và thói quen tiêu thụ thông tin; BC có thể gửi các thông điệp được tùy chỉnh riêng biệt cho từng đối tượng công chúng. Hơn nữa, với sự trợ giúp của Big Data, BC có thể thu thập và phân tích xu hướng dư luận, từ đó đánh giá được tác động của các chiến dịch truyền thông và điều chỉnh thông điệp cho phù hợp với tâm lý công chúng.
Theo ông Trọng, thay vì chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin khô khan, BC có thể áp dụng phương pháp storytelling, kể những câu chuyện người thật việc thật. Những câu chuyện này không chỉ làm phong phú thêm nội dung tuyên truyền mà còn tạo ra cảm xúc tích cực, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Các doanh nhân tiêu biểu trong NQ 68 có thể trở thành những hình mẫu lý tưởng để mọi người học hỏi và noi theo.
Theo ông Nguyễn Văn Quang – Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế – tài chính, mặc dù BC đã có nhiều tiến bộ, song vẫn tồn tại những hạn chế về nội dung, hình thức và công nghệ, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu truyền thông chính sách phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và những diễn biến phức tạp. Để “tháo ngòi” những “điểm nghẽn” đó, BC cần đẩy mạnh đổi mới toàn diện như ứng dụng công nghệ AI, dữ liệu lớn, nền tảng số; đổi mới nội dung, hình thức thể hiện; tăng cường năng lực nhân sự và hợp tác công – tư. Điều quan trọng hơn cả, đổi mới BC phải gắn liền với đổi mới tư duy, biến BC từ công cụ truyền tải thông tin đơn thuần thành động lực sáng tạo, kiến tạo không gian truyền thông chính sách hiện đại, minh bạch, hiệu quả. Chỉ khi đó, BC mới có thể đồng hành cùng Trung ương, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân trong việc thực hiện hiệu quả NQ 68 góp phần đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ…
Song Hậu
Bình luận (0)