Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Mặc dù tỷ lệ thu gom vẫn tăng hàng năm nhưng do lượng phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là CTRSH tại nhiều địa phương còn thấp.
TP.Đà Nẵng đang tích cực hiện đại hóa các phương tiện vận chuyển rác thải
Ông Phạm Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường Miền Trung – Tây Nguyên (Bộ TN&MT) – cho biết, rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại nông thôn hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Tới nay mới chỉ có một số ít thực hiện phân loại rác tại nguồn và vẫn mang tính khuyến khích như TP.HCM, Cần Thơ. Rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý hiệu quả; vẫn còn 17% rác thải nông thôn thải bỏ ra môi trường xung quanh. Chôn lấp vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến; 70% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp nhưng chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là những bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Ước tính có gần 3 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh trong năm 2020, một lượng lớn trôi nổi trên sông, hồ, ven biển…
Những năm gần đây tỷ lệ các công nghệ được áp dụng tại cơ sở xử lý rác là: chôn lấp hợp vệ sinh (30%), đốt (10%), sản xuất phân vi sinh (7%), tái chế (2%).
Vậy làm sao khắc phục tình trạng này, theo ông Nguyễn Văn Thiền – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương – thì, cần ưu tiên sử dụng các vật liệu tái chế, khuyến khích tái chế, sử dụng qua nhiều vòng trước khi tiêu hủy.
Ông Nguyễn Quốc Công – Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội – “hiến kế”, cần tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật và công nghệ đáp ứng tốt cho thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật; thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong quản lý CTRSH. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn như hộ gia đình, tại cơ sở chủ nguồn thải. Chính quyền địa phương và đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom xác định vị trí phân loại tại khu vực. Trạm trung chuyển phải có cấu trúc xây dựng phù hợp nhằm giảm thiểu mùi hôi và đảm bảo khoảng cách vệ sinh…
Xung quanh vấn đề rác thải, ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) – cho rằng, công tác quản lý chất thải, đặc biệt là CTRSH là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Việc đề xuất được các giải pháp đồng bộ từ mô hình quản lý, mô hình công nghệ xử lý chất thải nhằm kiểm soát, giải quyết được bài toán xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải là vấn đề hết sức cấp thiết.
Theo đó, ông Thịnh đề nghị cần tổ chức thực hiện tốt các chính sách, quy định về quản lý chất thải trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhằm hình thành cách thức quản lý, ứng xử mới với chất thải, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đặc biệt đề cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương. Theo đó, một số tỉnh, thành phố lớn cần tiên phong trong việc triển khai cơ chế phân loại rác thải tại nguồn. Bên cạnh đó hình thành và phát triển cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích, xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH, đặc biệt là trong việc khuyến khích đầu tư xây dựng và vận hành cơ sở xử lý CTRSH, triển khai áp dụng mô hình thu gom, vận chuyển – xử lý CTRSH theo quy định đảm bảo tính hiệu quả, ổn định, phát huy và đa dạng hóa nhiều nguồn lực cho xử lý chất thải. Đề xuất các mô hình công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường để nhân rộng trong phạm vi cả nước…
Phan Vĩnh
Bình luận (0)