Dự kiến trong 1 tiếng, rút cuộc câu chuyện đã kéo dài tới 2 tiếng. Nhà tỷ phú, đồng thời là Đại sứ thiện chí của Israel, đã mở đầu cuộc trò chuyện bằng việc “rủ” ngay các quan khách đang đóng bộ complet cởi bớt áo khoác và bỏ cà vạt.
Thời gian của một tỷ phú là vàng. Và chúng ta hôm nay có may mắn được ông Rami Ungar, một trong những tỷ phú tên tuổi nhất của Israel chia sẻ nhiều “vàng”. Tôi mong các bạn biết tận dụng nó. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Vũ Tiến Lộc đã mở đầu cuộc trò chuyện giữa các giám đốc điều hành (CEO) Việt Nam với ông Rami Ungar như vậy. Còn nhà tỷ phú, đồng thời là Đại sứ thiện chí của Israel thì đáp lại bằng cách “rủ” ngay ông Lộc và Đại sứ Israel cùng các CEO đang đóng bộ lễ phục cởi bớt áo khoác và bỏ cà vạt để “không phải hạ thêm nhiệt độ phòng” và để cuộc nói chuyện được thực sự thoải mái, thân thiện.
Luôn tìm tòi những ý tưởng mới
Trong một cuộc thi bơi hay chạy đua đường dài, người biết cách sắp xếp những khoảng nghỉ hợp lý là người sẽ chiến thắng. |
Năm nay 62 tuổi, Rami Ungar là người sáng lập đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn bao gồm các công ty phân phối ô tô, kinh doanh tàu thủy, bất động sản và hàng không, trong đó chỉ riêng đội tàu biển đã trị giá tới 3,6 tỷ USD. Và ông đã gây dựng nên tất cả cơ nghiệp đó từ hai bàn tay trắng sau khi rời quân ngũ vào năm 1968. Việc đầu tiên ông đã làm là xây dựng một trại nuôi gà, đúng vào năm dịch gia cầm đang hoành hành dữ dội. Trại nuôi gà của ông được lắp đặt một hệ thống quạt thông gió (lúc đó là thứ chưa ai dùng tới) và áp dụng những quy định về vệ sinh chuồng trại chặt chẽ nên đã trụ vững trong thời kỳ khốn khó và đem lại thành công cho ông chủ cựu binh, tạo đà cho những bước phát triển của Tập đoàn Ray hùng mạnh sau này.
Tất nhiên – ông Ungar nói thêm với một nụ cười tủm tỉm – từ trí tưởng tượng phong phú đến dự án kinh doanh là một đoạn đường cần được điều chỉnh bằng tri thức và quá trình tìm hiểu thực tế. “Đừng dại bỏ tiền vào lĩnh vực cũng như địa bàn mà mình không hiểu biết. Tôi đã từng thất bại khi đầu tư vào một khu vực xa xôi ở Nigeria, nơi hạ tầng cơ sở rất tệ và tôi không thể giám sát chặt chẽ đường đi của đồng vốn đã bỏ ra” – ông kể. Như minh chứng cho quan điểm này, ông nhã nhặn nhưng dứt khoát trả lời ngay câu hỏi của đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vì sao không đầu tư vào những dự án xây dựng cảng biển nước sâu và những lĩnh vực khác ở Việt Nam: “Vì tôi chưa hiểu biết kỹ càng về những lĩnh vực đó nên chưa làm. Và kinh nghiệm cho thấy bạn không nên đầu tư vào quá nhiều thứ trong cùng thời điểm, bạn sẽ khó mà làm tốt được tất cả”.
Mạnh dạn nói “không biết” và học hỏi
Lý giải cho việc lựa chọn Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) làm đối tác kinh doanh, ông Ungar nói rất chân tình: “Tôi đã mất 6-8 tháng để thu xếp cuộc gặp làm việc đầu tiên với Vinashin và bị thuyết phục bởi thái độ hết sức thẳng thắn”. Đại diện Vinashin trả lời “không biết”, “chưa từng làm” trong khá nhiều việc, nhưng họ hứa sẽ tìm hiểu và nâng cao năng lực. Trong khi đó, nếu làm việc với một đối tác khác, nhất là ở châu Á, ông vẫn thường nhận được câu trả lời “có biết” hoặc mập mờ; dù rằng đối tác thực sự “không biết”.
