Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tỷ phú trẻ bước ra từ trường nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Bài 1: Người bán hàng rong trở thành giám đốc IT

Một trong những cửa hàng bán máy vi tính của Công ty Thúc KhươngCũng nuôi ước mơ vào đại học như bạn bè cùng trang lứa, thế nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên Nguyễn Vị Thúc đã chọn cho mình con đường học trung cấp tin học để có thời gian đi làm thêm.Từ hai bàn tay trắng, đến nay anh đã trở thành Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Tin học Thúc Khương TP.HCM, có trong tay tiền tỷ, mua được xe hơi và công việc đang ngày càng “ăn nên làm ra”.

Đeo đuổi niềm đam mê

Chiếc xe đạp cà tàng với một thùng hàng trên xe, ngày nào Thúc cũng một buổi đạp xe đi học, một buổi đạp xe rong ruổi khắp các ngã đường thành phố bỏ hàng thuê. Thời gian sau, nghề bỏ hàng rong khó sống nên Thúc chuyển sang bán miếng quế lót dày. Anh lang thang khắp đầu đường ngõ hẻm đến các cửa hàng, siêu thị để kiếm sống. Vào những buổi trưa hè trời nắng như đổ lửa, hay những buổi trời mưa tầm tã Thúc vẫn phải lại lên đường. Tuổi thơ lớn lên trong sự cơ cực, nên ước mơ vào đại học khá hẹp với cậu học trò nghèo. Do thích máy vi tính nên ngày nào đi bỏ hàng qua những cửa tiệm bán máy vi tính trên đường, Thúc đều thích thú nhìn ngắm không thấy chán. Có hôm do mải mê ngắm nhìn những chiếc máy vi tính, nhiều chủ cửa hàng tưởng nhầm ăn trộm nên đuổi đi. “Vào một buổi tối mùa đông trời se lạnh, tôi đứng dựa cây cột điện trên đường Trần Hưng Đạo mải mê nhìn vào một công ty máy tính đến khi cửa hàng đóng cửa tôi mới chịu về. Nhìn lên chiếc đồng hồ ven đường thì đã 10 giờ tối. Hình ảnh những anh thanh niên ngồi trên bàn máy vi tính làm việc dưới ánh đèn sáng trưng trong tòa nhà sang trọng làm tôi không khỏi ước ao. Tôi dắt xe ra về và hứa với lòng mình là sau này phải trở thành thợ sửa máy vi tính” Thúc nhớ lại. Ước mơ ấp ủ là được đến trường học vi tính đã trở thành khát khao lớn nhất lúc bấy giờ đối với Thúc. Một lần đi bỏ hàng anh tình cờ nhặt được mảnh báo trên đường, đọc thấy có Trường Trung cấp Nghiệp vụ Thủ Đức tuyển học viên ngành máy tính. Sau nhiều đêm trăn trở rồi Thúc cũng quyết định đến trường đăng ký theo học dù rất khó khăn. Đây là bước ngoặt cuộc đời, bước sang trang mới của cậu học trò nghèo – Nguyễn Vị Thúc.

Khi vào trường học, Thúc thấy một số bạn xem lớp học là chỗ dừng chân tạm bợ để nuôi dự định thi lại đại học nên học hành qua loa. Còn Thúc được học ở đây là ước mơ của mình nên anh đã cặm cụi trên máy tính bất cứ lúc nào có thời gian. Tốt nghiệp ra trường năm 2004 gặp lúc gia đình khó khăn nên Thúc quyết định phải đi làm để kiếm tiền phụ gia đình. Cầm trong tay tấm bằng nghề anh được rất nhiều công ty nhận vào làm việc với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng. Sau vài tháng đi làm có kinh nghiệm thực tế, Thúc nhận thấy: “Nghề tin học rất thịnh hành, nhà nhà sắm máy tính, các công ty, xí nghiệp cũng trang bị máy vi tính, nên tôi quyết định nghề kinh doanh sau này phải là buôn bán máy vi tính”. Do không có vốn nên lúc ban đầu anh phải nhờ mặt bằng của bạn làm nơi kinh doanh mực in để vừa kiếm tiền vừa học “bí quyết” kinh doanh. Một năm sau do buôn bán mực in có uy tín, lượng khách càng ngày càng nhiều, tích góp được ít vốn Thúc thuê mặt bằng riêng. Anh mở cửa hàng cung cấp, bơm mực và bán máy tính. Khi chưa có vốn nên anh chỉ lấy vài cái máy của bạn về cửa hàng trưng bày, khi có khách mua thì anh bán với sự bảo hành uy tín cao, tận tâm. Khách mua ngày càng nhiều anh bắt đầu tính đến chuyện hòa nhập vào đội ngũ cung cấp máy tính lớn và cạnh tranh với các công ty khác. Năm 2005, Anh mở công ty ngay trên đường Tôn Thất Tùng, quận 1. Những ngày đầu thành lập công ty thực sự là chuỗi ngày bỡ ngỡ đối với anh, khi phải học cách hòa mình vào thị trường kinh doanh hết sức khắc nghiệt của ngành máy tính. Đây cũng là thời gian khó khăn phải học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, vì ngoài nghề sửa máy ra Thúc chưa biết gì về kinh doanh. Thúc tâm sự: “Lúc mới thành lập phải lao động trên cả sức mình, vì thực tế trải nghiệm là cách tốt nhất để khẳng định mình”. Và cố gắng ấy cũng đã được đền đáp, bởi chỉ sau hai năm Thúc đã đứng vững được trên thị trường.

