Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

TV 3D – tương lai của giải trí gia đình

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những khó khăn lớn mà các nhà sản xuất phải đối mặt là thuyết phục người sử dụng đeo kính khi đang ngồi trong nhà hoặc phát triển công nghệ màn hình 3D không cần đến kính chuyên dụng.

TV ba chiều độ nét cao mang đến phong cách giải trí cao cấp và mới mẻ trong gia đình, do đó Panasonic và Sony hy vọng có thể tiếp sức cho một thị trường đang phát triển chậm lại vì suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, đa số người dùng e ngại một bộ sản phẩm gồm TV với màn hình đặc biệt, kính và đầu DVD Blu-ray sẽ có giá đủ cao để làm nhụt chí cả người mê công nghệ mới.

TV 3D của Sony

Sony và Panasonic chưa công bố giá nhưng ước tính các hệ thống 3D sẽ được bán tầm 5.000 USD hoặc đắt hơn 20-30% so với TV LCD cùng kích cỡ. Ngoài ra, một gia đình 4 người sẽ phải trả tiền mua kính (50 USD/chiếc) ngang với chi phí cho màn hình độ phân giải cao loại nhỏ.

Theo khảo sát của hãng In-Stat (Mỹ), 64% người tham gia không cần xem các chương trình 3D tại nhà. 25% bày tỏ sự quan tâm lại khẳng định họ sẽ không trả nhiều tiền hơn so với một TV thông thường.

"Xét trên quan điểm của người dùng, tôi nghi ngờ tương lai của 3D TV vì chẳng ai lại đeo kính khi ngồi ở nhà", David Gibson, Giám đốc nghiên cứu của Macquarie Capital Securities, cho hay. "Ba chiều là ý tưởng thú vị nhưng giờ chưa phải lúc".

Khi một công nghệ mới ra đời, giới phân tích bao giờ cũng chia làm hai phe: ủng hộ và hoài nghi. Alfred Poor, chuyên gia thuộc GigaOM Network, dự đoán 46 triệu TV 3D sẽ được xuất xưởng vào năm 2013 còn hãng Gartner lại tuyên bố phải 10 năm nữa những thiết bị này mới phổ biến.

Dù vậy, Masayuki Kozuka, trưởng nhóm phát triển công nghệ 3D của Panasonic, cho biết họ "hoàn toàn nghiêm túc về tương lai của 3D" và tin những hình ảnh sống động như thật sẽ thuyết phục được một nhóm người "hâm mộ" nhất định.

Tại triển lãm Ceatec ở Tokyo tuần này, mẫu Viera 3D 50 inch đã thu hút hàng dài người xem và tất cả đã giật mình khi thấy chú khủng long đuôi dài Rex như chuẩn bị nhảy ra khỏi màn hình (trích đoạn phim 3D Toy Story).

TV ba chiều hoạt động bằng cách liên tục thay đổi khung hình bên trái và phải của video. Người xem đeo kính đồng bộ với màn hình qua tín hiệu hồng ngoại. Mắt trái chỉ nhìn được khung hình trái và mắt phải cho khung phải, tạo ảo giác về độ sâu.

Sony trình diễn kỹ thuật tương tự và hy vọng có thể đưa vào một số TV Bravia và notebook Vaio ngay trong năm tới. Đầu máy chơi game PlayStation 3 cũng có thể được phát triển phù hợp cho công nghệ này. Samsung, Mitsubishi và một số nhà sản xuất khác cũng đã lần lượt giới thiệu các hệ thống prototype 3D.

Trong xu hướng hình ảnh ba chiều, ngành công nghiệp điện ảnh luôn ủng hộ nhiệt tình nhất. Hollywood từ lâu đã mê mẩn công nghệ này và từ thập niên 50 của thế kỷ trước, họ đã cho ra đời phim 3D như Man In the Dark hay House of Wax. Các rạp chiếu phim 3D với những cặp kinh xanh đỏ cũng được liên tục quảng bá trong những năm 70 nhưng chất lượng màu nghèo nàn và hình ảnh thiếu ổn định khiến 3D không thể thịnh hành.

Hollywood hy vọng lần thứ ba này họ sẽ thành công. Các xưởng phim đang háo hức bán phim 3D trên đĩa Blu-ray còn Panasonic và 20th Century Fox hợp tác để giới thiệu bộ phim khoa học viễn tưởng Avatar của James Cameron – phim thuộc dạng bom tấn không phải hoạt hình đầu tiên được phát hành trên toàn thế giới theo cả định dạng 2D và 3D.

Ngoài 3D, các hãng điện tử Nhật đang khai thác nhiều công nghệ mới để giành lại thị trường mà các đối thủ Hàn Quốc đã chiếm lĩnh vài năm nay (và mới đây họ lại phải đối phó thêm thêm những đe dọa từ Đài Loan và Trung Quốc). Chẳng hạn, Toshiba Cell Regza 55-inch có thể hiển thị 8 kênh truyền hình độ nét cao cùng lúc trên 8 cửa sổ với chip siêu mạnh Cell. Hitachi lại sử dụng cảm biến camera để cho phép người dùng điều khiển TV bằng các cử động tay và cơ thể.

Lê Nguyên (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)