Nhịp cầu sư phạmGương sáng

“Tuyệt chiêu” chinh phục học sinh của cô giáo tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

Kể chuyện cho học sinh vào mỗi giờ ngủ trưa và đầu mỗi giờ học; trang trí không gian lớp học với những câu “slogan” “chất hơn nước cất”; xây dựng hộp thư Điều em muốn nói ngay tại lớp… là những tuyệt chiêu chinh phục học sinh đầy độc đáo của cô Trần Thị Như Quỳnh (giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Gò Vấp).

Bằng sự tận tâm, nhiệt huyết, tình yêu thương học trò, cô Như Quỳnh đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố. Và mới đây, cô là một trong 50 giáo viên TP.HCM vinh dự nhận giải Võ Trường Toản năm 2024.

Cô Trần Thị Như Quỳnh ân cần chỉ bảo học sinh trong tiết dạy

“Nhà là nơi có cô, có trò”

Lớp 5/13, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp) không lẫn vào bất kỳ lớp học nào trong tổng số 78 lớp của trường bởi sự độc đáo ngay từ… cửa lớp. Khẩu hiệu hình trái tim “Nhà là nơi có cô, có trò” được treo nơi cửa lớp, tạo sự ấm áp cho không gian lớp học.

Ngay đầu năm học, với mong muốn tạo một không gian lớp học gần gũi, hạnh phúc, cô Trần Thị Như Quỳnh – giáo viên chủ nhiệm lớp đã huy động học sinh và cả phụ huynh cùng chung tay thiết kế lớp. Những câu “slogan” đầy dễ thương như “Lớp chúng mình là một gia đình”; “Team cô Quỳnh luôn hết mình”; “Lớp cô Quỳnh thật là xinh”; “Tôi yêu lớp tôi”; “Nhà là nơi có cô, có trò” được cô trò cùng suy nghĩ, cùng thiết kế, phụ huynh hỗ trợ.

“Không gian lớp học gần gũi đã tạo ra một môi trường thân thiện, hỗ trợ học sinh phát triển phẩm chất, năng lực. Những câu slogan của lớp thậm chí còn được các em đưa vào bài làm văn của mình. Cũng từ không gian này, cô trò dễ gần gũi với nhau…” – cô Quỳnh kể.

Lớp 5/13 “đặc biệt” với những câu slogan dễ thương được cô Quỳnh cùng học sinh tạo ra

Để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, mặc dù là báo cáo viên môn toán bộ sách Chân trời sáng tạo bậc tiểu học, trong 5 năm qua, cô Quỳnh luôn chủ động tìm hiểu thêm tài liệu, nắm thêm chương trình, tổ chức đa dạng các hoạt động trong giờ học để học sinh tự khám phá, chiếm lĩnh kiến thức. Cô thiết kế các bài giảng số, trò chơi, phim ảnh, tạo giờ học trực quan. Từng giờ học, học sinh được thảo luận nhóm, được thiết kế sản phẩm STEM ở nhiều môn như toán, khoa học, công nghệ. Các tiết học mở bên ngoài không gian lớp học ở sân trường, vườn trường cũng được cô triển khai, tạo ra không gian lớp học mới mẻ, hào hứng cho học sinh…

Đặc biệt, khi trí tuệ nhân tạo (AI) được nhắc đến nhiều, cô Quỳnh cũng tự mình mày mò tìm hiểu để chuyển đổi giọng nói, dùng thước phim, cắt ráp hình ảnh tĩnh thành hình ảnh động đưa vào bài giảng, khiến học sinh thích mê.

Cô Như Quỳnh bày tỏ: Giáo viên hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi để đổi mới giờ học, giúp học sinh tiến bộ từng ngày. Tôi luôn mong muốn mang đến cho học trò mình những tiết học ngập tràn niềm vui, các em vui mà học, học trong niềm vui. Từ những tiết học gần gũi đó, các em không chỉ tự mình khám phá và tiếp thu kiến thức mà giáo viên còn dễ dàng đến gần với các em hơn.

Mỗi tiết học đều vui vẻ, được học sinh mong chờ

“Tuyệt chiêu” của cô Quỳnh

Với mỗi học sinh lớp 5/13, có lẽ mong chờ hơn cả là trước mỗi giờ ngủ trưa bán trú tại trường được nghe cô chủ nhiệm kể những câu chuyện thú vị. Biện pháp kể chuyện trước giờ ngủ trưa được cô Quỳnh áp dụng nhiều năm nay, trở thành thương hiệu của cô tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, và được nhân rộng ra trong toàn trường.

