Sự kiện giáo dục

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét bổ sung biên chế giáo viên cho TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương quan tâm, bổ sung biên chế giáo viên trên cơ sở quy định về định mức, đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục và đào tạo TP, trên cơ sở nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2024-2025.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2024-2025

Kiến nghị được UBND TP.HCM nêu ra trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ về nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2024-2025.

Theo báo cáo, UBND TP.HCM cho biết, năm học 2024-2025, TP.HCM có 1.383 trường công lập từ mầm non đến THPT, với tổng số 1.505.809 học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT học tại các trường công lập trên địa bàn TP.

Với quy mô trường, lớp và sĩ số học sinh như trên, UBND TP.HCM thông tin, kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục năm học 2024-2025 là 86.738 người.

UBND TP.HCM cho hay, trên cơ sở quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT ngày 30-10-2023 hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30-10-2023 hướng dẫn về vị trí việc làm cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập theo định mức quy định, nhu cầu giáo viên theo định mức là rất lớn.

Tuy nhiên trước chủ trương tinh giản biên chế của Bộ Chính trị và mục tiêu của ngành, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương quan tâm, bổ sung biên chế giáo viên trên cơ sở quy định về định mức, đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục và đào tạo để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tại TP.HCM hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ em tại TP trên cơ sở nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2024-2025.

Đồng thời, UBND TP cũng kiến nghị Bộ Nội vụ sớm có hướng dẫn thống nhất về vị trí việc làm “y tế học đường”, “công nghệ thông tin” tại các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục; kiến nghị Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD-ĐT để bổ sung vị trí việc làm “công nghệ thông tin” vào danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để đảm bảo thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị ngành giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện để đội ngũ viên chức yên tâm công tác và phát triển chuyên môn nghiệp vụ.

“Cắt giảm biên chế hàng năm ảnh hưởng rất lớn đến ngành giáo dục TP.HCM”

Trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ, UBND TP.HCM đã thẳng thắn nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc của TP đối với các vị trí việc làm “y tế học đường”, “công nghệ thông tin” cũng như công tác tuyển dụng của TP. Cụ thể:

Đối với vị trí việc làm “y tế học đường”, UBND TP.HCM cho hay, tại Công văn số 7583/BNV-TCBC ngày 23-12-2023 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng đề án và phê duyệt vị trí việc làm, trong đó hướng dẫn xác định vị trí việc làm “y tế học đường” thuộc nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung, tuy nhiên Bộ Nội vụ chưa hướng dẫn định mức số lượng người làm việc tại vị trí này nên khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục trong việc xác định số lượng cũng như hạng chức danh nghề nghiệp đối với vị trí việc làm “y tế học đường” dẫn đến khó khăn trong việc phân bổ biên chế và sắp xếp theo vị trí việc làm đối với nhân sự đang là viên chức vị trí việc làm “y tế học đường”.

Theo UBND TP, cắt giảm biên chế hàng năm hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến ngành giáo dục

Riêng với vị trí việc làm “công nghệ thông tin”, theo UBND TP.HCM, quy định tại Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30-10-2023 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập không còn quy định vị trí việc làm “công nghệ thông tin” so với thông tư trước đó (Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12-7-2017 hết hiệu lực từ ngày 16-12-2023, thay thế bởi Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT). Do đó, hiện nay khi đề án vị trí việc làm của đơn vị đã được phê duyệt không còn vị trí việc làm “công nghệ thông tin” tại các trường tiểu học, THCS đã gây nhiều khó khăn cho đơn vị trong việc sắp xếp, bố trí việc làm phù hợp cho viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp về “công nghệ thông tin”, cũng như phân bổ số lượng người làm việc liên quan đến chức danh này.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây Chính phủ và UBND TP.HCM đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính, số hóa, chuyển đổi số tại các tổ chức hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập, do đó UBND TP cho rằng cần thiết giữ lại vị trí việc làm “công nghệ thông tin” để phục vụ cho đơn vị đảm bảo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động cung cấp dịch vụ công thiết yếu của đơn vị sự nghiệp lĩnh vực giáo dục.

Về công tác tuyển dụng hiện nay, UBND TP.HCM đánh giá, theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 115 quy định về tuyển dụng viên chức không quy định điều kiện về thời gian công tác tối thiểu khi trúng tuyển tại đơn vị tuyển dụng. Điều này dẫn đến thực trạng trong thời gian qua, sau khi tuyển dụng và có quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức chủ yếu là lĩnh vực giáo dục và đào tạo, không ít viên chức chuyển công tác sau khi được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp một thời gian ngắn vì nhiều lý do, trong đó phổ biến là mong muốn chuyển công tác gần nhà, ảnh hưởng đến số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp; gây lãng phí về thời gian và kinh phí cho đơn vị tuyển dụng; ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị sự nghiệp.

Bên cạnh đó, theo UBND TP, hiện nay các quy định về quản lý viên chức không quy định trình tự thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với viên chức, do đó trong thời gian qua việc thực hiện thủ tục chuyển công tác đối với viên chức nói chung, chuyển công tác đối với giáo viên nói riêng chưa đảm bảo thống nhất, dẫn đến nhiều khó khăn cho các đơn vị của TP trong việc phối hợp chuyển công tác viên chức trên địa bàn TP.

Đặc biệt, UBND TP cho hay, hiện nay, các cơ sở giáo dục không đủ nguồn thu để chi trả cho số lượng giáo viên để đáp ứng được nhu cầu và định mức giáo viên theo quy định, nhất là đối với các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP nên dẫn đến rất nhiều khó khăn trong vấn đề tăng cường tỷ lệ mức độ tự chủ của các cơ sở giáo dục. Việc cắt giảm biên chế hàng năm theo quy định hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến ngành giáo dục và đào tạo của TP.HCM do đặc thù ngành vẫn còn giới hạn về nguồn thu (thu học phí) theo quy định.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)