Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tỷ phú trẻ bước ra từ trường nghề: Học trung cấp vẫn trở thành giám đốc điều hành

Tạp Chí Giáo Dục

Nguyễn Bá Phước Long (đứng đầu tiên bên trái) trong chuyến hướng dẫn du khách tham quan ở SingaporeTốt nghiệp trung cấp du lịch anh được nhận vào làm hướng dẫn viên. Và sau 8 năm, với niềm đam mê yêu nghề, nhẫn nại, kiên trì… đến nay anh đã vững vàng trên cương vị giám đốc điều hành Công ty Du lịch Lữ hành Lửa Việt với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm – anh là Nguyễn Bá Phước Long.

Lòng đam mê

Sinh ra ở Huế, Long lớn lên trên quê hương có nhiều tiềm năng về du lịch. Nơi có dòng sông Hương thơ mộng, những hoàng cung, lăng tẩm… Rồi nhiều bài học trên lớp đã trau dồi cho cậu học trò nghèo những kiến thức về văn hóa, lịch sử và sự phong phú về tâm hồn. Nhiều buổi chiều cùng cha đi trên bờ sông Hương, nhìn dòng nước trong xanh, những chiếc thuyền và các cô gái Huế thiết tha trong tà áo dài, hát hò trên sông. Lúc đó cậu học trò nghèo chỉ mong ước được làm một “đại sứ” văn hóa, để mang nét đẹp quê hương giới thiệu cho bạn bè cả nước và thế giới biết. Thời gian sau gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống, nhưng ký ức về những danh lam thắng cảnh nơi quê nhà vẫn còn in đậm trong tâm trí Long. Tốt nghiệp THPT, trong lúc nhiều bạn bè đua nhau đi tìm những trường thật “hot” để học, với tham vọng làm giàu thì Long quyết định chọn ngành hướng dẫn viên du lịch tại Trường Trung cấp Du lịch & Nhà hàng TP.HCM để theo học. Nhiều bạn bè lúc đó bảo Long khùng, không thức thời (vì lúc đó ngành du lịch chưa phát triển như bây giờ – PV), nhưng Long vẫn quyết tâm theo đuổi niềm đam mê tới cùng. Với suy nghĩ: “Thành công của mỗi người không chỉ là tiền bạc, mà còn dám theo đuổi và thực hiện ước mơ của mình, với tôi được theo nghề du lịch đó cũng là đã thành công rồi”.

Đến hôm nay trong làng du lịch Việt Nam, Nguyễn Bá Phước Long chưa hẳn là một người siêu hạng trong nghề. Tuy vậy, 8 năm gắn bó với nghề anh đã đóng góp cho ngành du lịch không hề nhỏ. Bước chân anh đã giẫm lên khắp các vùng miền tổ quốc, giới thiệu cho hàng trăm ngàn lượt khách du lịch về vẻ đẹp, văn hóa Việt Nam. Vào cương vị và tuổi anh, nhiều bạn bè trong nghề chọn cho mình chỗ ngồi trong phòng máy lạnh, nhưng Long thì hàng ngày hàng tháng vẫn bước đi trên khắp các vùng miền, để nói về vẻ đẹp của quê hương đất nước. Lòng nhiệt huyết, nhạy bén trong nghề vẫn như thuở ban đầu.

Ít nói về mình, thích bàn về những thắng cảnh Việt Nam, các nước là ấn tượng suốt buổi trò chuyện của tôi đối với người giám đốc điều hành 33 tuổi này. Anh tâm sự: “Lúc mới bước vào nghề từ anh thực tập, những ngày đầu chưa quen, anh giám đốc công ty chỉ dạy chi li; tạo điều kiện cho tôi đi theo nhiều tour khác nhau để nắm bắt tâm lý khách hàng, xử lý tình huống và mạnh dạn hơn”. Sau thời gian ngắn làm việc, giám đốc thấy anh siêng năng, chịu khó và rất có duyên với hướng dẫn viên, đã tin tưởng vào khả năng của anh. Thật bất ngờ chỉ sau hai tháng anh đã có thể được dẫn khách đi tour. “Lần đầu được làm hướng dẫn viên chính, phải đứng trước cả trăm khách tham quan, tôi run cầm cập, toát hết mồ hôi. Tôi đã được chuẩn bị trước nhưng nhiều kiến thức về lịch sử văn hóa vẫn bị quên, nhất là những tình huống phát sinh làm tôi dở khóc dở cười. Tuy nhiên tôi cũng cố gắng vượt qua và những lần sau đó tôi đã tự tin hơn rất nhiều”, Long kể lại. Hiện nay trung bình mỗi tháng anh cũng tham gia dẫn 3-4 đoàn khách đi tour. “Dù làm gì đi chăng nữa, nghề của tôi vẫn là hướng dẫn viên, tôi đam mê nghề này, không đi tôi thấy rất khó chịu. Vì vậy, tôi luôn chuẩn bị hành trang lên đường vào bất cứ lúc nào”, anh cho biết.

