Tư năm 2008, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE) được chuyển từ Ủy ban-Dân số&Gia đình (UB-DS&GĐ) sang Bộ LĐ-TB-XH phụ trách. Vấn đề công tác CSTE được quan tâm hơn, tuy vậy vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực để làm công tác BVCSTE ở các quận – huyện, phường – xã đang thiếu trầm trọng.
Trẻ em bị nhiễm HIV ngày càng tăng
Nhiều trẻ em để tuổi thơ qua đi với những ngày tháng mưu sinh ngoài xã hội |
Theo bà Hồ Thị Tuyết Nhung, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, hết tháng 3-2009, toàn TP có khoảng hơn 1.000 trẻ em bị nhiễm HIV được đưa vào chăm sóc tại các cơ sở y tế. Bà Mai Thị Có, bà ngoại cháu T. (bị nhiễm HIV đang sống tại Q. Gò Vấp): “Nếu không được Phòng LĐ-TB-XH quan tâm thì cháu tôi chắc không qua được căn bệnh thế kỷ cách đây hơn hai năm, hiện nay cháu được uống thuốc miễn phí, khám chữa bệnh hàng tháng”. Cũng như cháu T, mẹ con chị Nguyễn Trương Bích Thủy (Q.Thủ Đức) không giấu được vẻ xúc động: mẹ con tôi mắc bệnh HIV đã vào giai đoạn cuối, cháu nhà tôi cũng bị ảnh hưởng, nhưng khi được Phòng LĐ-TB-XH quan tâm, cho uống thuốc miễn phí tôi và con tôi đã khỏe mạnh trở lại.
Ông Nguyễn Quang Thọ, Tổng biên tập Báo Yêu Trẻ nêu khó khăn: Nhiều trẻ em chưa được chăm sóc một cách tốt, đáng lưu ý là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hay trẻ em bị nhiễm HIV vẫn còn nhiều việc phải làm. Việc BVCSTE không nên giao hết cho ngành GD, nếu ngành LĐ-TB-XH có chức năng, nhiệm vụ sâu hơn trẻ em sẽ bớt khổ hơn. Đồng quan điểm trên bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh cho biết: “Tới thời điểm này quận có 300 em bị nhiễm, hay ảnh hưởng HIV, 60% trong số đó là con em gia đình thuộc diện nghèo. Công tác chăm sóc sức khỏe vị thành niên, hôn nhân gia đình đặc biệt là trẻ em bị nhiễm HIV vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Đặc biệt là khu công nhân các nhà trọ cuộc sống tạm bợ nên trẻ em các gia đình này không được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em. Công tác tuyên truyền vận động chưa sâu rộng dẫn đến tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích và bị xâm hại vẫn còn xảy ra nhiều. Nhiều trường hợp trẻ em nhiễm HIV bị bỏ rơi, xa lánh của xã hội”. Còn bà Tô Thị Kim Hoa, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận: Trẻ em bị nhiễm HIV ngày càng gia tăng, trong đó nhiều trường hợp bị mắc bệnh do truyền từ cha mẹ sang con. Chúng tôi đi khảo sát nhiều trường hợp rất thương tâm như trường hợp của một bé ở Q. Gò Vấp, cha mẹ chết vì nhiễm AIDS phải ở với bà ngoại, nhưng ở cơ sở vẫn không biết để chăm sóc cháu.
Thiếu nhân lực
Thực trạng hiện nay ở hầu hết các quận, huyện phần lớn nhân lực làm công tác BVCSTE đều kiêm nhiệm. Đại diện Phòng LĐ-TB-XH Q.2 chia sẻ: Với một địa bàn đông dân nhưng quận chỉ có một người, còn dưới phường, xã thì nơi có nơi không vì chưa có biên chế. Đồng quan điểm trên, bà Hồng Loan, Phó phòng LĐ-TB-XH Q. Thủ Đức cho rằng, khi công tác BVCSTE được sáp nhập vào ngành LĐ-TB-XH, thì chỉ có 1 cán bộ được chuyển về phụ trách công tác trẻ em tại Phòng. Còn ở cấp phường, đang chờ thông tư hướng dẫn của trung ương về việc bố trí, sắp xếp cán bộ. Do nhân lực bị hụt, cơ chế thì không có, mà công việc thì chất đống, nên việc yếu kém là khó tránh khỏi. Còn bà Nguyễn Thị Đào, UBND xã Tân Thới Nhì, Hóc Môn cho biết: việc BVCSTE ở địa phương rất khó khăn bởi không có người làm, phường đành phải mời cộng tác viên ở ngoài trả 600 ngàn đồng/tháng để phụ việc, nhưng cũng yếu về trình độ chuyên môn, không có kinh nghiệm. Nhiều phường xã khác cũng nằm trong tình trạng chắp vá như vậy.
Văn Mạnh
Bình luận (0)