Theo dữ liệu của Ukraina, cho đến nay, khoảng 200 công ty nước ngoài đã rời khỏi thị trường Nga trong bối cảnh Mátxcơva bị phương Tây trừng phạt vì chiến dịch quân sự ở Ukraina, chiếm chưa đến 10% thương hiệu quốc tế kinh doanh tại nước này.
Nhà sản xuất đồ nội thất Swed House mở lại ở Nga.
RT đưa tin, Trường Kinh tế Kiev (KSE) khi thực hiện dự án "Rời khỏi nước Nga" đã tiến hành phân tích 3.157 công ty nước ngoài hoạt động tại thị trường Nga trước khi Mátxcơva bắt đầu hoạt động quân sự tại Ukraina.
Theo KSE, chỉ có 213 công ty trong số này đã thoái vốn khỏi Nga – quốc gia bị trừng phạt – trong năm qua, chiếm khoảng 6,7%. Khoảng 473 công ty đã công bố kế hoạch rời đi, nhưng vẫn chưa thực hiện. Hơn 2.400 công ty vẫn tiếp tục kinh doanh tại Nga, mặc dù khoảng một nửa trong số đó buộc phải cắt giảm hoạt động ở nhiều mức độ khác nhau.
Người đứng đầu dự án, Andrii Onopriienko, cảnh báo rằng các công ty khó rời khỏi thị trường Nga mà không bị thua lỗ.
“Có rất nhiều công ty không làm gì hoặc vẫn tiếp tục chờ đợi. Sau một năm chiến tranh, nhiều công ty sẽ mất cơ hội bán doanh nghiệp của mình và sẽ tiếp tục thua lỗ vì cuối cùng, những tài sản đó có thể bị quốc hữu hóa hoặc mua với giá rất rẻ” – tờ Washington Post dẫn lời ông Onopriienko nói.
Theo các quy định được chính phủ Nga đưa ra vào năm ngoái, các công ty muốn thoái vốn khỏi Nga trước tiên phải xin phép chính quyền nước này. Các biện pháp được đưa ra để bảo vệ nền kinh tế và người tiêu dùng Nga sau khi nhiều thương hiệu phương Tây tuyên bố ý định rời khỏi thị trường do các lệnh trừng phạt khiến việc tiếp tục hoạt động trở nên khó khăn vì các vấn đề về hậu cần và chuỗi cung ứng.
Chính quyền Nga vẫn lạc quan về tương lai của nền kinh tế bất chấp sự ra đi của các thương hiệu nước ngoài. Tổng thống Vladimir Putin gần đây cho biết, các công ty rời khỏi Nga đang để lại một “di sản tốt đẹp”, được các công ty và doanh nhân trong nước háo hức đón nhận và tiếp tục thành công.
Nga cũng đang tích cực định hướng lại cả hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu từ các quốc gia và công ty “không thân thiện” sang các thị trường mới, đồng thời đưa ra các cơ chế thay thế nhập khẩu, giúp duy trì lượng hàng dự trữ dồi dào cho thị trường trong nước.
Chính phủ Nga gần đây cũng đã phê duyệt một số thỏa thuận để đưa các sản phẩm phổ biến hoặc các sản phẩm tương tự trở lại thị trường nước này.
Các cửa hàng quần áo từng thuộc về gã khổng lồ bán lẻ Tây Ban Nha Inditex, bao gồm Zara, Pull&Bear, Bershka và Massimo Dutti, sẽ mở cửa trở lại trong những tuần tới dưới tên thương hiệu mới sau khi được bán cho chủ sở hữu mới.
Ngày 15.4, nhà sản xuất đồ nội thất Belarus Swed House, chuyên bán các sản phẩm và đồ gia dụng giống như IKEA, đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại trung tâm mua sắm Shchelkovsky của Mátxcơva.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)