Nhiều thí sinh “choáng” khi biết lượng hồ sơ ĐKDT vào trường ĐH Công nghiệp Hà Nội năm nay tăng cao, rồi suy ra tỷ lệ “chọi” cao đồng nghĩa với điểm chuẩn sẽ cao. Nhưng đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm!
“Choáng” vì … hiểu nhầm
Nhiều thí sinh vẫn quan niệm đơn giản tỷ lệ chọi chính là tỷ số giữa số lượng hồ sơ nộp vào trường và chỉ tiêu tuyển sinh của trường đó xét tuyển, trường nào có tỷ lệ “chọi” thấp thì khả năng điểm chuẩn trường đó là không cao và ngược lại.
Nếu theo lối “tính toán” như thế rồi nhìn vào số liệu thống kê về hồ sơ ĐKDT thì có lẽ năm nay ĐH Nông nghiệp Hà Nội là trường có tỷ lệ “chọi” cao nhất: 1/13 với gần 54.000 hồ sơ đăng ký dự thi, chỉ tiêu tuyển sinh vào trường là 4.060.
ĐH Công nghiệp Hà Nội với hơn 64.000 hồ trên tổng chỉ tiêu 6.600, tỷ lệ “chọi” cho thí sinh là 1/9,6. ĐH Thái Nguyên hơn 80.000 hồ sơ, chỉ tiêu tuyển sinh là 11.000, tỷ lệ “chọi” 1/7,2.
Tuy nhiên, thí sinh đầu đơn vào những trường này thường có lực học “vừa phải”, lượng hồ sơ “ảo” cũng cao nên cuối cùng cửa vào vẫn không hẹp như nhiều thí sinh vẫn lầm tưởng. Đơn cử, năm 2008, ĐH Nông nghiệp Hà Nội có gần 13.000 thí sinh ĐKDT nhưng số thí sinh đến dự thi thật chỉ có hơn 8.000. Như vậy, tỷ lệ “chọi” thật đã giảm đi gần một nửa so với “ảo” trước đó…
Trong khi đó, các trường có tỷ lệ “chọi” thấp như ĐH Bách khoa Hà Nội, Xây dựng… thì không phải ai cũng có khả năng bước chân vào những giảng đường “tốp trên” này.
Năm 2008, ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ có gần 7.000 thí sinh đến dự thi, nếu so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường và quan niệm tỷ lệ chọi thì là 1 “chọi” 2. Mặc dù tỷ lệ chọi thấp như vậy nhưng điểm chuẩn của trường vẫn là 21 điểm.
Như vậy, có thể thấy đằng sau con số hàng chục ngàn hồ sơ nộp vào các trường “tốp giữa” chính là hiện tượng hồ sơ “ảo” mà không một mùa tuyển sinh nào lại không phải đề cập đến.
Trong năm 2008, nhiều trường chỉ đạt gần 60% so với hồ sơ đăng ký dự thi. Ngày thi đầu tiên kỳ tuyển sinh ĐH 2008, trong số 915.010 thí sinh đăng ký dự thi thì đã có tới gần 300.000 thí sinh không đến dự thi. Hồ sơ “ảo” một phần là vì một số thí sinh phân vân chưa chọn được trường, nhưng cũng có không ít sĩ tử thấy tỷ lệ “chọi” cao chót vót mà ngại, đành bỏ trường này để dành sức thi trường có tỷ lệ thấp hơn.
Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, cách hiểu tỷ lệ “chọi” hiện nay chỉ là thông tin tham khảo nhằm tạo cảm giác “tự tin” cho thí sinh khi tham dự kì thi. Còn nếu đánh giá chính xác thì việc thí sinh có đỗ vào trường đó hay không lại phải phụ thuộc chính vào sự “chiến đấu” giữa bản thân thí sinh đó với tổng số hồ sơ đăng kí trừ mức chỉ tiêu trường đó xét tuyển.
Quên đi con số “ảo”
Áp lực từ việc hiểu sai tỷ lệ “chọi” khiến cho nhiều thí sinh trở nên lo lắng, bỏ qua cơ hội hoặc có tâm lý chủ quan, không ôn tập kỹ và thất bại.
Bình tĩnh để nhìn vào một thực tế từ các mùa tuyển sinh gần đây thì thí sinh có thể thấy, nhiều trường có tỷ lệ “chọi” cao ngất ngưởng nhưng điểm chuẩn vào trường lại thấp, chỉ bằng điểm sàn hoặc trên sàn một chút.
Ví như ĐH Thái Nguyên năm 2008 có hơn 33.000 hồ sơ ĐKDT, số thí sinh đến dự thi gần 25.000 (đạt 73%) nhưng điểm chuẩn của trường cũng chỉ dao động ở mức từ 13-21 điểm; ĐH Công Nghiệp Hà Nội, điểm chuẩn năm 2008 chỉ dao động từ 16-18 điểm; ĐH Nông Nghiệp Hà Nội , khối A: 15 điểm, khối B: 18,5; ĐH Thái Nguyên khối A: 13, khối C: 15, khối B: 15 và có ngành cao nhất như Công nghệ Sinh học 18,5 điểm; ĐH Thương mại ngành thấp nhất là 17, cao nhất là 20,5 điểm…
Ngược lại, các trường có tỷ lệ “chọi” thấp như ĐH Y, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Giao thông, Học viện Ngân hàng, Kinh tế quốc dân… thì điểm chuẩn hàng năm vẫn giữ mức ổn định không dưới 20 điểm. Thí sinh phải có học lực khá giỏi mới có hy vọng đỗ.
Do vậy thí sinh hãy quên tỷ lệ “chọi” về hồ sơ đăng ký dự thi và nên tập trung vào ôn tập.
Tỷ lệ "chọi" năm 2009 của một số trường
Theo số liệu thống kê về hồ sơ đăng ký dự thi, năm nay ĐH Nông nghiệp Hà Nội có tỷ lệ "chọi" 1/13 (gần 54.000 hồ sơ đăng ký dự thi, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh vào trường là 4.060).
ĐH Công nghiệp Hà Nội là hơn 64.000 hồ sơ với tổng chỉ tiêu thì 6.600, tỷ lệ "chọi" cho thí sinh vào trường 1/9,6.
ĐH Thái Nguyên hơn 80.000 hồ sơ, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh là 11.000, tỷ lệ "chọi" 1/7,2.
Với các trường "tốp trên", tỷ lệ chọi năm nay cũng cao hơn năm trước một chút như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hơn 7.000 hồ sơ (tăng 200% so với năm 2008), với tổng chỉ tiêu 2.020, như vậy tỷ lệ "chọi" là 1/3,5 (năm 2008 là 1/1,5).
ĐH Xây dựng có 14.980 hồ sơ với chỉ tiêu 3.500 tỷ lệ "chọi" 1/5,5 (năm 2008 là 1/4), ĐH Bách Khoa 14.000 hồ sơ với chỉ tiêu 6.370, tỷ lệ "chọi" 1/2,5…
|
Hồng Hạnh – Nguyễn Hùng (Dan tri)
Bình luận (0)