Giữa mùa Đông khắc nghiệt, cả Ba Lan và Ukraina đang tập trung mọi nỗ lực cho Euro 2012 mùa Hè sang năm, khi giải đấu bóng đá hàng đầu châu Âu lần đầu tiên được tổ chức ở hai quốc gia này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nỗi lo với hai nước chủ nhà, đặc biệt là Ukraina.
Ba Lan đã làm tốt
Từ giờ cho đến khi giải đấu khai mạc chỉ còn không đầy 450 ngày, nhưng hai nước chủ nhà vẫn chưa thể hoàn tất công tác chuẩn bị, ít ra là cho đến cuối năm 2011. Marcin Herra, người điều hành chính trong Ban tổ chức EURO 2012 tại Ba Lan, nói với AFP rằng từ tháng 1 đến tháng 5/2012, mọi chuyện đã phải hoàn thành cơ bản và chỉ có thời gian cho những vấn đề phát sinh hay hoàn thiện.
Sân Olympic ở Kiev vẫn đang trong quá trình xây dựng ngổn ngang |
Từ tòa văn phòng kính và thép lộng lẫy ở Warsaw, Herra và các cộng sự có thể nhìn thấy khu công trường sân vận động quốc gia Ba Lan ngay bên dưới, cách sông Vistula 10km. Trên các bức tường của văn phòng ban tổ chức là chằng chịt những tấm bản đồ và bản tóm tắt tiến độ của mấy chục dự án, từ sân bóng tới sân tập, đường cao tốc, sân bay và khách sạn, để sẵn sàng chào đón 1,2 triệu cổ động viên. “Đã có sự khác biệt lớn nếu so sánh với năm 2008, khi mới chỉ có một, hai công trình được bắt đầu thi công”, Herra, một cựu giám đốc điều hành trong ngành dầu khí, nói. “Chúng tôi hy vọng 100% khối lượng công việc sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2011. Ba Lan hiện là công trường xây dựng lớn nhất châu Âu. Công việc vẫn còn rất, rất nhiều”.
Năm 2007, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã gây bất ngờ khi trao quyền đăng cai EURO 2012 cho Ba Lan và Ukraina, chứ không phải cho những ứng cử viên nặng ký như Italia hay liên danh Hungary – Croatia. Đó được coi là một quyết định mang tính biểu tượng để xóa bỏ lằn ranh Đông – Tây từ thời Chiến tranh lạnh, một bước đi được nối tiếp bằng việc Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga. Trước đó, EURO 2008 được tổ chức ở những nước giàu hơn và hiện đại hơn của châu Âu, Áo – Thụy Sĩ, trong khi EURO 2016 sẽ ở một nơi truyền thống: Pháp.
Thế nên, đã có không ít nghi ngờ và chỉ trích với lựa chọn của UEFA, nhắm vào Ukraina và Ba Lan. “Năm 2008, UEFA đã rút thẻ vàng với chúng tôi sau các cuộc thị sát đầu tiên”, Herra nhớ lại. Tình hình nghiêm trọng đến mức tận tháng 4/2010, Chủ tịch UEFA Michel Platini còn lên tiếng cảnh báo Ukraina nếu các kế hoạch của họ ở Kiev không đúng tiến độ, nước này có thể mất quyền đăng cai. Các quan chức ở Ukraina nói sân bóng ở Kiev dự kiến sẽ được hoàn tất vào ngày 24/8, đúng dịp kỷ niệm ngày độc lập của nước này. “Không có rủi ro gì đâu, chắc chắn là không phải ở Ukraina”, Phó thủ tướng Borys Kolesnikov, người đứng đầu Ban tổ chức EURO 2012 của Ukraina, cam kết.
Tuy nhiên, sau cuộc thị sát mới nhất, UEFA đã lại phải phàn nàn. “Ba Lan đang xúc tiến tốt các công việc, nhưng ở Ukraina chúng tôi gặp phải một số trục trặc”, Tổng thư ký UEFA Gianna Infantino nói ngày 21/3 trong một cuộc họp của Ủy ban Điều hành UEFA. Trì hoãn trong công tác xây dựng sân bóng ở các thành phố Ukraina bao gồm Lviv và Kiev đã khiến Ban tổ chức EURO 2012 ở đây phải xin UEFA dời thời hạn chót sẵn sàng cho giải đấu từ tháng 6 sang tháng 10/2011. “Tôi trông cậy cả vào lời hứa của Chính phủ Ukraina”, ông Infantino nói.
Nhưng Ukraina còn nhiều trục trặc
Các chuyên gia bóng đá đã có cuộc gặp bàn tròn tại Kiev trong ngày 21/3 để hỗ trợ Ukraina giải quyết vấn đề. Việc thiếu sự tham gia của tư nhân trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là vấn đề chủ yếu của công tác chuẩn bị, dẫn đến hai sân bóng không thể được hoàn tất đúng tiến độ. Ban đầu Chính phủ Ukraina ước tính khoảng 80% số tiền đầu tư cho các sân bóng, hạ tầng du lịch và sửa chữa mạng lưới giao thông cần thiết cho Euro 2012 sẽ đến từ các nhà đầu tư tư nhân, hãng tin Đức DPA dẫn lời Viacheslav Konovalov, một nhà phân tích đầu tư.
