Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tỵ nạn giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Chắc không nhiều những nơi trên trái đất này người ta tiễn con đi học bằng nỗi ngậm ngùi: tôi không vọng ngoại, không sính ngoại, không chơi tiền, tôi chỉ muốn con mình được một chữ học đúng nghĩa.
…………………………………..
Minh họa: Khều
Đứa trẻ mới 5 tuổi, đi mẫu giáo về, tối đã phải đi học thêm. Học để làm gì? Có trời mới biết nhưng mà cha mẹ em này nhìn vào cha mẹ em khác mà âm thầm đua nhau.
Học để khi vào lớp Một, con mình hiển nhiên nổi trội hơn con cái những người không có điều kiện học thêm. Và chuyện học thêm ở đâu mới thật nan giải. Nhưng đã tìm thì phải ra, bởi ở đời, khi người ta đã muốn thì người ta sẽ có cách. Các cô giáo dạy lớp Một có tiếng nhất định sẽ đắt hàng.
Ở Hà Nội mùa học trước thềm lớp Một đúng vào những ngày nóng bức nhất. Không ít cô lớp Một mua được đất riêng nhưng dù nhà lầu đi nữa thì hàng trăm em bé cũng phải chịu cảnh “xếp cá mòi” vào những giờ thông tầm giữa hai buổi học. Tuổi thơ của trẻ con Việt Nam nói chung bị thun lại một cách dị thường là vì ngay từ khi lớp Một, các em đã phải hy sinh cho thành tích của người lớn.
Bắt đầu một cuộc chạy trường mất ăn mất ngủ. Chém cha những gã nào đã nghĩ ra trường điểm trường chuyên, không ít phụ huynh đã nguyền rủa như vậy nhưng họ không trốn được cảnh chạy trường.
Ở Hà Nội, nhiều người giàu và cũng nhiều người quan niệm sống chết cho việc học của con nên họ đã phải chuẩn bị hàng xấp đô la để con mình được vào lớp Một sáng chói. Và cũng từ đó cả nhà cùng thức khuya dậy sớm với con em như thể đi cày. Phải trừ hao thời gian cho nạn tắc đường, phải ăn sáng hộc tốc, phải xếp hàng vào lớp sớm để còn rèn luyện thân thể. Và học, học cả hai buổi mà về nhà vẫn còn hàng đống bài phải học cho xong!
Một bài tập ở nhà trong học kỳ I cho học sinh lớp Một có nội dung sau: “Hãy viết 10 điều nên và 10 điều không nên về việc giữ gìn vệ sinh lớp học”. Một đứa trẻ 6 tuổi phải nghĩ ra 20 điều nên và không nên cho chuyện giữ gìn một phòng học chỉ có mấy bức tường, mấy cửa sổ, mấy dãy bàn ghế và một tấm bảng ư? Cả nhà xúm vào cùng làm bài với em đến khuya mà vẫn không đủ 10 điều cho mỗi cột.
Nên và không nên thì khác gì nhau, đã nên rồi thì đừng bắt không nên nữa mới đúng là giáo dục chứ! (Tương tự kiểu giáo khoa thư giáo điều như vậy còn có đề ngoại khóa cho học sinh lớp Bốn: “Hãy viết cảm nhận của em về trận Điện Biên Phủ trên không?”. Một học sinh lớp 12 còn không kham nổi loại đề như thế, nữa là).
Chuyện trồng người ở nước ta viết bao nhiêu cũng không hết sự ngô nghê, lạc hậu buồn cười, nhưng nói thì dễ thành “Biết rồi khổ lắm nói mãi!”. Nhưng đây là chuyện hệ trọng còn hơn cơm áo, bởi vì gia đình nào cũng có người liên quan đến việc học. Hơn nữa, người Việt Nam ta còn có câu “nhất con nhì của” và tinh thần hiếu học của người Việt thì đã được cả thế giới ghi nhận chứ không phải dân mình tự xưng.
Chừng như các nhà vĩ mô, các vị chức sắc và cả các thầy các cô cũng biết rõ điều đó nên bộ máy ngành giáo dục đã tận dụng tối đa sự xả thân của phụ huynh cho việc học của con em họ. Ở vị thế bị trấn lột, bị tung hứng, các bậc phụ huynh biết rõ mình đang là miếng mồi nhưng không phải ai cũng có điều kiện để thoát ra.
Xin đừng tưởng những người có ăn có để ở thành phố đang thoát ra bằng cách cho con vào các trường quốc tế tại chỗ hay đi du học. Quả là với các loại trường quốc tế tại chỗ, học sinh đã được học ngoại ngữ tốt hơn, được thụ hưởng điều kiện học hành ưu thế hơn và được giảm tải với chương trình của Bộ Giáo dục. Nhưng để đổi lấy những điều đó, cha mẹ của các em đã phải dập mặt kiếm tiền, mà để có đồng tiền sạch ở xứ ta, nào dễ.
Với những em phải du học sớm, cho dù các em được hít thở mọi thứ nhưng cái giá cho chính các em cũng không phải nhỏ. Đó là sự cắt rời cha mẹ ở tuổi vị thành niên, sự đứt gãy văn hóa truyền thống và tiếng Việt, những điều làm nên một người Việt Nam thực sự hương vị ở tương lai.
Lợi bất cấp hại nhưng càng ngày càng có nhiều người đã bấm bụng cho con mình có được môi trường học hành không vẩn đục. Ngẫm kỹ, dù vào trường quốc tế tại chỗ hay bằng mọi cách cho con cái đi ra nước ngoài, với người Việt của thời điểm này, nhất định đó không phải từ ý thức vọng ngoại mà thuần túy là một cách tỵ nạn mà thôi.
Chắc không nhiều những nơi trên trái đất này người ta tiễn người nhà của mình đi học bằng nỗi ngậm ngùi: tôi không vọng ngoại, tôi cũng không sính ngoại, tôi không chơi tiền, tôi chỉ muốn con mình được một chữ học đúng nghĩa.
Theo DẠ NGÂN – Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)