Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

“Tuyệt chiêu” giữ thực phẩm an toàn trong tủ lạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Có lẽ ít người biết đến cánh tủ không phải là nơi tốt cho sữa hộp giấy và trứng, vì đó là phần nóng nhất của tủ lạnh, nhiệt độ hay bị thay đổi nhất. Chỉ nên đặt ở cánh tủ các loại gia vị và các mặt hàng không bị nhanh hỏng khác.

Nhiều gia đình thích chất đầy thức ăn trong tủ lạnh khiến nó quá tải, có mùi và thường “tổng vệ sinh” một – hai lần mỗi năm. Để thay đổi thói quen gây hại này, hãy tham khảo những mẹo dưới đây để có được chiếc tủ lạnh sạch giúp giữ thực phẩm tươi và an toàn hơn.

Ảnh minh họa.
Ngăn ngừa mùi hôi
Cách tốt nhất để ngăn mùi hôi là thường xuyên làm sạch các kệ và lưu trữ thức ăn thừa trong hộp kín. Thực tế, thực phẩm cần được bọc kín để tránh bị khô và hấp thụ mùi. Khi tủ đã có mùi, lau một lượt bằng khăn ẩm có tẩm giấm, sau đó lau khô bằng khăn sạch. Để phòng ngừa, có thể đặt trong tủ lạnh một số nguyên liệu sau giúp khử mùi: Bã cà phê, túi chè nhỏ, vỏ cam quýt, miếng chanh – quất, lọ thủy tinh giấm mở nắp, ít than củi…
Chăm lo nơi bẩn nhất
Chắc bạn cũng đoán ra, đó chính là ngăn mát, nơi chúng ta thường xuyên sử dụng vì nó lưu trữ nguyên liệu, rau chưa rửa cùng với đồ đã qua sơ chế. Một nghiên cứu năm 2013 của Mỹ đã chỉ ra, so với ngăn đông lạnh và thức uống, ngăn mát dẫn đầu về “độ bẩn” với sự xuất hiện của nấm men, nấm mốc, vi khuẩn Salmonella và Listeria. Bởi thế, lời khuyên của các chuyên gia rằng nên chú ý rửa các ngăn kéo này thường xuyên với xà phòng dưới dòng nước ấm, sau đó để khô hoàn toàn trước khi chèn lại vào. Ngoài ra đảm bảo độ lạnh cần thiết cũng là giải pháp giữ an toàn thực phẩm.
Phân bố khoa học
Nguyên tắc vàng về vấn đề vệ sinh trong tủ lạnh là luôn trữ các loại thịt ở kệ dưới cùng. Đó là phần lạnh nhất của tủ lạnh, trong khi nếu để thịt lên kệ phía trên thì thịt có thể nhỏ giọt vào thực phẩm khác. Nếu cẩn thận, hãy đặt một chiếc đĩa dưới món đồ có thể chảy nước như thịt hay quả chín. Ngoài ra, một điều có lẽ ít người biết là cánh tủ không phải là nơi tốt cho sữa hộp giấy và trứng, vì đó là phần nóng nhất của tủ lạnh, nhiệt độ hay bị thay đổi nhất. Chỉ nên đặt ở cánh tủ các loại gia vị và các mặt hàng không bị nhanh hỏng khác.
Tránh lây nhiễm chéo
Một số nông sản sinh ra khí ethylene chẳng hạn như táo, bơ, xoài, cà chua và đào không nên để cạnh đồ nhạy cảm với ethylene như súp lơ xanh, cà rốt, rau lá xanh, bởi thực phẩm sinh ra ethylene sẽ thúc đẩy quá trình chín (nẫu) của thực phẩm bên cạnh.
Nên bỏ thực phẩm quá “đát”
Thực phẩm trong tủ lạnh muốn đảm bảo chất lượng nên tuân theo thời hạn lý tưởng của nó. Ví dụ, thức ăn thừa, bao gồm cả nước canh, thịt đã thái… lý tưởng là để trong 2-4 ngày. Bạn có thể để thịt tối đa đến 1 tuần bởi vì sau 1 tuần vi khuẩn sẽ bắt đầu xâm nhập vào thịt. Nếu lưu trữ thịt trong ngăn đông lạnh, thực phẩm nên dùng trong vòng từ 1 đến 2 tháng, mặc dù thực phẩm đông lạnh có thể kéo dài đến 6 tháng nhưng khi đó kết cấu và hương vị của nó sẽ thay đổi. Trứng dùng trong vòng 2 đến 3 tuần là tốt nhất, tối đa là 5 tuần. Ngoài ra, cảm thấy nghi ngờ về chất lượng đồ trong tủ lạnh, cứ mạnh dạn bỏ đi cho an toàn.
Theo ANTĐ


Bình luận (0)