Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ trường học đạt chuẩn Quốc gia cao nhất cả nước.
Hiện nay, Hà Nội có 213 trong tổng số 927 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia (chiếm 23%). Cấp tiểu học có 380 trong tổng số 696 trường (chiếm 54,6%), cấp trung học cơ sở có 278 trong tổng số 605 trường (chiếm 46%) và cấp trung học phổ thông có 36 trong tổng số 205 trường (chiếm17,6%) đạt chuẩn quốc gia.
Kể từ khi mở rộng địa giới hành chính đến nay, Hà Nội đã công nhận thêm 479 trường đạt chuẩn Quốc gia.
Trường trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương là một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)
Trong xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, Hà Nội rất chú trọng đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học theo hướng tập trung, rõ mục tiêu, kết hợp kiên cố hóa với chuẩn hóa và hiện đại hóa.
Các nhà trường cũng đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia, nên đã nỗ lực đẩy mạnh chất lượng giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân viên, giáo viên, xây dựng môi trường học đường xanh-sạch-đẹp.
Trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn vướng mắc như về tài chính, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh quá đông, thiếu đồng bộ trong quản lý giữa các quận, huyện trên địa bàn.
Đó là các trường ở trong nội thành thì thường gặp khó khăn trở ngại vì quỹ đất eo hẹp không đạt chuẩn, trong khi đó các trường ở ngoại thành lại gặp khó khăn về kinh phí xây dựng, nguồn ngân sách có hạn… Vì vậy trên địa bàn thành phố vẫn còn có một số quận, huyện có tỷ lệ xây dựng trường chuẩn Quốc gia đạt thấp như quận Hai Bà Trưng 31,7%, huyện Phú Xuyên 15,9%, Ba Vì 21,3%, Mỹ Đức 32,9%…
Ngoài ra, nhiều quận, huyện xây dựng kế hoạch song đầu tư chưa đúng hướng, đúng trọng điểm và quyết liệt nên không đạt chỉ tiêu đề ra. Đáng chú ý, một số trường mới được công nhận thì số học sinh ở mỗi lớp học vượt quá nhiều so với quy định như trường tiểu học Tam Khương (quận Ðống Ða), Trường mầm non Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng)…
Điều này, một phần do tâm lý phụ huynh học sinh muốn con, em mình vào trường tốt mà không biết rằng tình trạng số học sinh trong mỗi lớp học đông, chật chội sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học…
Để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2015, Hà Nội xây dựng từ 50%-55% trường đạt chuẩn Quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã kiến nghị thành phố, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia cho những quận, huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp; đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc tìm thêm quỹ đất để xây dựng trường học cho các quận nội thành, phân luồng, phân tuyến, giãn lớp, giảm sĩ số…
Theo TTXVN/Vietnam+
Bình luận (0)