Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

U 70 đi học ngoại ngữ

Tạp Chí Giáo Dục

Đến tuổi nghỉ hưu, ông Nguyễn Phùng Thành (62 tuổi, quận 10) tìm ngay cho mình một chỗ học ngoại ngữ mà theo ông là để giải trí cũng như biết thêm chút đỉnh tiếng Anh. Ông cùng một vài người bạn đến trung tâm đăng ký học lớp vỡ lòng, song chỉ học được 3 buổi, nhóm học viên già đã “đầu hàng” vô điều kiện.
Học mọi lúc mọi nơi
Dù chỉ học được vài chữ tiếng Anh nhưng miệng ông Thành luôn “nổ lốp bốp” mọi lúc, mọi nơi khi có thể, nhất là lúc “rượu vào”. Những người bạn nhậu của ông thường phát cáu, thậm chí muốn tẩy chay ông chỉ vì kiểu nói chuyện nửa ta nửa Tây của ông. Trình độ tiếng Anh của ông Thành rất khiêm tốn, ở mức độ “yes/ no”, how are you?… Không, nói thế thì lại coi thường ông rồi, ông còn thuộc làu làu: “Pha đơ (father) có nghĩa là cha, mo đơ (mother) là mẹ, cái nhà là đờ hau (the house)…”.
Ở tuổi 60, ông Trương Hiếu Liêm (quận 3) vẫn tự mày mò học tiếng Anh mỗi ngày
Đến quán bia không tên nằm ở cuối đường số 2, cư xá Đô Thành (quận 3) chúng ta thường nghe các bác, các cụ nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ pha trộn nửa Anh nửa Việt nghe là lạ, hay hay. Có cụ chẳng biết mô tê gì, đến đó cũng học lóm được vài câu, vài chữ tiếng Anh rồi về khoe với con cháu. Ông Nguyễn Văn Sáng, hành nghề hớt tóc gần đó cho biết: “Cứ ngồi với mấy ổng riết rồi quen cái miệng, vậy mà cũng biết nhiều lắm. Ban đầu nghe rồi ghi nhớ trong đầu và đoán nội dung, từ nào mình chưa hiểu thì hỏi mấy ổng, thế là tự học được”.
Ông Thành tâm sự: “Trước đây mình đâu có điều kiện học hành gì nhiều, tiếng Việt còn chưa rành huống chi tiếng Anh. Đến trung tâm học có cái hay nhưng cũng ngại, mình già cả tiếp thu chậm thường bị cô giáo đáng tuổi cháu mình gọi trả bài, nhiều lúc không trả bài được, bị đám con nít cười nhạo quê lắm nên nghỉ luôn”. Còn ông Bảy Hường, 65 tuổi, ở tận quận 4, chiều nào cũng sang đây vừa gặp gỡ bạn bè, anh em vừa kiếm chút đỉnh vốn từ tiếng Anh. Ông Bảy Hường thú thật: “Con gái nhà tôi muốn bảo lãnh hai vợ chồng tôi sang Mỹ du lịch 6 tháng, mình cũng muốn biết vài câu, vài chữ tiếng Anh để xã giao với thằng rể”. Khi ra khỏi nhà, ông Bảy Hường không bao giờ quên mang theo một cuốn sổ tay và cuốn từ điển Việt Anh để tiện bề tra cứu khi cần.
Cô chủ quán bia, nước giải khát nơi các ông thường lui tới nói: “Ban đầu nghe các chú, các bác nói chuyện, gọi nước uống mình cũng nhức cái đầu như “coffee (cà phê); cigarettes… (thuốc lá)… nhưng nghe riết rồi cũng quen, hiểu và phục vụ chu đáo”. Còn ông Hùng (62 tuổi) tự mày mò học tiếng Anh chỉ vì “thằng cháu nội hễ đi học thì thôi, chứ về đến nhà là cái miệng bi bô tiếng Anh. Đã vậy, nó còn khiêu khích, trêu chọc mình “chẳng biết gì về tiếng Anh”, nghe cũng nhột lắm chú à, phải quyết học để con cháu thấy mình không tệ”. Mỗi ngày, ông Trương Hiếu Liêm (chợ Vườn Chuối, quận 3) dành khoảng 2-3 tiếng đồng hồ để học tiếng Anh. Theo ông Liêm, hiện tại ông thường xuyên viết phần mềm âm nhạc, các trò chơi trên máy tính, nếu biết tiếng Anh công việc sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Những chuyện vui buồn
