Thông tin này được ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP, do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP tổ chức chiều 17-2.
Tỷ lệ học sinh TP.HCM đến trường tiếp tục tăng
Học sinh tương tác tốt với giáo viên và bạn bè
Ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, hiện tỷ lệ học sinh đến trường từ bậc mầm non đến tiểu học, THCS, THPT lần lượt đạt 66,33%, 95,99%, 96,89%, 98,93%. Qua ghi của các phòng chuyên môn từ các cơ sở giáo dục, tỷ lệ trẻ và học sinh đến trường tiếp tục tăng trong những ngày qua.
Các cơ sở giáo dục đã tổ chức nhiều hoạt động chào đón trẻ, học sinh nên các em không bỡ ngỡ, tương tác tốt với giáo viên và bạn bè. Hoạt động chăm sóc, giáo dục, dạy học và công tác phòng, chống dịch của các cơ sở giáo dục được triển khai và tổ chức thực hiện theo đúng phương án, kế hoạch đã xây dựng. Các cơ sở giáo dục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ từ y tế địa phương, sự đồng thuận từ phụ huynh học sinh trong việc xử lý các trường hợp F0 xuất hiện. Toàn ngành, trong ngày 14-2 có 27 ca F0, ngày 15-2 có 50 ca và ngày 16-2 là 86 ca. Hôm nay (17-2), Sở đang cập nhật số liệu.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, 2 tuần qua các cơ sở giáo dục đều tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp theo cấp độ dịch là cấp độ 1. Trong công tác phòng chống dịch ở từng cơ sở giáo dục hoặc địa phương, nếu phát sinh tình huống phức tạp thì ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, TP.Thủ Đức sẽ điều chỉnh tổ chức dạy học từ cấp độ 1 đến cấp độ 2 hoặc cấp độ cao hơn. Sở GD-ĐT đang cùng Sở Y tế tham mưu UBND TP để có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn việc này trong thời gian tới.
Về việc tổ chức căn-tin, bán trú cho học sinh khi đi học trực tiếp trở lại, ông Trịnh Duy Trọng nhấn mạnh, ngay từ đầu TP tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp trở lại đã có thống nhất giữa Sở Y tế và Sở GD-ĐT không cấm các trường tổ chức các hoạt động này. Trái lại còn khuyến khích các đơn vị nỗ lực thực hiện để phục vụ việc học tập trực tiếp cho học sinh, cũng như đảm bảo thuận lợi trong đưa đón của cha mẹ học sinh.
“Thực tế, Sở GD-ĐT cùng với Sở Y tế đã triển khai rất nhiều hướng dẫn và tổ chức tập huấn chuyên sâu về căn-tin, bán trú như thế nào cho an toàn. Tuy nhiên, có những cơ sở giáo dục chưa thể thực hiện ngay do điều kiện về cơ sở vật chất, số lượng học sinh… Vì vậy, một số cơ sở đang trong giai đoạn chuẩn bị kỹ lưỡng để trong thời gian sớm nhất sẽ mở cửa dịch vụ này”. “Các hoạt động căn-tin và bán trú trong nhà trường rất đặc thù nên trong thời gian rất ngắn phục vụ cho số lượng học sinh rất đông, cùng với quy định về phòng chống dịch thì việc đáp ứng ngay và luôn sẽ rất khó”.
Thông tin về thời gian học sinh cách ly, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, mọi biện pháp đều được Sở Y tế và Sở GD-ĐT triển khai làm sao an toàn nhất cho các em theo quy định. Hiện nay Sở Y tế cùng Sở GD-ĐT thực hiện giám sát chặt đối với học sinh ở trường học qua tầm soát lấy mẫu ngẫu nhiên, qua theo dõi sát từ khu vực đã có ca dương tính để xử lý kịp thời các tình huống. Các chuyên gia ngành y tế và Sở Y tế cũng đang rất quan tâm số ca F0 trong cộng đồng nhích nhẹ lên sau kỳ nghỉ lễ và học sinh quay lại trường học trực tiếp. Vì thế, công tác kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục và ngành y tế phải được tăng cường, nhất là bậc học mầm non và tiểu học.
Từ tháng 3, 90/90 tuyến xe buýt có trợ giá sẽ hoạt động lại
Thông tin về lộ trình hoạt động thí điểm 5 tuyến xe buýt điện trên địa bàn TP trong quý I/2022, ông Bùi Hòa An – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP cho biết, vừa qua, UBND TP có công văn số 440/UBND-ĐT về chủ trương thí điểm tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn. Trong đó, chấp thuận chủ trương tổ chức 5 tuyến xe buýt điện hoạt động thí điểm.
Thời gian thí điểm trong vòng 24 tháng. Giai đoạn 1 từ quý I-2022, TP sẽ đưa vào vận hành 1 tuyến (tuyến VB03: VinHome Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn). Giai đoạn 2, quý III-2022, TP đưa vào vận hành 4 tuyến xe buýt điện còn lại sau khi xây dựng xong đề -pô. Tỷ lệ trợ giá/chi phí trong thời gian thí điểm là 44,1%.
Các tuyến xe buýt điện đề xuất thí điểm sử dụng loại xe với sức chứa từ 65 đến 70 chỗ, hoạt động 5 – 21 giờ mỗi ngày. Giá vé được đề xuất 3.000 đồng mỗi lượt cho học sinh, sinh viên và 5.000 – 7.000 với nhóm khách còn lại, tùy theo cự ly tuyến.
Mặt dù Sở Giao thông Vận tải TP đã chính thức phục hồi toàn bộ hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn, tuy nhiên, tình trạng vắng khách được ghi nhận tại nhiều tuyến. Trước thực trạng này, ông Bùi Hòa An cho biết nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 nên tâm lý hành khách vẫn còn e dè khi tham gia xe buýt nên sản lượng hành khách so với cùng kỳ các năm trước giảm mạnh. Tuy nhiên, “hành khách đi lại của các tháng gần đây (tháng 12-2021, tháng 1 và tháng 2-2022) đã tăng lên”.
Theo ông Bùi Hòa An, sau thời gian giãn cách, đến nay hệ thống xe buýt đã phục hồi hoạt động trở lại 86/90 tuyến. Dự kiến các tuyến xe buýt có trợ giá số 16, 50, 52 và 86 sẽ hoạt động lại vào đầu tháng 3. Như vậy, kể từ tháng 3, 90/90 tuyến xe buýt có trợ giá sẽ hoạt động lại.
Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị vận tải hoạt động trở lại đều tự đánh giá đạt theo các tiêu chí của Quyết định số 3586/QĐ-BCĐ của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vắc xin, lái xe và nhân viên phục vụ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tuân thủ quy tắc 5K trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ trên xe buýt; hành khách khai báo y tế thông qua phần mềm hoặc khai báo bằng giấy.
N.Trinh
Bình luận (0)