Khánh Vy và Thảo Trang – học sinh lớp 5/13 kể, thích nhất những câu chuyện cô chủ nhiệm kể vào giờ ngủ trưa. Hôm nào cô bận không kể được thì hôm sau cô sẽ kể bù. Những câu chuyện cô kể cho cả lớp thường là theo các cuốn sách, về lòng nhân hậu, biết ơn, về tình bạn, bảo vệ môi trường…

“Từ câu chuyện cô kể, em có thêm hiểu biết, dạy em về lòng khiên tốn, biết ơn… Gần đây, câu chuyện Không gia đình cô kể em thấy rất ý nghĩa. Qua câu chuyện, chúng em thấy mình may mắn khi được sống trong một gia đình có tình yêu thương của ba và mẹ, của mọi người, thấy mình phải cố gắng học tập hơn nữa…” – đôi bạn bày tỏ.

Cô Như Quỳnh chinh phục học sinh bằng tình yêu thương

Theo cô Như Quỳnh, mỗi giờ ngủ trưa ở trường, học sinh sẽ có khoảng 5-10 phút để ổn định. Thời gian này được cô tận dụng để kể chuyện cho học sinh. Các câu chuyện cô kể được chọn từ những cuốn sách dành cho học sinh tiểu học, có tính giáo dục cao, học sinh rất say mê, thích thú.

“Trong 2 tháng vừa qua, tôi đã kể được 2 câu chuyện: Chuyện con mèo dạy hải âu bay; Không gia đình. Các em rất háo hức chờ mong. Thậm chí, nhiều em còn về kể với ba mẹ, phụ huynh nhắn tin nói rằng cô ơi, em muốn trở về tuổi học sinh để được nghe cô kể… Biện pháp kể chuyện vào giờ ngủ trưa tôi rất tâm đắc trong công tác chủ nhiệm lớp. Thông qua giờ kể chuyện, giúp đẩy mạnh văn hóa đọc trong học sinh, giúp các em có thêm những vốn từ, đặc biệt là qua mỗi câu chuyện, qua từng nhân vật sẽ gợi cho các em các bài học ý nghĩa” – cô Quỳnh chia sẻ.

Đặc biệt, với mong muốn gần gũi, thấu hiểu và trở thành người bạn của học sinh, cô Quỳnh đã tạo ra hộp thư Điều em muốn nói đặt ngay tại kệ lớp. Học sinh được khuyến khích viết những tâm tư, câu chuyện của mình trong lớp, với bạn bè, thậm chí là gia đình cần được cô lắng nghe, hỗ trợ, để gửi vào hộp thư. Cuối mỗi buổi học cô sẽ mở ra xem, tùy từng tình huống mà có sự can thiệp khéo léo…

Học sinh được dẫn dắt bằng những câu chuyện gần gũi trong giờ học

19 năm theo nghề, với cô Như Quỳnh, mỗi ngày đến trường, chứng kiến học sinh thích thú trong các giờ học, thích thú những câu chuyện kể, các em lớn lên và học được nhiều hơn sau mỗi câu chuyện kể đó là niềm vui và niềm hạnh phúc. “Trái ngọt” nữa là nhiều em dù đã trưởng thành, đi làm, thậm chí đi du học vẫn nhớ về cô chủ nhiệm lớp 5 và về thăm cô. Có em giờ đã trở thành đồng nghiệp, vẫn nhớ đến cô, điện thoại nhờ cô chia sẻ kinh nghiệm…

Cô Nghiêm Thị Hồng Nhung – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp) đánh giá, cô Trần Thị Như Quỳnh là giáo viên trẻ rất năng nổ, nhiệt tình. Khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, cô là giáo viên cốt cán của quận để triển khai phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực đến đội ngũ, lan tỏa tinh thần đổi mới đến đội ngũ.

“Cô Quỳnh luôn tiên phong đi đầu về đổi mới phương pháp, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, thiết kế các bài giảng số… Sáng kiến kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong quản lý và tổ chức lớp học của cô đã được trường nhân rộng ra toàn trường. Đặc biệt, biện pháp kể chuyện vào trước giờ ngủ trưa, trước mỗi giờ học của cô cũng đã được nhà trường triển khai toàn trường để mỗi giáo viên có thể ứng dụng linh hoạt phù hợp với thực tế của lớp mình. Bằng sự tâm huyết với nghề, cô luôn nhận được sự tín nhiệm, yêu thương rất lớn của phụ huynh, học sinh nhiều thế hệ”.

Yến Hoa

Bình luận (0)