Đã tăng mạnh tỷ giá và thu hẹp biên độ, nhưng nếu giải pháp này trở nên đơn độc thì rất dễ ngựa lại quen đường cũ…
Tỷ giá USD/VND chính thức và trên thị trường tự do hiện như hai nam châm cùng dấu. Lần điều chỉnh vừa qua, chính thức xích lại gần, tự do lại giãn thêm khoảng cách.
Diễn biến tuần đầu sau điều chỉnh, dù tỷ giá bình quân liên ngân hàng vừa có bốn ngày giảm liên tiếp, nhưng giá USD trên thị trường tự do lại tiếp tục leo thang; khoảng cách giữa hai tỷ giá đã lên tới khoảng 1.300 VND.
Thay vì chia sẻ và hỗ trợ, lại có hiện tượng đầu cơ ngay trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng – Ảnh: Hoàng Hà/VnExpress.
Phải chăng lần điều chỉnh ngày 11/2 vừa qua chưa đủ liều lượng? Đó là phản ứng tâm lý, nhất thời hay một khoảng cách lớn giữa hai tỷ giá không thể xóa bỏ? Nhà điều hành sẽ tiếp tục can thiệp như thế nào (nếu có)? Những câu hỏi này hẳn đang được đặt ra.
Trong câu chuyện bên lề với VnEconomy sau ngày điều chỉnh cơ chế, một cán bộ quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước nói rằng, gốc của vấn đề vẫn là nhập siêu. Năm 2009, cán cân tổng thể thâm hụt tới 8,8 tỷ USD. Năm 2010, có cải thiện nhưng vẫn thâm hụt hơn 4 tỷ USD. Để bù đắp, mọi con mắt đều nhìn về Ngân hàng Nhà nước trong khi “đến cái tăm còn nhập khẩu từ Trung Quốc nữa là”.
Tại cuộc họp Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mở rộng ngày 15/2, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu dẫn lại một dữ kiện lịch sử: Ngày 1/1/1994, Trung Quốc tuyên bố phá giá đồng Nhân dân tệ tới 50%. Thế giới xáo động nhưng Trung Quốc đứng vững. Những năm sau đó, cán cân thương mại của nước này cải thiện và xuất siêu.
Theo Thống đốc, Trung Quốc làm được điều đó vì họ có sự chuẩn bị chu đáo cả một quá trình trước đó. Còn Việt Nam, hiện nay cần phải xây dựng một chiến lược từ gốc.
Trước mắt, chưa rõ nhà điều hành sẽ tiếp tục can thiệp một cách cụ thể những biến động trên thị trường ngoại hối như thế nào. Nhưng nếu giải pháp tăng tỷ giá và thu hẹp biên độ vừa qua trở nên đơn độc, tình hình có thể lại như cũ.
Cắt gốc còn xa, lửa ở gần
Cơ chế đưa ra ngày 11/2 là một liều thuốc mạnh, nhưng chỉ mới là một giải pháp cho hiện tại sau một thời gian kìm nén. Xa hơn, như quan điểm của vị cán bộ ngoại hối nói trên, gốc rễ của những khó khăn vẫn là phải giải quyết được nhập siêu.
Ở đây, không chỉ là vai trò của Ngân hàng Nhà nước. Sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành còn cần nhiều thời gian, trong khi sức nóng của lửa gần đã có ở tình trạng leo thang của tỷ giá trên thị trường tự do những ngày vừa qua.
Với riêng vai trò của Ngân hàng Nhà nước, một điểm được chú ý trong cơ chế mới là nhà điều hành sẽ cho phép áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro theo thông lệ quốc tế để các doanh nghiệp và ngân hàng có thể tăng tính chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, thực hiện phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Mới hơn và đang ở mức độ kỳ vọng, chính sách thắt chặt tiền tệ đang cho thấy sự quyết liệt hơn để góp phần kiềm chế lạm phát, nếu thành công cũng sẽ góp phần xoa dịu sự căng thẳng của tỷ giá.