Không ít các bác U 70 đều lựa chọn giải pháp thuê gia sư về nhà dạy kèm tiếng Anh. Vì theo họ, lớn tuổi đi lại khó khăn, lệ phí thuê gia sư tương đối thấp mà hiệu quả học lại cao hơn so với trung tâm. Đặc biệt là không phải mắc cỡ với “bạn học” chỉ đáng tuổi con, cháu mình. Bác Dũng, nhà ở quận 7 không giấu sự hài hước, kể về ngày đầu tiên cắp sách đến trường học tiếng Anh: “Hôm ấy cô giáo trẻ (chỉ ngang tuổi với con gái út của tôi) điểm danh, khi cô gọi đến tên của mình tôi mắc cỡ quá vì lớp gần 30 học sinh nhưng trong số ấy tôi thuộc hạng ông ngoại (bác Dũng 61 tuổi), đứa lớn nhất cũng chỉ 15 tuổi. Thấy tôi lúng túng, một bé trai nghịch ngợm nói vọng lên: “Ông ngoại già mà còn mắc cỡ” khiến cả lớp cười một trận vỡ bụng”. Cũng từ cái ngày đầu tiên chẳng mấy suôn sẻ ấy, bác Dũng “lệnh” cho đứa con trai tìm một thầy về nhà dạy để chứng tỏ “thân già cũng làm được nhiều chuyện nên trò”. Ngày bác ra chợ phụ vợ bán hàng, tối về miệt mài bên những quyển sách luyện từ vựng, ngữ pháp và hàng đống bài tập mà thầy giáo bắt buộc. “Cực lắm nhưng vui cậu à, đi ra đường, ra chợ… ai đó cần giúp đỡ hoặc thắc mắc về các nhãn hàng in trên bao bì thì mình có thể giải thích cặn kẽ cho họ hiểu, nhờ vậy mà nhiều bạn hàng tin tưởng, ghé hoài”. Bác Dũng tự hào cho biết.
Vợ ông Tư Thành luôn tỏ vẻ bực mình mỗi lần ông bà ngồi lại nói chuyện với nhau vì ông cứ thích “pha” lẫn hai ngôn ngữ, như bà lấy cho tui cái key (chìa khóa), lấy cho tui cái short (quần sọt), hay sao giờ này bà chưa nấu rice (nấu cơm)… Chán đến nỗi, mỗi lần ông Thành ngồi lại là bà liền ra nhà sau, hoặc dắt đứa cháu nội sang nhà hàng xóm chơi để tránh bị ông “tra tấn”.
Mỗi đêm trước khi đi ngủ, ông Thành thường nhắn tin cho cô giáo để hỏi bài. Nhiều khi nửa đêm, điện thoại của ông cũng “tính tình tang…” khiến cả nhà mất ngủ. Thấy ông có nhiều biểu hiện khác thường, lúc ông đi tưới cây, bà lẻn vào phòng lấy điện thoại của ông xem. Không hiểu gì vì thứ ngôn ngữ nửa Tây nửa ta, bà đem cho đứa con trai dịch thì phát hiện những tin nhắn với những nội dung yêu đương rất tình tứ. Đại loại như: “What are you doing?, I miss you…”. Người vợ hiền chung sống bao năm nổi cơn ghen đến phát cuồng và “huy động” con cái, dâu rể về chứng kiến việc làm tày trời của ông. Phải vất vả lắm mới mời được cô giáo về nhà giải thích, ông cũng đã được giải oan thế nhưng hễ mỗi lần điện thoại ông có tin nhắn thì y như rằng bà giật máy đọc trước. Thì ra đó là những câu hỏi bằng tiếng Việt của ông được cô giáo rất nhiệt tình trả lời lại bằng tiếng Anh khiến mọi người hiểu lầm. Ông kể chuyện cũ mà không giấu được sự tức cười. Còn bác Dũng lúc trước đi học ở trung tâm Anh ngữ nhưng vì vợ ông có máu hoạn thư, sợ ông bỏ học đi theo bà nào nên thuê thầy giáo về dạy tại nhà để dễ… quản lý.
Chuyện các bác, các cụ học tiếng Anh ai nấy cũng nể phục, song có không ít người chỉ được vài chữ lót dạ mà lại thích “đu dây”, nói chuyện chêm vào nhiều từ tiếng Anh với giọng ngọng ngịu, ngữ điệu loạn xạ lên cứ như “gà mắc tóc” khiến người đối diện rất khó chịu.
Tuy An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)