Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

UBND tỉnh Quảng Ngãi: Phê duyệt 2 đề án phát triển giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường mẫu giáo bán công sẽ hết khó khăn khi chuyển sang công lập

Sở GD-ĐT Quảng Ngãi đã trình lên UBND tỉnh 2 đề án giáo dục, bao gồm đề án chuyển đổi các trường mầm non bán công sang loại hình công lập và chính sách hỗ trợ đối với học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết. Trước nhu cầu cấp thiết trong việc phát triển giáo dục tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt và sẽ trình HĐND tỉnh vào giữa tháng 12-2009.
Chuyển đổi 120 trường mầm non bán công sang công lập
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 187 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 67 trường mầm non công lập, còn lại là bán công. Thực hiện đề án này căn cứ vào Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT ngày 8 tháng 5 năm 2009 của Bộ GD-ĐT về trình tự thủ tục chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Việc chuyển đổi sang công lập hàng loạt trường, dựa trên nhiều mục tiêu mà tỉnh Quảng Ngãi đề ra như đảm bảo đủ các trường công lập đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục đối với mẫu giáo 5 tuổi, đáp ứng nguyện vọng của người học và tranh thủ sự đầu tư của xã hội cho giáo dục; tiếp tục gia tăng ngân sách đầu tư hàng năm, đảm bảo yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngang tầm với giai đoạn mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng kế hoạch chuyển đổi để không còn loại hình trường bán công ở giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục đặt ra.
Trong những năm qua, giáo dục mầm non bán công ở tỉnh Quảng Ngãi đã gặp nhiều khó khăn. Nhất là sự đầu tư về cơ sở vật chất rất hạn hẹp cho nên kế hoạch phát triển mô hình trường đạt chuẩn quốc gia trở nên bế tắc. Bên cạnh đó đời sống nhân dân còn nghèo, kéo theo đời sống giáo viên mầm non không ổn định. Toàn tỉnh có đến 6 huyện nghèo nằm trong chương trình đề án 30a của Chính phủ. Vì vậy, giải pháp chuyển sang công lập được xem là tối ưu nhất, phù hợp với khả năng kinh tế tại các địa phương nghèo.
Kế hoạch chuyển đổi theo đề án với 2 giai đoạn. Năm 2010 tiến hành chuyển đổi nguyên trạng tất cả các trường mầm non và mẫu giáo bán công sang loại hình trường công lập. Từ năm học 2010-2011 thực hiện chi trả lương và các khoản khác theo đúng chế độ hiện hành của Nhà nước.
Chính sách hỗ trợ cho học sinh lớp chuyên
Hiện nay, địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ có duy nhất một trường chuyên là Trường THPT chuyên Lê Khiết. Nhiều năm qua, lượng học sinh của trường này có tỉ lệ đỗ đạt đại học, học sinh giỏi quốc gia và đa phần học sinh đến từ nhiều huyện khác nhau.
Nỗi trăn trở của những học sinh xa nhà, xa mái ấm gia đình bộn bề chuyện nhà ở, chi phí học tập, chi phí sách vở,… nhưng vẫn học tập tốt. Ngành giáo dục Quảng Ngãi nhận thấy cần phải chắp cánh ước mơ cho học sinh, với đề án hỗ trợ cho học sinh trường chuyên, sẽ giảm tải bớt gánh nặng kinh tế gia đình khi có con học xa nhà. Qua đó, đề án quy định hỗ trợ học phẩm cho học sinh chuyên bằng 25% mức lương tối thiểu hiện hành mỗi năm. Được miễn phí sử dụng tài liệu, sách giáo khoa, dịch vụ internet, trang thiết bị học tập, các nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Xét cấp học bổng khuyến khích tài năng theo kết quả học tập và rèn luyện; với mức học bổng bằng 30% mức lương tối thiểu trên 1 tháng cho học sinh được xếp loại giỏi, ưu tiên từ cao đến thấp nhưng không quá 35% tổng số học sinh chuyên toàn trường; số tiền học bổng được cấp theo học kỳ. Đối với số học sinh ngoài địa bàn thành phố Quảng Ngãi, được sắp xếp ở ký túc xá miễn phí.
Với 2 đề án trên mà UBND tỉnh phê duyệt, sẽ là bước tiến mới trong sự nghiệp giáo dục đào tạo ở Quảng Ngãi. Nó vừa đảm bảo kế hoạch giữ chuẩn phổ cập giáo dục mà Bộ GD-ĐT đã công nhận, vừa phát huy chế độ chính sách, khuyến học khuyến tài cho nhân tài đất Quảng. Tuy nhiên, còn phải chờ vào sự nhất trí của HĐND tỉnh thông qua.
Bài, ảnh: Hồng Vương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)