Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

U40 học vỡ lòng

Tạp Chí Giáo Dục

Đa phần trong số họ đều đã bước qua tuổi 40, những con chữ vỡ lòng lẽ ra phải viết từ năm lên 6 tuổi thì bây giờ họ mới bắt đầu. Dù nắng hay mưa, dù trải qua một ngày nông nhàn hay mệt nhọc rã rời, họ vẫn đều đặn đến lớp. Với họ: “Không chi sướng bằng tự tay mình viết được cái tên mình”…

Lớp học tình nghĩa ở Khu dân cư văn hóa Kim Liên

Con chữ nơi triền chân sóng

“Sau giờ tan lớp tui lại về nhà cùng con làm bài tập, cái cảm giác được đến trường vẫn cứ hân hoan như con trẻ”, bà Hòa trải lòng.

7 giờ tối, khi mọi người trở về quây quần bên mâm cơm ấm cúng thì có một lớp học ở Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) lại bắt đầu một buổi học. Đôi tay run run, nắn nót viết từng con chữ trên trang giấy kẻ ô li, chị Nguyễn Thị Hòa (48 tuổi), bộc bạch: “Tui theo lớp hơn một năm rồi, chưa nghỉ buổi nào. Hồi nhỏ, điều kiện kinh tế khó khăn nên không được đi học. Trưởng thành thì lo toan kiếm sống, suốt ngày sấp ngửa với mớ cá mớ tôm ngoài bãi biển. Đôi khi lên phường làm giấy tờ, chỉ biết nhờ vả con cháu viết hộ rồi đưa tay điểm chỉ vào. Những lúc như vậy buồn lắm. Giờ dù đã lớn tuổi nhưng vẫn muốn tỏ con chữ để có thể tự viết gì mình muốn”. Ngồi cạnh bà Hòa, anh Nguyễn Cửu Hiền cho biết: “Mỗi tháng thấy đồng nghiệp cầm bút kí tên trên bảng lương, tui ao ước giá như mình cũng biết đọc, biết viết, thay vì nhờ đồng nghiệp kí hộ hoặc điểm chỉ. Có nhiều bữa, người ta hỏi đường nhưng tui không biết chỉ thế nào vì có biết chữ đâu mà đọc bảng tên đường. Chừ thì biết hết rồi. Nhờ các thầy cô giáo tận tình chỉ dẫn, không chỉ đọc chữ mà tui còn làm được các phép tính nữa”. Anh Hiền là công nhân công ty phân bón. Một ngày làm việc của anh thường kéo dài tới 12 giờ đồng hồ. Nhưng nghe có mở lớp học, anh vẫn cố gắng thu xếp thời gian để đến lớp. “Thường thì tan ca, tui chạy về nhà tắm rửa, ăn vội bát cơm vợ để sẵn rồi tới lớp. Cũng có hôm tan ca muộn, tui tới thẳng lớp học trong trang phục áo quần công nhân luôn. Kể ra mình lớn rồi mà đi học vỡ lòng thì cũng ngại lắm, nhưng nếu không biết chữ thì còn ngại hơn!”, anh Hiền chia sẻ. Lớp học đặc biệt ấy còn có cậu học trò 13 tuổi. Em tên Lê Văn Phương. Nhà Phương đông anh em, hộ nghèo. Bố bệnh nằm một chỗ, gánh nặng mưu sinh dồn lên vai mẹ Phương với nghề bán cá ở chợ. Phương gánh cái thiệt thòi không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Được đến lớp, em rất vui: “Bây giờ em biết đọc, biết viết rồi, không còn bị các bạn trong xóm trêu đùa nữa”, Phương nói.