“Thua cũng phải biết cười” – Ungar kể. Trong nghiệp kinh doanh, ông cũng đã từng để mất rất nhiều tiền, thế nhưng ông luôn vững tin và không bao giờ mất tinh thần lạc quan chỉ vì gặp phải một vài đối tác xấu hay những khó khăn khách quan. Tỏ ra rất am hiểu tình hình kinh tế Việt Nam, ông Ungar nói với các bạn trẻ: “Thị trường chứng khoán biến động theo chiều hướng suy giảm khiến cho nhiều người thất vọng. Tôi thì lại cho rằng đây là lúc rất tốt để các bạn mua vào. Còn nếu chưa hiểu biết đầy đủ về thị trường này thì, các bạn trẻ thân mến, các bạn nên tìm đến các doanh nghiệp nước ngoài mà học hỏi kinh nghiệm làm ăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chất xám cao”.
Vài lời khuyên cho Việt Nam
Với phong cách giải quyết công việc nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, đại diện Vinalines đã “một mình kiêm cả hai vai” khi vừa nói tiếng Việt vừa tự dịch sang tiếng Anh. Rất hóm hỉnh, Ungar đùa: “Này, có lẽ tôi nên nói tiếng Hebrew – tiếng mẹ đẻ của ông – rồi dịch sang tiếng Anh nhỉ (ông thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp)”?
Và đó là cách ông dẫn câu chuyện đến rào cản ngôn ngữ – một khó khăn lớn của các doanh nhân Việt Nam trong kinh doanh trên thương trường quốc tế. Một khó khăn lớn khác cũng đang đặt ra cho các doanh nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung hiện nay là khả năng hấp thụ nguồn vốn. Thời gian vừa qua – ông Ungar phân tích – nguồn vốn nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam, cộng với việc rất nhiều ngân hàng mới được mở ra đã khiến lượng tiền trong lưu thông tăng mạnh; trong khi cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện khác chưa cho phép “tiêu hóa” nguồn vốn đó một cách nhanh chóng và hiệu quả. “Giống như trong một cuộc thi bơi hay chạy đua đường dài, người biết cách giữ sức và sắp xếp những khoảng nghỉ hợp lý là người sẽ chiến thắng. Tôi cho đây là lúc các doanh nghiệp Việt Nam không nên nôn nóng, vội vã. Hãy quan sát, phân tích tình hình và có thể kéo giãn việc thực hiện các dự án chưa thật cấp bách”, ông khuyên. Một cách hình tượng, Ungar ví von sự thư giãn trong thời điểm này như một “kỳ nghỉ tránh nắng”.
Đặc biệt, thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu cũng là một giải pháp được nhà tỷ phú nhắc đến. Thái độ thận trọng trong kinh doanh có thể coi là một phương châm ứng xử của ông. “Luôn giữ mối quan hệ tốt với nhà băng, theo dõi sát sao hiệu quả của đồng vốn thứ nhất trước khi bỏ tiếp đồng vốn thứ hai vào thương trường”, ông nhắc nhở các đồng nghiệp người Việt. Rất có thể đây là lý do vì sao ông bà Ungar là người sở hữu toàn bộ số tài sản trong doanh nghiệp của mình mà không kêu gọi các cổ đông góp vốn.
Theo nhận định của ông, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi sau khoảng 2 năm nữa. Ông còn “bật mí”, các doanh nghiệp Israel, tùy theo quy mô, quan tâm đến những lĩnh vực khác nhau. Doanh nghiệp lớn thường có xu hướng đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, phúc lợi (chẳng hạn như bảo hiểm) và giáo dục; trong khi các doanh nghiệp vừa thường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, vui chơi giải trí, xây dựng trung tâm thương mại… Đặc biệt, người Israel rất thích đi du lịch và khá hào phóng trong chi tiêu cho loại hình dịch vụ này, trong khi Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch.
Anh Phương (Doanh nhân)
Bình luận (0)