Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Tuyết ở Montréal

Tạp Chí Giáo Dục

Nửa đêm tỉnh giấc bởi tiếng gió ầm ừ đập vào cửa sổ. Gió từng cơn, lúc nặng lúc nhẹ, làm đung đưa những nhánh cây khẳng khiu, nhưng lạ là những bông tuyết vẫn bám vững chắc trên cành, chẳng hề rơi xuống.
Trong ánh điện vàng vọt từ sân sau của ngôi nhà hắt ra, tuyết như rơi chậm hơn, lắt lay trong gió. Những chiếc bàn sắt, ghế sắt trong vườn, nơi mùa hè người ta thường ngồi ăn sáng, đã bị tuyết phủ dày khoảng nửa mét. Trong không gian không mùi không vị, sự tĩnh lặng như ngấm sâu vào từng bức tường, từng ngôi nhà, từng đường phố, và một màu tuyết trải mênh mông, không có điểm dừng. Màu tuyết ru người ta chìm lại vào giấc ngủ.


 
Trong không gian không mùi không vị, sự tĩnh lặng như ngấm sâu vào từng bức tường, từng ngôi nhà, từng đường phố, và một màu tuyết trải mênh mông, không có điểm dừng.

Ngôi nhà trọ mang tên Maison Brunet nổi lên giữa dãy phố bằng màu sơn xanh da trời bên ngoài và màu tuyết phủ trên mái. Cô chủ người địa phương, nói tiếng Pháp đặc trưng vùng Québec và hai thanh niên giúp việc đang dọn bớt tuyết đầy trên ban công nhìn ra đường. Léo đưa cho tôi xem những bức ảnh chụp ngôi nhà và Montréal vào mùa hè. Đẹp sững sờ, màu xanh ngắt của cây cối, đủ màu hoa và dây leo, tưởng có thể ngửi thấy mùi hương rộn ràng đâu đây.
Léo gốc người Argentina, theo bố mẹ đến sống ở Montréal đã 20 năm nay và phụ việc bán thời gian ở ngôi nhà xây từ năm 1860 này đã năm năm. Maison Brunet có 9 phòng, hai phòng ở tầng trệt đã được một cô gái và một phụ nữ đứng tuổi đến từ miền Nam thuê bao suốt năm. Đó là một phụ nữ có thân hình mảnh dẻ, hẳn là một người đàn bà đẹp thời trẻ, suốt ngày ăn chuối và ngắm tuyết rơi. Thấy bà lặng lẽ, khách ở trọ chẳng ai dám bắt chuyện dù gặp nhau trong khu sảnh ăn sáng.
Hôm trước có một ông khách người Pháp gốc Madagasca, nước da ngăm ngăm, hát một bài gì đó cho mọi người cùng nghe. Ông là nghệ sĩ biểu diễn, sống ở phố Vavin, cạnh Montparnasse, khu nghệ sĩ Paris. Ông ghé qua Montréal hai ngày, trước khi lên đường đi Québec để tham dự lễ bảo vệ luận án tiến sĩ nghệ thuật của một sinh viên nào đấy mà ông từng là người hướng dẫn. Tôi hỏi liệu có thể gọi ông là Alain như một cái tên Pháp được không vì cái tên nguyên gốc Aloual của ông hơi khó phát âm. Ông gật gật và cười.
Năm nay tuyết ở châu Âu rơi nhiều. Tivi đưa tin cả trăm năm mới thấy tuyết đổ bộ rầm rộ như thế. Người ta hối hả dọn tuyết, một công việc bất ngờ, nặng nhọc đối với người Paris. Nhưng tuyết ở Pháp, Anh hay châu Âu chẳng là gì so với tuyết ở Montréal. Từ sáng sớm bóng công nhân và xe dọn tuyết đã lấp ló trên các vỉa hè, đường phố. Hàng bao tải muối được rải ra đường để chống trơn trượt. Những chỗ không có muối, tuyết đóng thành băng ngay tức thì. Trong khu cổ Montréal, thỉnh thoảng nơi góc đường lại có bảng nhắc nhở du khách chú ý tuyết đóng băng, rơi từ nóc nhà xuống. Thường những tảng băng nguy hiểm đã được công nhân môi trường và chủ những khu nhà dọn dẹp, song có ngày quá lạnh, tuyết chuyển thành băng nhanh, dọn không kịp.