Nghề du lịch là nghề lý thú, nhưng đòi hỏi phải yêu nghề với đủ nghị lực để cả tháng, cả năm xa nhà, đi qua khắp các vùng miền đất nước và các nước trên thế giới.

Và tính kiên nhẫn

Nghề hướng dẫn viên theo nhiều người nhìn nhận là nghề “làm dâu trăm họ”, nên nhiều lúc không thể tránh khỏi những điều đáng tiếc, nhưng anh nghĩ những tình huống như vậy nếu được khách hàng thông cảm, hướng dẫn viên sẽ thấy được san sẻ. Anh kể có lần đưa đoàn phóng viên của Báo Sài Gòn Giải Phóng lên Tây Bắc tham quan, khi xe đang đi lên dốc thì bị chết máy. Giữa rừng núi, chỉ có rừng và núi đá hiểm trở, không lấy đâu một ngôi nhà, bóng người. Tôi bình tĩnh trấn an mọi người, sau đó anh lấy đồ khô cho khách ăn, và bắt đầu chạy đi tìm phương án cứu giúp. May thay gặp được chiếc xe lam anh nhờ chở khách tới chỗ nghỉ chân còn anh tìm xe khác tiếp tục đưa khách đến điểm tham quan. Đến chỗ tham quan thì trời cũng chập choạng tối, khách ăn uống nghỉ ngơi và ai cũng vui vẻ. Nghề làm du lịch luôn phải đối mặt với nhiều tình huống phát sinh ngoài dự kiến. Người hướng dẫn viên thiếu kinh nghiệm, sự nhanh nhạy sẽ khó làm chủ tình hình, dẫn tới làm khách hàng lo lắng. Vì vậy, bản lĩnh, giỏi nghiệp vụ là một tố chất cần thiết của người làm du lịch.

Từ những ngày chập chững bước vào nghề, nay anh đã trở thành anh cả trong nghề của rất nhiều hướng dẫn viên trẻ. Anh đã thật sự trưởng thành, sự trưởng thành của anh gắn liền với phát triển của Công ty Lửa Việt, đến nay công ty đã trở thành một thương hiệu thuộc vào top đầu về du lịch lữ hành. Nhìn vào sự phát triển đó anh thấy rất tự hào vì ít nhiều có công sức của mình với công ty. Hàng ngày anh vẫn luôn cố gắng hết mình để làm sao đưa được nhiều khách đi tham quan nhất, đồng thời luôn trau dồi kinh nghiệm, thu thập thông tin, kiến thức. Anh em trong ngành kể rằng nhiều lúc anh làm việc không kể ngày đêm, tìm tòi học hỏi về kiến thức văn hóa lịch sử, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ. Hỏi về điều này, anh bảo: “Làm nghề nào cũng vậy, phải hết mình với nó. Với tôi được làm nghề trong ngành du lịch không chỉ là sở thích nữa mà trở thành đam mê không thể rời được. Tôi sẽ gắn bó cả đời với nghề này”. Theo anh thì nghề du lịch không khó lắm nếu chúng ta có đam mê và nỗ lực. Rất nhiều bạn trẻ có thừa những tố chất như: nhanh nhạy, trình độ và kiến thức ngoại ngữ khá giỏi nhưng không có sự đam mê đành phải lỗi hẹn với nghề. Hiện với vai trò của một giám đốc điều hành anh phải lo vấn đề “hậu cần” cho những đoàn khách tham quan.

Từ bài học vượt lên của Long, chúng tôi nhận thấy một điều là con đường thành công phải tự nỗ lực, phấn đấu. Bằng cấp chỉ một phần, kiến thức, kinh nghiệm bản lĩnh trong nghề mới là tất cả.

Văn Mạnh

Bình luận (0)