Tiếp chúng tôi tại Công ty Bề thế (18B, thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), với tổng tài sản hiện có trên 40 tỷ đồng, khách và ngay chủ nhân của nó – nguyên thầy giáo, Giám đốc (GĐ) Huỳnh Trung Quân cũng không thể ngờ sau 20 năm, từ ngã rẽ đầu đời với đôi bàn tay trắng trở thành tỷ phú!…
Từ làm thuê kiếm sống
GĐ Huỳnh Trung Quân tâm sự, anh từng có 2 năm (1997-1998) dạy học tại một trường THCS ở tỉnh Kon Tum. Song, kinh tế gia đình quá khó khăn mà lương nghề giáo khi đó khiêm tốn khó có cơ hội khá lên được, năm 1999, thầy giáo trẻ 24 tuổi (sinh 1975) xin thôi dạy học và rời Kon Tum để đến vùng rau Đơn Dương (Lâm Đồng) tìm sinh kế mới. Những năm đầu, anh làm thuê đủ các nghề nặng nhọc như bốc xếp, làm đất, bón phân… cho các nhà vườn. Số phận rong ruổi thế nào đã đưa anh vào làm việc cho một công ty của Pháp đầu tư trồng cây phúc bồn tử tại xã Đạ Ròn (Đơn Dương). Có kiến thức lại chịu khó, chăm chỉ và trung thực, từ công nhân, thầy giáo Quân được chủ công ty tín nhiệm, cất nhắc lên làm thủ kho vật tư rồi làm quản lý nông trại phúc bồn tử công ty rộng cả chục hécta gần 200 công nhân lao động.
Những năm làm việc tại đây đã giúp Quân có điều kiện nghiên cứu và hiểu về giá trị của cây phúc bồn tử. Theo anh, phúc bồn tử có nguồn gốc hoang dại được phát hiện tại các nước Đông Nam Á và Bắc Mỹ vào thế kỷ 13, đến cuối thế kỷ 19 một nhà nông học gốc La Mã đã thành công trong việc nghiên cứu, sản xuất hạt giống phúc bồn tử đầu dòng cho năng suất cao; đây là loại thảo dược quý, giàu vitamin C có tác dụng ngăn ngừa bệnh ung thư, chống lão hóa, tăng cường trí nhớ, đề kháng các bệnh tim, mạch… Từ đó, loài cây này phát triển ở châu Âu và di thực đến nhiều nước. Quả phúc bồn tử có 2 màu đỏ và đen. Ở Việt Nam nó được gọi là “mâm xôi”.
Năm 2007, Quân cưới vợ ở Đức Trọng. Cuộc mưu sinh của thầy giáo trẻ những tưởng từ đây thuận buồm xuôi gió: việc làm thuận lợi, có “bến đỗ” an toàn; đùng cái – năm 2008, công ty đổi chủ, nông trại phúc bồn tử bị doanh nghiệp mới xóa sổ để trồng cây khác. Tiếc loại cây này, anh Quân đã mua thanh lý một số cây phúc bồn tử mang về trồng ở vườn nhà mình (thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh). Sau đó, anh nhân giống và trồng trên diện tích 2.000m2 đất vườn. Chẳng ai ngờ, từ đó thầy giáo – nông dân trẻ đã nghiên cứu, phát triển thành thương hiệu của riêng mình “Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân” nổi tiếng cả nước hiện nay…
Tỷ phú phúc bồn tử
Thực chất, để có được thành công này, thầy giáo Quân đã nếm trải nhiều khó khăn trong những năm đầu “khởi nghiệp” với loại cây xa lạ này. Do thiếu vốn, kiến thức trồng, chăm sóc hạn chế nên ban đầu số cây phúc bồn tử chết rất nhiều. Cây chết bởi đa số trồng ngoài trời, không chống chọi các dịch bệnh; những cây trồng trong nhà kính thì do nhà kính làm đơn sơ, không đảm bảo kỹ thuật nên sản lượng khá thấp…
Nhờ kiến thức học ở trường (hóa – sinh), kinh nghiệm tích lũy từ thực tế; đặc biệt sự kiên trì theo đuổi, nghiên cứu, tìm tòi dần dần anh Quân đã “giải mã” được đặc tính sinh trưởng của loài cây này. Anh đưa toàn bộ diện tích cây phúc bồn tử vào nhà kính và trồng theo luống, làm giàn để cây leo; quy trình: tỉa cành, tưới nước, bón phân được kiểm soát nghiêm ngặt; phát hiện và phòng trừ kịp thời các bệnh dịch như sâu, rệp, gỉ sắt, phấn trắng… nên cây sinh trưởng tốt, cho nhiều quả. Đặc biệt anh đã nghiên cứu tạo ra giống phúc bồn tử đột biến mới, thân và lá cây không có lông và gai, cho quả nhiều và chất lượng cao. Năm 2009, anh thành lập “Cơ sở sản xuất kinh doanh Huỳnh Trung Quân” để mở rộng kinh doanh thương mại.