Tuyết ở Montréal có đặc trưng không lẫn vào đâu được: nó để lại dấu ấn loang lổ trên những đôi giày da. Đấy là muối người ta rải ra đường tan vào tuyết. Nếu bạn đi giày đế thấp, tuyết sẽ ngấm vào da. Ngay cả khi đã khô, tuyết muối ấy vẫn đọng trên mặt da giày, không có cách gì xóa đi được. Da càng mềm, càng dễ ngấm, giày càng mau hư. Vì thế vào mùa tuyết, người Montréal đi những đôi giày đế cao và mũi được bọc cao su để chống thấm. Tới sân bay Paris, nhìn những đôi giày thôi, cũng đủ biết hành khách nào vừa từ Canada đến.
Những ngày tuyết rơi, thời tiết khá ấm, chừng âm 5-7 độ. Đó là thời gian lý tưởng để đi ra cảng Montréal đối với những ai yêu biển. Bờ kè nhộn nhịp du khách mùa hè giờ vắng lặng. Tuyết như một tấm chăn lớn phủ trên con tàu khổng lồ Canada Shipping Lines neo gần bờ. Những nhà hàng, quán bar đều đóng cửa. Phải đi trở lại khu phố cổ, nơi gần nhà thờ Đức Bà, Tòa Thị chính mới nhận ra hơi ấm của mùa đông.
“Tháng này chưa là gì, mới chừng mươi độ âm. Tháng Hai mới lạnh dữ” – Léo nói trong một bữa ăn sáng. Tôi ráng tưởng tượng tháng Hai hàng năm cái lạnh nơi đây thế nào, có đến mức hơi thở ra đóng thành tuyết ngay trước mắt như mùa đông âm 40 độ ở nước Nga? Ở cửa hàng Le Baron trên đường Saint Laurent, nơi bán đủ thứ trang bị chống tuyết và giá rét nhãn hiệu Canada Goose, có những kiểu giày, vớ, mũ lông và áo lông ghi nhận sức chịu đựng tới âm 50 độ. “Không lẽ Montréal lạnh như Sibérie?”.
Người bán hàng giải thích: “Thông thường lạnh nhất cũng chỉ âm 20-25 độ thôi. Nhưng nếu có gió thì cảm giác lạnh sẽ tăng gấp đôi. Và trong trường hợp ở ngoài trời cả tiếng đồng hồ, người ta sẽ thấy cái lạnh ngày càng trở nên mạnh mẽ”. Ra thế! Tôi đem chuyện này hỏi Léo, cậu cười phá lên với thứ ánh mắt ranh mãnh của một kẻ từng dạn dày với tuyết. “Canada Goose chuyên bán đồ cho những người đi săn, đi câu mùa đông ở tận những nơi như Alaska. Ở đấy gió phải biết, thổi bay người. Bình thường ở Montréal chỉ cần mua vài thứ áo quần sản xuất tại Trung Quốc giá bình dân là đủ ấm rồi”.
Mùa đông ban ngày rất ngắn. Tầm bốn, năm giờ chiều bóng tối đã lững thững xâm nhập những góc đường. Chỉ nhờ có tuyết và màu trắng bất tận không ngưng nghỉ của nó mà người ta cảm thấy nhịp sống dài hơn. Cảm giác sống chậm là đây. Những bữa ăn tối như dãn ra với các cuộc chuyện trò về ngày xưa cũ. Người ta quên đi cuộc sống hối hả thường nhật, bận rộn với âu lo. Ngoài phố, không thấy mấy người vội vã, phần vì tuyết níu chân họ không thể đi nhanh, phần vì sự bình thản sâu lắng của mùa đông không giục ai tất bật. Vì sao ở nhiều nơi, con người cứ mãi bon chen làm nóng lên trái đất này? Vì sao không giữ lấy tuyết như giữ một phần của cuộc sống tinh nguyên? Ý nghĩ lẩn thẩn ấy chẳng bao giờ xuất hiện trong đầu nếu cứ mải mê đuổi theo vòng quay của guồng máy công việc. Tuyết là sự nghỉ ngơi dễ chịu một khi công việc đã ở lại phía sau.
Giá trị vô hình ấy của mùa tuyết ở Montréal không thể chỉ đo bằng những dải tuyết vắt ngang thành phố, bắt đầu từ khu đồi đại học tổng hợp, trườn xuống những khu dân cư mới và vùng ngoại ô với các khu rừng. Chỉ đến khi thò bàn tay ra ngoài cửa sổ, lắng nghe những bông tuyết hạ xuống chạm vào da thịt, mới thấu hết cảm giác thời gian và sự trường tồn của thiên nhiên.
Theo Thesaigontimes


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)