Nhưng lúc này thị trường cần những động thái cụ thể, nhanh chóng để can thiệp tình trạng loạn tỷ giá trên thị trường tự do, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và tâm lý người dân.
Có một tính toán có thể xem xét để góp phần ổn định trước mắt, như một mũi tên nhắm nhiều đích. Đó là việc sử dụng một phần của khoản ngoại hối đang gửi ở nước ngoài lãi suất thấp, dùng cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ đối ứng trong tương lai.
Phần vốn ngoại tệ vay này các doanh nghiệp sẽ bán lại cho ngân hàng, lấy VND đưa vào sản xuất kinh doanh. Thị trường có thêm một nguồn cung ngoại tệ góp phần cân bằng cung – cầu, ổn định tỷ giá.
Dòng tín dụng mới đó như một cách tạm ứng nguồn thu ngoại tệ trong tương lai của doanh nghiệp, thay vì có thể sẽ bị găm giữ với kỳ vọng giá lên hoặc phòng thủ cho rủi ro tỷ giá, hoặc phân tán ngoài hệ thống ngân hàng; hay nói cách khác, huy động nguồn lực của tương lai để giải tỏa khó khăn lúc này.
Bên cạnh đó, các ngân hàng bán lại chính nguồn ngoại tệ mua từ dòng chảy này trở về cho Ngân hàng Nhà nước, dự trữ ngoại hối thêm nguồn – điều cần thiết góp phần ổn định tâm lý thị trường.
Nguồn vốn tiếp sức đó cũng sẽ góp thêm điều kiện để hạ nhanh lãi suất huy động ngoại tệ, hiện đang ở mức cao. Lãi suất huy động USD giảm sẽ góp phần gỡ tâm lý găm giữ ngoại tệ trong dân cư, kích thích sự chuyển đổi vốn có lợi cho ổn định tỷ giá.
Dĩ nhiên, đó là một vòng quay ngắn hạn đi cùng với những ràng buộc kỹ thuật, thậm chí ràng buộc hành chính, để tôn trọng tính trọn vẹn của nó. Và khi góp phần tạo ổn định cho ngắn hạn, nhà điều hành có thêm điều kiện để triển khai những giải pháp dài hạn, hay lấp khoảng trống độ trễ tác động của những giải pháp dài hạn.
Hay ở một hướng khác, lãnh đạo một ngân hàng thương mại đặt vấn đề rằng: thị trường đang ở thời điểm khó khăn, cần có sự chia sẻ và hỗ trợ từ các ngân hàng lớn khi trạng thái ngoại tệ đang dương, đúng hơn là rất dồi dào theo như thông tin từ Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra.
“Những ngân hàng lớn, có trạng thái ngoại tệ dương lớn cần bán ra hỗ trợ thị trường, thậm chí trạng thái ngoại tệ có thể âm ở mức nhất định. Anh là ngân hàng lớn, là ngân hàng Nhà nước cần phải thể hiện vai trò của mình.
Bản thân ngân hàng tôi những ngày qua đã bán ra hơn 60 triệu USD, cá nhân tôi là lãnh đạo ngân hàng tôi thấy là mình có trách nhiệm, chứ thật ra có nhiều xáo trộn thì càng có nhiều cơ hội kinh doanh. Ngược lại, những lúc anh khó khăn thanh khoản hoặc có vấn đề trong hoạt động thì có sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước”, vị lãnh đạo này nêu quan điểm.
Trong khi đó, ngay sau quyết định điều chỉnh, người trong cuộc lại bàn luận về một số trường hợp tranh thủ đầu cơ ngay trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, góp phần làm căng thẳng thêm vấn đề tỷ giá.
Ở hướng điều hành, việc tỷ giá bình quân liên ngân hàng liên tục giảm những ngày qua không phải là một cách làm “chính trị”, mà mang tính định hướng, phản ánh trạng thái ngoại hối tốt của hệ thống ở thời điểm này.
Nguồn: VNECONOMY
Bình luận (0)