Tại buổi công bố những kết quả từ công trình nghiên cứu mới nhất về “Tầng lớp trung lưu không giới hạn: Những góc nhìn mới về tầng lớp trung lưu khu vực Đông Nam Á” diễn ra chiều 14/3 tại TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia đến từ Nhật Bản chỉ ra rằng, có tới 96% người Việt tự nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu, đây là tỷ lệ cao nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Các chuyên gia HILL Asean tại buổi công bố nghiên cứu chiều 14/3 |
Ông Goro Hokari – Giám đốc Viện nghiên cứu Đời sống và Con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (HILL Asean) – một tổ chức nghiên cứu độc lập của Nhật Bản cho biết, sự chuyển dịch của con người, hàng hóa và tiền tệ ở các nước Đông Nam Á giúp tăng cường tầm quan trọng của khu vực như một thị trường thống nhất. Khi thu nhập hộ gia đình ở các nước Đông Nam Á được cải thiện nhờ vào tăng trưởng kinh tế, tầng lớp trung lưu tăng theo tỷ lệ tương ứng, dự kiến chiếm đa số tại thị trường tiêu dùng Đông Nam Á và là tầng lớp chính của tiêu dùng. Hiện tầng lớp trung lưu thường được xác định bằng thu nhập. Nhưng nghiên cứu mới nhất cho thấy có một phân khúc lớn những người xác định mình thuộc tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập của họ.
Dẫn chứng cụ thể, ông Goro Hokari cho biết vào tháng 6/2015 viện này đã thực hiện cuộc khảo sát với 2.500 người trong độ tuổi từ 20-59 tại 5 thành phố Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia) và TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam), mỗi thành phố khảo sát 500 người. Trong khảo sát này, có 96% người Việt Nam khi được hỏi “Anh/chị nghĩ mình thuộc tầng lớp nào?” đã tự nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu, trong khi đó tại Singapore là 85%, Kuala Lumpur 79%, Bangkok 80%, và Jakarta là 72%. Kết quả này khác xa so với tỷ lệ phân loại dựa theo thu nhập hàng tháng (thu nhập từ 9 đến dưới 20 triệu đồng/tháng được cho là tầng lớp trung lưu) và tỷ lệ người Việt thuộc tầng lớp trung lưu thực tế hiện chỉ chiếm 50%, ở Thái Lan là 72% và Indonesia là 56%.
Theo ông Yusuke Sonoda – Giám đốc chiến lược cao cấp HILL Asean, nếu chỉ dùng thu nhập để phân loại tầng lớp thôi thì không đủ, do đó các doanh nghiệp tại Việt Nam cần tái định nghĩa là để đưa ra chiến lược marketing phù hợp nhằm tiếp cận đối tượng khách hàng. Lý giải cụ thể hơn, ông Yusuke Sonoda cho hay, khi có tới 96% người dân tư nhận mình là trung lưu đồng nghĩa với việc tiếp cận truyền thống khi định vị chỉ có 50% dân số là trung lưu sẽ không còn thích hợp. Vì trên thực tế, có những người có thể thu nhập không nằm trong giới hạn phân loại trung lưu nhưng họ lại sẵn sang chi tiền để mua sắm những sản phẩm có giá trị cao hơn so với mức thu nhập của họ.
Cũng tại buổi công bố, HILL Asean còn phân tích sâu hơn về tầng lớp trung lưu giữa TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Theo đó, số người tự nhận mình là tầng lớp trung lưu cả hai thành phố đều chiếm tỷ lệ lớn, tuy nhiên quan điểm về cuộc sống lại hoàn toàn khác nhau: người trung lưu TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng được tiến lên thượng lưu bằng cách luôn tìm kiếm cơ hội nâng cao bản thân, còn người tự cho mình thuộc tầng lớp trung lưu ở Hà Nội luôn cho rằng mình đã ổn định, cố gắng để không rớt xuống tầng lớp thấp hơn.
Với kết quả này, các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận người tiêu dùng tại mỗi thành phố sẽ phải có những chiến lược marketing phù hợp hơn để tận dụng tối đa lợi thế sản phẩm của mình.
Bình luận (0)