Uganđa mở ra nhiều chương trình khuyến học nâng cao trình độ dân trí nhưng cũng phải có chương trình khuyến hành (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
|
Ở Tuynidi, Tổng thống Ben Ali bị nhân dân lật đổ sau 23 năm cầm quyền. Ở Uganđa, Tổng thống Yoweri Museveni cũng bị truất phế sau 24 năm trị vì.
Mỗi ông một hoàn cảnh nhưng có một điểm chung giống nhau: hai ông đều đào tạo ra quá nhiều “người tốt nghiệp nhưng thất nghiệp”, là một lực lượng đáng kể góp phần lật đổ các ông.
Theo thống kê, gần 50% người Tuynidi từ 20 đến 45 tuổi đã học đại học, một tỷ lệ phần trăm cao nhất ở Lục địa đen. Tỷ lệ đăng ký vào các trường là 92%, cũng là con số đáng nể của châu Phi. Những người có bằng thạc sĩ hay kỹ thuật viên cao cấp chiếm 90% số người Tuynidi tốt nghiệp đại học, đó lại là một kỷ lục nữa. Đa số những người đó đều tốt nghiệp dưới thời Ben Ali. Vậy thì tại sao có đến 46% người tốt nghiệp bị thất nghiệp suốt 18 tháng sau khi có bằng? Số thanh niên thất nghiệp từ 20 đến 30 tuổi chiếm 30%? Tình trạng thất nghiệp này lan sang số các thạc sĩ và kỹ thuật viên cao cấp? Và chính lực lượng có trình độ này đã đứng lên lật đổ chế độ đã đào tạo mình. Thật là một sự “trái khoáy”, nhưng đó là sự thật.
Một tình trạng tương tự đang diễn ra ở Uganđa. Dù còn nhiều khó khăn, chương trình “Giáo dục tiểu học cho mọi người” và sau đó là “Giáo dục trung học cho mọi người” (gọi chung là chương trình khuyến học) đem lại cho mọi công dân những cơ hội thăng tiến xã hội. Về điểm này những người lật đổ ông Yoweri Musevenitỏ ra không công bằng. Nhưng đó là chuyện khác.
Theo một báo cáo năm 2008 của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở Uganđa lớn nhất thế giới. Trong độ tuổi từ 15 đến 24, tỷ lệ đó là 83%. Từ đó đến nay tỷ lệ đó không thay đổi chút nào.
Trong nội bộ Đảng cầm quyền, có những người tiến bộ tin vào phúc lợi xã hội và những cố gắng đem lại cho con em nhà nghèo khả năng đến trường. Nhưng cũng có những kẻ cơ hội lợi dụng chương trình khuyến học đầy tính nhân bản, hợp lòng dân này “hốt phiếu” cho Đảng cầm quyền, mà thực chất là để củng cố ghế của họ. Có thể nói Tổng thống Museveni được đắc cử trong những cuộc bầu cử năm 2001 và 2006 là nhờ những lá phiếu của đa số nhân dân hoan nghênh chương trình khuyến học của Đảng do ông Musevini lãnh đạo.
Tất nhiên không ai ngây thơ nghĩ rằng chương trình khuyến học trong một sớm một chiều tạo ra những nhân tài chấn hưng đất nước, nhưng rõ ràng chương trình đó đã mở ra trước mắt thế hệ trẻ Uganđa một chân trời mới đầy hứa hẹn. Học vấn đã giúp họ nhìn ra ngoài thế giới, một thế giới sôi động với nhiều điều mới lạ: máy vi tính, internet, mobilphone, vệ tinh nhân tạo… và biết bao nhiêu phát minh giúp con người lao động đỡ vất vả hơn, năng suất cao hơn, giao lưu rộng hơn, nhanh hơn… Chương trình khuyến học đã trang bị cho họ những kiến thức khoa học và kỹ năng lao động trong thời đại bùng nổ thông tin và tự động hóa, và quan trọng nhất là giúp họ tin vào khả năng của chính mình có thể tạo ra cho bản thân, gia đình, đất nước một cuộc sống văn minh, tự do. Họ không muốn trở về làng để trồng khoai Tây, nuôi dê, đem sản phẩm ra chợ bán, rồi xây dựng gia đình, nuôi con…, nghĩa là sống như cha ông đã sống từ bao đời nay trong xó làng. Họ muốn làm việc ở các thành phố, trong các cơ sở sản xuất công nông nghiệp, các phòng nghiên cứu, các trung tâm văn hóa, nghệ thuật, các cơ quan của bộ máy chính quyền để áp dụng những kiến thức mà “chương trình khuyến học” đã đem lại cho họ. Họ muốn được giao lưu với thế giới bên ngoài, đặc biệt là giới trẻ trên toàn thế giới, được đi đây đó để mở rộng tầm mắt. Nhưng thời gian chờ đợi mòn mỏi, nghe những lời hứa hẹn quá nhiều của chính quyền về công ăn việc làm, họ vẫn “ngồi chơi xơi nước”, trong khi một số rất ít “con ông cháu cha” được bố trí việc làm theo kiểu nhỏ giọt.
Ngoài ra, một hiện tượng “chướng tai gai mắt” trước mắt họ: Nhà nước mở ra rất nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhưng đa số vắng vẻ, trong khi cách đó 50 mét có người đau ốm, sinh con không ai chăm sóc, không thuốc men. Bọn tham nhũng vô lương tâm đã cướp hết của nhân dân quyền được hưởng phúc lợi do chính họ đóng góp. Do đó, họ quyết đứng lên cùng với nhân dân lập lại trật tự xã hội, mở một trang mới cho lịch sử đất nước trong công bằng, hiện đại, phồn vinh.
Mở ra nhiều chương trình khuyến học nhằm nâng cao trình độ dân trí, đào tạo những người có trình độ chuyên môn phục vụ trong những cơ sở công nông nghiệp hiện đại, trong công tác quản lý nhà nước, trong các cơ sở nghiên cứu khoa học, là một điều rất cần thiết, rất tốt. Nhưng, song song với chương trình khuyến học phải có “chương trình khuyến hành”, cụ thể là kế hoạch sử dụng và đãi ngộ thỏa đáng những người được đào tạo, theo khả năng và sự cống hiến của họ. Đào tạo mà không sử dụng, hoặc sử dụng không đúng do những tiêu cực của bộ máy chính quyền là một nguyên nhân trong những nguyên nhân gây bất ổn xã hội. Đó là một bài học cho những nước đang phát triển.
Phan Thanh Quang
(theo Courrier international)
Bình luận (0)