Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM, trong giờ học tiếng Anh giáo viên bản ngữ phải gọi học sinh bằng tên tiếng Việt |
Quy định này được thể hiện trong văn bản hướng dẫn chuyên môn tiếng Anh tiểu học năm học 2016-2017 do Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành. Cụ thể, theo hướng dẫn, việc mời giáo viên bản ngữ/các phần mềm bổ trợ tham gia giảng dạy tại trường cần lưu ý: Dùng kinh phí xã hội hóa trong việc chi trả cho giáo viên bản ngữ/phần mềm bổ trợ với sự đồng thuận của phụ huynh. Cần đa dạng hóa các phần mềm bổ trợ, không để một phần mềm bổ trợ nào dạy hết các chương trình tiếng Anh trong nhà trường. Trong suốt giờ giáo viên bản ngữ giảng dạy, phải có giáo viên trợ giảng nhằm phát huy tối đa việc học của học sinh, và giáo viên trợ giảng không được phiên dịch tiếng Anh sang tiếng Việt cho các em. Ngoài ra, các trường phải có kế hoạch giảng dạy cụ thể ngay từ đầu năm học, phân chia công việc giảng dạy giữa các giáo viên bản ngữ và giáo viên tại trường, tránh tình trạng giáo viên bản ngữ vào lớp chơi trò chơi mà không giảng dạy theo chương trình của nhà trường. Không sử dụng các thiết bị nghe nhìn như cassette, CD, xem video… trong giờ giáo viên bản ngữ giảng dạy để học sinh có nhiều cơ hội tương tác, thực hành tiếng với giáo viên bản ngữ. Tuyệt đối giáo viên bản ngữ phải gọi học sinh bằng tên tiếng Việt, không đặt tên tiếng Anh cho các em. Bên cạnh đó, giáo viên bản ngữ, giáo viên dạy phần mềm hỗ trợ phải tham gia tất cả các hoạt động ngoại khóa, hội họp của nhà trường để tạo môi trường ngôn ngữ cho việc dạy học.
Cũng trong văn bản hướng dẫn, Sở GD-ĐT quy định, các lớp 2, 3, 4, 5 bắt đầu học chính thức từ tuần 2 đến tuần 35. Riêng lớp 1, từ tuần 2 đến tuần 18, cho học sinh làm quen với chương trình, tuyệt đối không sử dụng bất cứ tài liệu giảng dạy này. Thời gian này, giáo viên hướng dẫn khẩu lệnh quản lý lớp học, các câu vè, cách chia nhóm, cách học sinh sử dụng tiếng Anh để xin phép giáo viên, hướng dẫn nội dung lớp học bằng tiếng Anh. Các trường chỉ dạy cho học sinh kỹ năng nghe, phát âm, nói; tuyệt đối không dạy chữ viết, văn phạm, hoặc làm việc khác. Bắt đầu từ tuần 19 đến 35 thì học sinh mới chính thức học chương trình.
Việc kiểm tra, đánh giá phải thực hiện theo đúng quy định của Thông tư 30; phòng GD-ĐT các quận/huyện thiết lập ma trận đề thi hướng dẫn cho trường ra đề kiểm tra. Các trường sử dụng các chuẩn đánh giá quốc tế hoặc tương ứng với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo quy định Đề án ngoại ngữ 2020 của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, học sinh lớp đề án có nguyện vọng chuyển vào lớp tiếng Anh tăng cường chỉ được giải quyết khi nhà trường tiếp nhận tất cả học sinh tiếng Anh tăng cường và lớp học vẫn còn chỗ…
N.Trinh
Bình luận (0)