Công ty Thúc ra đời ngay vào những năm ngành máy tính phát triển rầm rộ và nhiều công ty lớn đang có chiều hướng mở rộng thị trường. Đồng thời nhiều công ty mới thành lập do cạnh tranh thiếu định hướng nên đã bị “chết yểu” ngay từ những ngày đầu. Thách thức của Thúc lúc này là phải tìm cho mình con đường riêng, thay vì đi vào “lối mòn” của các công ty đã phá sản. Thúc định hướng công ty là phân phối duy nhất sản phẩm máy tính của hãng Dell (Mỹ) bởi chất lượng được đảm bảo và hướng đi này đã dẫn anh tới thành công như hôm nay.

“Nhất nghệ tinh… nhất thân vinh”

Đến giờ này anh cho rằng: “Thành công không nhất thiết là phải qua giảng đường đại học. Ở bất cứ công việc nào, vai trò gì đi nữa, thành công sẽ đến khi chúng ta làm tốt nhất trong những người cùng làm việc đó. Hãy là một người thợ giỏi hơn một người sếp tồi, có thêm một người học nghề, xã hội sẽ thêm một người thợ. Ông bà ta nói không sai mà, nhất nghệ tinh… sẽ nhất thân vinh”. Hiện nay hàng ngày anh vẫn cần mẫn sửa chữa những chiếc máy tính và bán hàng. Anh cười: “Mình làm nhiều hơn cả các anh em làm ở đây. Sáng sớm là đến công ty, nhiều bữa không kịp ăn uống gì vì khách hàng đông. Rồi phụ giúp bưng bê máy, nhiều hôm 1 giờ đêm chưa được nghỉ ngơi”.

Do ngày trước đi học vất vả nên hôm nay anh luôn động viên nhân viên công ty có thời gian là đi học thêm để theo kịp với xã hội. Vì vậy, hiện nay nhiều người thợ trong công ty của anh, ngày đi làm, buổi tối đến trường học tiếp nhằm nâng cao kiến thức, nhiều người trong số đó hiện đang học liên thông đại học. Theo anh, có một thực tế là rất nhiều sinh viên tìm đến công ty xin việc nhưng khi yêu cầu lắp ráp máy tính hay sửa chữa một số lỗi nhỏ đã không ít người không làm được. Trong khi đó mỗi năm Trường Trung cấp Nghiệp vụ Thủ Đức giới thiệu một số học sinh lên thực tập và xin việc tại công ty thì những sinh viên đó rất thành thạo công việc, ít phải đào tạo lại. Ngành tin học đòi hỏi phải có thời gian thực tế nhiều, tuy nhiên hiện nay chỉ một số nhỏ các trường đáp ứng được. Không phủ nhận hiện nay chúng ta có một số kỹ sư tin học giỏi chuyên môn nghiệp vụ, nhưng xã hội lại đang cần những người thợ lành nghề thì các trường vẫn chưa đáp ứng được. Hiện nay mỗi năm anh thu về tiền tỷ và có gần 30 nhân viên lành nghề, nhiều người trong số đó là cử nhân của những trường đại học danh tiếng. Mức thu nhập hiện nay của nhân viên công ty từ 3-5 triệu đồng/tháng. Và không ít người làm tại công ty của anh đã ra mở cửa hàng kinh doanh riêng. Anh nghĩ: “Nghề máy vi tính học trung cấp cũng được học thực tế nhiều, nếu có học thêm một số chứng chỉ nghiệp vụ tại các trung tâm tin học về mạng, phần mềm… thì việc nắm vững kiến thức máy tính nhiều khi hơn nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường”. Và thực tế đã chứng minh không ít người đã thành công từ trường nghề ở nhiều lĩnh vực nghề nghiệp. Không ít người làm cho công ty nước ngoài thu nhập 1-2 ngàn USD/tháng.

“Có rất nhiều con đường để dẫn tới thành công, không nhất thiết là phải qua giảng đường đại học. Điều cần thiết nhất vẫn là ý chí, nhân cách và sự cố gắng không ngừng nghỉ – điều đó tạo nên thành công”, Thúc khẳng định.

Văn Mạnh

Bình luận (0)