Lớp tình thương có 12 học sinh, phần lớn đều đã trên 40 tuổi, học trong căn phòng rộng khoảng 20m2. Bất kể mưa hay nắng, lớp học vẫn luôn vang tiếng học bài vào mỗi tối hai, tư, sáu trong tuần. Học viên đến lớp thuộc nhiều lứa tuổi, làm nhiều công việc khác nhau nhưng gặp nhau ở điểm chung đó là cuộc sống thường nhật của họ đều rất vất vả và khát vọng học chữ. Đa số họ đôi tay tuy không còn dẻo dai như thời lên 6, những con chữ vắt kiệt lực từ năm đầu ngón tay vẫn xiêu vẹo khó thẳng hàng nhưng gương mặt ai nấy đều phấn khởi sau mỗi bài tập hoàn thành. “Sau giờ tan lớp tui lại về nhà cùng con làm bài tập, cái cảm giác được đến trường vẫn cứ hân hoan như con trẻ”, bà Hòa trải lòng.

Thắm tình quân dân

Vẫn còn nhiều lắm những khó khăn, thử thách trên con đường gieo chữ nhưng khát vọng của những người dân nghèo khó đang dần thành hiện thực. Câu chuyện mù chữ nơi triền chân sóng này đang dần lùi vào dĩ vãng!

Lớp học tình nghĩa Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên do Đồn Biên phòng Hải Vân, Trung tâm GDTX KTTH&DN quận Liên Chiểu phối hợp với UBND phường Hòa Hiệp Bắc tổ chức từ tháng 9-2014. Lớp do Trung úy Doãn Hồng Quang (Đồn Biên phòng Hải Vân) và cô giáo Lê Thị Kim Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (Liên Chiểu) phụ trách. Anh Quang chia sẻ: “Mình gắn bó với lớp từ những ngày đầu khi kế hoạch mở lớp tình thương triển khai. Ban đầu đến từng nhà vận động, nhiều bà con tỏ ra ái ngại. Phần vì khó sắp xếp thời gian, phần khác vì đã lớn rồi, con cháu đã học qua nhiều lớp rồi mà ba mẹ, ông bà mới bắt đầu học lớp 1 thì ngại với các cháu. Nhưng sau khi nghe vận động, bà con rất vui vẻ đến lớp. Vui nhất là ai cũng ham học và rất cởi mở trong chia sẻ bài học với giáo viên”. Dù lớp học tổ chức vào ban đêm, các giáo viên phụ trách đã phải làm việc suốt cả ngày ở đơn vị mình nhưng ai cũng nhiệt tình với lớp học. Cô Hoa kể: “Nhà mình ở cách điểm dạy hơn 20 cây số. Ban ngày lên trường vất vả lắm cộng thêm với tối phải lên lớp học cho bà con mất nhiều thời gian, quỹ thời gian dành cho gia đình rất ít. Nhưng nhìn thấy bà con hăng say học chữ nên mình cũng cố gắng sắp xếp thời gian”. “Càng dạy càng gắn bó. Dù bà con không nhanh nhẹn trong việc học bằng các bạn trẻ nhưng sự nghiêm túc thì không hề kém. Nhiều bữa tới lớp, nhìn thấy bà con vẫn trong trang phục lao động tanh nồng mùi cá, chưa kịp ăn bữa tối mà thấy thương lắm. Cũng có hôm nghe tin mình bị ốm, bà con lại lật đật tìm về tận nhà thăm hỏi. Cảm động với tấm chân tình đó, nhiều lúc định xin nghỉ đứng lớp vì điều kiện khó khăn nhưng lại không đành”, cô Hoa trải lòng.

Nằm bên triền chân sóng, dưới chân đèo Hải Vân, cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân nơi đây khát khao nhiều thứ. Khát khao mãnh liệt nhất là khát chữ. “Điều ấy đã khiến mình gắn bó hơn với lớp học. Mình thực sự hạnh phúc khi biết rằng con chữ trên vùng khó này do chúng mình gieo bằng cả cái tâm đang đơm hoa kết trái”, anh Quang tâm tư. Nhìn những con chữ ngày càng vững dưới những đôi tay gân guốc, thấm thía hơn lời của người thầy quân hàm xanh.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)