Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

U nang buồng trứng tuổi dậy thì

Tạp Chí Giáo Dục

Cho đến thời điểm này, nhiều người vẫn cho rằng bệnh u nang buồng trứng chỉ xảy ra với phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, đã lập gia đình. Tuy nhiên, thực tế các bé gái ở tuổi dậy thì do có sự thay đổi về hormone sinh dục nên cũng là đối tượng dễ gặp phải căn bệnh này.

Hình minh họa về khối u nang buồng trứng

Những dấu hiệu cần biết

Đến nay, nguyên nhân gây u buồng trứng ở trẻ dậy thì vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, theo các bác sĩ Khoa Sản ĐH Y dược TP.HCM, bệnh có thể do tế bào mầm và xuất hiện trong giai đoạn buồng trứng đang phát triển. Theo đó, bé gái từ 1 đến 3 tuổi đã có thể mắc bệnh do tế bào mầm (nhưng dễ điều trị hơn so với người lớn), trẻ từ 6 tuổi trở lên thường là u nang. Loại này phát triển âm thầm, khó phát hiện, không thể điều trị bằng thuốc mà phải phẫu thuật.

Bé Nguyệt An, hiện là học sinh lớp 9 (ngụ quận 12, TP.HCM), không có biểu hiện đau đớn, chỉ thấy bị tê chân, tay, tê nửa người và khó thở. Em nhập viện ở một bệnh viện địa phương và được chẩn đoán là tụt canxi. Tuy nhiên, khi thấy các dấu hiệu không thuyên giảm nên cha mẹ em đã xin chuyển viện đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Kết quả siêu âm phát hiện em bị u nang buồng trứng và đã bị xuất huyết. May mắn em đã được mổ cấp cứu kịp thời.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, phụ huynh của Nguyệt An nói rằng ông cứ nghĩ “chỉ phụ nữ đã có gia đình hoặc đã lớn tuổi mới có nguy cơ mắc u nang buồng trứng, còn con gái tôi còn nhỏ thì làm sao bị bệnh này được”. Theo lời anh Cường, trong Khoa Ung bướu của Bệnh viện Nhi đồng 2 còn có nhiều bệnh nhi mới chỉ 3 tuổi, 4 tuổi cũng bị u nang buồng trứng. Trong đó có trường hợp bé 7 tuổi bị khối u ác tính nặng 6 gram nên phải hóa trị khiến bé rụng hết tóc.

Một trường hợp khác là em T.T, 13 tuổi. T. được người nhà cho nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 với các triệu chứng đau đột ngột ở vùng bụng dưới, nôn và sốt nhẹ. Theo chẩn đoán của bác sĩ, T. bị u nang buồng trứng bên phải có kích thước khá to, bị xoắn 3 vòng và bị hoại tử. Do đó, bác sĩ đã tiến hành mổ nội soi cấp cứu.

Cần điều trị kịp thời

Bác sĩ Trương Anh Mậu, Khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, một bé gái bình thường có 2 buồng trứng nằm 2 bên tử cung (dạ con). U nang buồng trứng là từ dùng để chỉ một khối phát triển bất thường ở buồng trứng. Đó là các túi chứa đầy dịch ở trong hoặc trên bề mặt buồng trứng, khi to đến một kích thước nhất định thì gây ra tình trạng như chèn ép gây đau hoặc khó tiểu, xoắn cuốn nang. Trong đó có một số trường hợp u nang buồng trứng phát triển rất lớn hoặc phát hiện trễ sẽ gây xuất huyết, xoắn hoặc vỡ gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

Bác sĩ Mậu lưu ý, các bé gái ở tuổi dậy thì do có sự thay đổi về hormone sinh dục nên dễ bị nang buồng trứng xoắn. Tuy nhiên, khi chưa có biến chứng, u nang buồng trứng thường có các triệu chứng như kinh nguyệt không đều, đau vùng bụng dưới âm ỉ hoặc từng cơn, chướng bụng, đầy hơi. Tuy nhiên, một số trường hợp u nang quá to gây chèn ép bọng đái làm cho trẻ tiểu khó, chèn ép trực tràng làm cho trẻ bị tiêu bón hoặc chèn ép tĩnh mạch khiến trẻ bị phù hai chi dưới… 

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, bác sĩ Mậu khuyến cáo, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay khi thấy các triệu chứng như đau bụng dữ dội liên tục, đau co thắt vùng bụng dưới, kèm theo sốt và nôn, đôi khi có thể choáng vì đau, hoặc khi thấy bụng to bất thường, sờ thấy có một khối ở vùng bụng kèm đau.

Theo các chuyên gia y tế, đa phần các u nang cơ năng là lành tính và thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu để xảy ra biến chứng vỡ khối u gây chảy máu cấp, hoặc cuốn nang bị xoắn gây vỡ khối u thì rất dễ tử vong. Do đó, điểm đặc biệt cần lưu ý là phụ huynh cần lưu tâm phát hiện sớm, đưa trẻ nhập viện kịp thời, sẽ giúp cho việc điều trị dễ dàng hơn và quan trọng hơn cả là để bảo vệ khả năng làm mẹ của trẻ sau này.

Bài, ảnh: Bích Vân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)