Hiện nay, ngoài sở hữu 2ha đất của gia đình trồng phúc bồn tử trong nhà kính, anh Quân còn thuê 7.000m2 đất của nông dân trong vùng để trồng loại cây này và liên kết với 5 chủ nhà vườn (tại Đơn Dương, Đà Lạt) bao tiêu quả tươi. Anh Quân đã thực hiện một quy trình khép kín từ: nhân giống, trồng, chăm sóc, thu quả tươi và chế biến các loại sản phẩm từ quả phúc bồn tử, đóng gói, dán tem và bán ra thị trường.
Anh đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rượu vang từ trái cây này; để nâng cao mức thu nhập, quả phúc bồn tử tươi (loại 1) bán cho các siêu thị, các điểm du lịch giá 300.000 đồng/kg; loại quả kém hơn (120.000 đồng/kg) anh đưa vào sản xuất cho ra các sản phẩm như: rượu, trà, mứt, mật, quả sấy khô, sôcôla, mặt nạ dưỡng da, nước cốt để cung cấp ra thị trường. Anh “bật mí”, bán quả tươi thì giá rẻ, nhưng khi chế biến thành các loại sản phẩm giá bán cao tương đương quả tươi loại 1. Hiện nay, quả phúc bồn tử tươi và 7 loại sản phẩm thương hiệu Huỳnh Trung Quân có mặt ở hầu hết các siêu thị, nhà hàng của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu… Riêng ở TP.HCM, anh Quân có phòng kinh doanh (tại số 211A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3, TP.HCM), nơi phân phối quả phúc bồn tử tươi và các sản phẩm của công ty anh.
Chưa dừng lại đó, để chủ động nguồn giống cây con chất lượng, năm 2018, anh Quân xây dựng phòng mô, anh trực tiếp nghiên cứu, lựa chọn và nuôi cấy mô cây giống phúc bồn tử con phục vụ việc sản xuất, tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư.
Ngày 13-4-2018, “Công ty TNHH phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân” thành lập, do anh Quân làm GĐ. Công việc khá nhiều, ngoài gần 10 công nhân làm việc thường xuyên (lương tháng từ 6,6 đến 7,5 triệu đồng/người); vào vụ chính, công ty của anh Quân còn thuê thêm từ 40-50 lao động làm việc và trả công 300.000 đồng/người/ngày.
Hiện nay mỗi năm, Công ty TNHH Huỳnh Trung Quân thu hoạch từ 45-60 tấn quả phúc bồn tử; ngoài bán quả tươi, công ty còn bán ra thị trường các loại sản phẩm do công ty sản xuất; trừ chi phí đầu tư, công lao động, trung bình mỗi năm, gia đình anh Quân thu nhập trên 2 tỷ đồng.
Với thành tích xuất sắc lao động, sáng tạo, khẳng định thương hiệu mới trên thị trường, là cơ sở cung cấp trái cây phúc bồn tử hàng đầu tại Việt Nam, giải quyết nhiều lao động địa phương, năm 2015, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen… Được Sở VH,TT&DL Lâm Đồng chọn là điểm tham quan du lịch canh nông của tỉnh. Hàng năm, công ty trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo các nhà khoa học, học sinh, sinh viên và khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm…
Bài, ảnh: Hồng Thanh
Bình luận (0)