UBND TP.HCM vừa chính thức ban hành Quyết định số 133/2024 về việc bãi bỏ Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND ngày 18-3-2022 của UBND TP ban hành quy định về tiêu chí công nhận trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” tại TP.HCM.
Theo đó, Quyết định số 133/2024 của UBND TP.HCM bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND ngày 18-3-2022 của UBND TP.HCM ban hành quy định về tiêu chí công nhận trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” tại TP.HCM. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 10-1-2025.
Như vậy, kể từ ngày 10-1-2025, TP.HCM chính thức không còn tên gọi “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” trong hệ thống giáo dục của TP.
Vì sao UBND TP.HCM bãi bỏ?
Ngày 2-10-2024, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp ban hành Kết luận số 77/KL-KTrVB về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo địa bàn tại TP.HCM. Theo đó, có nội dung kết luận kiểm tra như sau:
“Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND quy định về tiêu chí công nhận trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” tại TP.HCM từ cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT (Điều 4, 5, 6); quy định quy trình đánh giá trường tiên tiến, hội nhập quốc tế (Điều 7); quy định về chấp thuận, công nhận, công nhận lại (Điều 13); quy định việc hỗ trợ triển khai trường tiên tiến, hội nhập quốc tế (Điều 12, 13). Theo đó, UBND TP đã ban hành chính sách về “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, thủ tục, hỗ trợ việc triển khai trường tiên tiến, hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, qua rà soát các văn bản được sử dụng làm căn cứ ban hành Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND cho thấy, không có văn bản nào có nội dung quy định về “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, không có quy định giao UBND cấp tỉnh quy định về nội dung này. Đồng thời, theo quy định tại luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì UBND cấp tỉnh không có thẩm quyền ban hành chính sách (Điều 28); việc quy định thủ tục hành chính trong quyết định của UBND là hành vi bị nghiêm cấm (Điều 4).
Vì vậy, việc Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND quy định về “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, quy định việc hỗ trợ triển khai và thủ tục công nhận là không có cơ sở pháp lý, không phù hợp về thẩm quyền quy định”.
Ngoài ra, tại điểm 3.3 Kết luận số 77/KL-KTrVB ngày 2-10-2024 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp có nêu: “Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp kiến nghị UBND TP.HCM: Đối với các văn bản do UBND TP ban hành đã được đoàn kiểm tra nêu tại Mục I, II phụ lục kèm theo kết luận này, đề nghị khẩn trương tổ chức việc tự kiểm tra, xử lý theo đúng quy định, đánh giá hậu quả, tác hại do văn bản trái pháp luật nêu ra.
Sở GD-ĐT TP.HCM khắc phục như thế nào?
Trong tờ trình trình UBND TP.HCM của Sở GD-ĐT TP.HCM về quyết định bãi bỏ Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND ngày 18-3-2022 của UBND TP.HCM ban hành quy định về tiêu chí công nhận trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” tại TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM thẳng thắn:
Mặc dù Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND quy định về “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, quy định việc hỗ trợ triển khai và thủ tục công nhận là không có cơ sở pháp lý, không phù hợp về thẩm quyền quy định, nhưng thực tế quyết định này góp phần đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công, đẩy mạnh cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP và tạo điều kiện để một số cơ sở giáo dục có điều kiện trở thành nhân tố tiên phong trong quá trình xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại.
Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, tính đến nay, ngành GD-ĐT TP đã có 66 trường thực hiện chương trình chất lượng cao (mầm non: 28 trường; tiểu học: 18 trường; THCS: 15 trường; THPT: 5 trường). Trong đó có 39 trường đã được UBND TP.HCM công nhận đạt (mầm non: 16 trường; tiểu học: 12 trường; THCS: 8 trường; THPT: 3 trường).
Việc tổ chức để các trường thực hiện chương trình chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập quốc tế tại TP.HCM là nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo thực hiện ngoài giờ chính khóa trong kế hoạch 2 buổi/ngày để hỗ trợ học sinh học tập, tự học, học theo hướng dẫn của giáo viên; tổ chức các giải pháp giúp học sinh đáp ứng yêu các mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình; bên cạnh đó giúp cho hoạt động hướng nghiệp, tìm hiểu hoạt động nghề nghiệp, trải nghiệm thực tế nhằm tăng tính hiệu quả cho hoạt động chính khóa; bổ sung các giải pháp nhằm giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao… theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phát triển năng khiếu cá nhân; tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP và cho cả nước.
Do đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, việc bãi bỏ Quyết định số 07 không những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quyền và lợi ích chính đáng của học sinh mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 trên địa bàn TP.
Song cho biết trong thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ căn cứ vào định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành và Nghị định số 84/2024/NĐ-CP ngày 10-7-2024 của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM để tiếp tục tham mưu UBND TP ban hành Bộ tiêu chuẩn Trường thực hiện chương trình chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập quốc tế tại TP.HCM.
Vì sao TP.HCM có trường tiên tiến, hội nhập quốc tế? Ngày 20-6-2014 Sở GD-ĐT TP.HCM đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 3036/QĐ-UBND về tiêu chí trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại TP.HCM nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về giao cho TP.HCM triển khai thí điểm các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Năm học 2015-2026, TP.HCM thí điểm tại 3 trường THPT là Lê Quý Đôn, Nguyễn Du và Nguyễn Hiền. Đến năm học 2019-2020, toàn TP đã có 40 trường mầm non và phổ thông công lập triển khai thực hiện Đề án xây dựng mô hình “Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại TP.HCM”, nhiều đơn vị cũng đề xuất mở rộng mô hình. Tuy nhiên, nhận thấy các tiêu chí được quy định trong Quyết định số 3036/QĐ-UBND đã không còn phù hợp với thực tiễn. Sở GD-ĐT TP.HCM tham mưu, trình UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND ngày 18-3-2022 của UBND TP.HCM ban hành quy định về tiêu chí công nhận trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”. Mức học phí của trường thực hiện mô hình hiện tại là trên 1,7 triệu đồng/học sinh/tháng. |
Yến Hoa
Bình luận (0)