Tuy nhiên, tính đến giờ, các nhà đầu tư tư nhân mới cam kết được 14% ngân quỹ cần thiết cho quá trình chuẩn bị, buộc Chính phủ Ukraina, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn do ngân sách eo hẹp, suy thoái kinh tế và tỷ lệ nợ công cao, phải trang trải phần còn lại, theo hãng tin Interfax. Ước tính ban đầu của các chuyên gia kinh tế nói Euro 2012 có thể mang về cho Ba Lan và Ukraina khoản lãi lên tới 3 tỷ euro, nhưng để bỏ túi số tiền đó, giờ đây họ phải đầu tư đã.
Truyền thông Ukraina ước tính tổng chi phí chuẩn bị cho EURO 2012 là từ 40 đến 60 tỷ USD. Trận khai mạc dự kiến diễn ra ở Warsaw, Ba Lan ngày 8/6/2012 và trận chung kết tại Kiev ngày 1/7. Những thành phố đăng cai của Ba Lan là Warsaw, Poznan, Gdansk và Wroclaw, còn của Ukraina là Kiev, Lviv, Donetsk và Kharkiv.
Giải thích cho sự thiếu mặn mà của các nhà đầu tư tư nhân, một số nhà quan sát nước ngoài cho rằng có thể là do tình trạng thiếu minh bạch trong các quyết định đầu tư của Chính phủ Ukraina. Đầu năm 2011, Liên minh châu Âu (EU) đã tạm hoãn giải ngân một khoản viện trợ 115 triệu euro cho Ukraina do nghi ngờ tình trạng tham nhũng ở các cấp chính quyền nước này. Brussels cho rằng Kiev đã không thực hiện các cải cách đầy đủ với tiến trình đầu tư công, bao gồm quy trình gọi thầu và giám sát chất lượng.
Ở Ukraina, người ta kháo nhau rằng những băng ghế ở nhà ga xe điện ngầm Kharkiv, một phần nhỏ của công tác chuẩn bị cho EURO 2012, được mua với giá 5.000 euro mỗi cái. Vì ngày 1/3, vé chính thức đã bắt đầu được bán cho người hâm mộ, Chính phủ Ukraina đang huy động mọi nguồn tiền có thể để đẩy nhanh các dự án hạ tầng đã chậm tiến độ khá lâu, nhưng các khoản chi khẩn cấp làm tình hình minh bạch hóa thêm tồi tệ. Nhà báo Serhiy Leshchenko viết trên trang tin tức Ukrainska Pravda rằng Euro 2012 đã trở thành “một tam giác Bermuda nơi các nguồn ngân sách nhà nước biến mất” khi những quan chức hữu trách “đơn giản giao hợp đồng cho bạn bè và gia đình”.
Theo Leshchenko, một công ty có tên Altcom đã kiếm được 640 triệu euro từ nhiều dự án đường bộ và xây dựng sân bay, cũng như sân bóng Lviv, những con đường này, theo ông, là những con đường đắt nhất thế giới. Việc tái thiết sân Kiev cũng có thể trở thành một trong những dự án đắt đỏ nhất lịch sử Ukraina với cái giá ước tính là 300 triệu euro và còn có thể tăng cao hơn nữa. Hầu hết công việc được giao cho AK, một công ty mà Lushchenko cho rằng có liên hệ với Phó thủ tướng Ukraina Kolesnykov.
Tuy nhiên, nhà chức trách cho rằng họ đã cố gắng hết sức, nhất là sau khi cuộc bầu cử tổng thống 2010 diễn ra êm xuôi và những bất ổn trên chính trường được dàn xếp. “Kể từ khi ông Viktor Yanukovich lên nắm quyền, chúng tôi đã làm được nhiều việc hơn so với cả ba năm trong nhiệm kỳ trước đó, sau khi Ukraina giành được quyền đăng cai Euro 2012 vào năm 2007”, Petro Dymynski, Chủ tịch câu lạc bộ Ngoại hạng Ukraina Kaparty Lviv nói.
Thậm chí tại đội bóng cấp làng Dyida, một đội không chuyên, sự háo hức vẫn lấn át nỗi lo về chi phí, dù với hầu hết người Ukraina sống ở nông thôn, 30 euro cho tấm vé rẻ nhất đã là một khoản tiền đáng kể. Tiền đạo Csabo Toth của Dyida nói với AFP: “Đây là một cơ hội cả đời”.
EURO 2012: Ngày 18/4/2007, liên danh Ba Lan – Ukraina đã đánh bại các đối thủ gồm Italia và liên danh Croatia – Hungary để trở thành liên danh thứ ba làm chủ nhà một kỳ EURO, sau Bỉ – Hà Lan năm 2000 và Áo – Thụy Sĩ năm 2008. EURO 2012 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 8/6 và bế mạc vào ngày 1/7/2012. Đây là giải đấu cuối cùng có 16 đội tuyển tham dự, trước khi UEFA nâng lên thành 24 đội ở EURO 2016 tại Pháp. EURO 2012 sẽ diễn ra tại 8 thành phố, 4 của Ba Lan và 4 của Ukraina. Lễ bốc thăm chia bảng vòng loại được tổ chức hôm 7/2/2010 tại Warsaw, Ba Lan. Ngoài Ba Lan và Ukraina được hưởng suất đặc cách của quốc gia chủ nhà, 51 đội tuyển còn lại của UEFA chia thành 9 bảng đấu, gồm 6 bảng 6 đội và 3 bảng 5 đội, đá vòng tròn 2 lượt để chọn 14 đội dự EURO 2012. Chín đội đầu bảng cùng đội nhì bảng có thành tích tốt nhất sẽ vượt qua vòng loại. Tám đội nhì bảng còn lại sẽ bốc thăm chia cặp đá play-off 2 lượt để chọn 4 đội đi Ba Lan – Ukraina. |
Loan Phương (theo TTVH)
Bình luận (0)