Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

UBND TP.HCM yêu cầu không tổ chức xét nghiệm cả lớp khi có học sinh F0

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên (hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn) cho những trường hợp học sinh và giáo viên có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 (nếu có) của lớp có F0 là một trong những điều chỉnh về quy trình xử lý F0, F1 vừa được UBND TP.HCM ban hành.


UBND TP.HCM yêu cầu không tổ chức xét nghiệm cả lớp khi xuất hiện F0 trong lớp

UBND TP cũng quy định, F1 chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính là được đến trường…

UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Sở GD-ĐT, Sở Y tế và UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức về việc điều chỉnh một số nội dung trong Công văn số 548/UBND-VX ngày 22-2 của UBND TP.HCM.

Theo đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh là F1 đi học trở lại sau khi hoàn thành cách ly y tế tại nhà theo quy định, UBND TP thống nhất điều chỉnh một số nội dung quy định tại Bước 3 trong quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp F0 tại cơ sở giáo dục, cụ thể:

Về việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên đối với toàn bộ F1, học sinh và giáo viên của lớp có F0: “Trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế phối hợp cơ sở giáo dục tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp (mẫu gộp không quá 3 người) cho toàn bộ F1, học sinh và giáo viên của lớp có F0, nếu mẫu gộp dương tính thì tiến hành giải gộp ngay bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên…”.

Nay UBND TP điều chỉnh thành: “Trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế phối hợp với cơ sở giáo dục tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên (hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn) cho những trường hợp học sinh và giáo viên có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 (nếu có) của lớp có F0”.

Về việc xét nghiệm đối với trường hợp F1 sau khi hoàn thành cách ly y tế tại nhà theo quy định: “…nhân viên y tế của cơ sở y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế của cơ sở y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa…”.

Nay UBND TP điều chỉnh thành: “Phụ huynh tự thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho học sinh tại nhà vào ngày thứ 5 nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, hoặc ngày thứ 7 nếu chưa tiêm đủ liều vắc xin; thông báo kết quả cho giáo viên chủ nhiệm lớp bằng cách gửi hình ảnh kết quả xét nghiệm (qua email/zalo/viber/tin nhắn…). Trường hợp phụ huynh không có điều kiện thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho học sinh tại nhà, phụ huynh có thể đưa học sinh đến trạm y tế để nhân viên y tế thực hiện, phụ huynh hoặc nhân viên trạm y tế thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm theo cách thức như trên. Kết quả xét nghiệm âm tính gửi đến giáo viên chủ nhiệm được xem như đủ điều kiện cho học sinh quay trở lại trường học…”.

Về theo dõi sức khỏe của học sinh cùng lớp có F0: “Cơ sở giáo dục phải lập danh sách học sinh mắc bệnh nền (học cùng lớp) để theo dõi sát sức khỏe học sinh trong vòng 10 ngày”.

Nay được UBND TP điều chỉnh thành: “Cơ sở giáo dục phải lập danh sách học sinh thuộc nhóm nguy cơ (béo phì, mắc các bệnh mãn tính, bệnh lý bẩm sinh… được ban hành kèm theo Quyết định 5525/QĐ-BYT ngày 1-12-2021 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARC- CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị) để theo dõi sát sức khỏe trong vòng 10 ngày”.

UBND TP đề nghị Sở GD-ĐT hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở giáo dục thực hiện đúng tinh thần, không được yêu cầu phụ huynh học sinh thực hiện các xét nghiệm không cần thiết như yêu cầu xét nghiệm định kỳ hàng tuần, xét nghiệm RT-PCR để khẳng định âm tính.

Đồng thời chủ động phối hợp với Sở Y tế, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra thực hịện các biện pháp, quy định về phòng chống dịch và quy trình xử trí khi có F0 trong trường học.

Yến Hoa

Bình luận (0)