Hội nhậpThế giới 24h

Ukraine khó trong khó ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Cả Mỹ và Ukraine đều thừa nhận nhiều yếu tố, cả bên trong lẫn bên ngoài, đang ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chiến đấu của các lực lượng Kyiv.

Trong bài phỏng vấn với tờ The Economist vào cuối tuần qua, Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko đã bày tỏ sự đồng tình với đánh giá của Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) Valery Zaluzhny về tình trạng hiện tại của cuộc xung đột với Nga.

Theo đó, ông Zaluzhny nói rằng cuộc xung đột đã "đi đến bế tắc" và có nguy cơ chuyển sang một cuộc chiến kéo dài. Thị trưởng Klitschko nói: "Một số người có thể không muốn nghe sự thật [nhưng] chúng tôi không thể nói dối người dân và đối tác của mình mãi được".

Ukraine trước tình thế cực nguy cấp - Ảnh 1.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine bắn súng cối về phía lực lượng Nga ở TP.Avdiivka (tỉnh Donetsk) ngày 8.11. REUTERS

Ông Klitschko cho rằng một số chính trị gia Ukraine đã "chỉ trích một cách vô cớ" ông Zaluzhny, và tuyên bố  sẽ tiếp tục ủng hộ vị tổng tư lệnh.

Trong một diễn biến liên quan, tờ The Guardian hôm 4.12 dẫn một bức thư Nhà Trắng gửi lên quốc hội Mỹ, trong đó cảnh báo nước này "hết tiền và gần hết thời gian" để hỗ trợ Ukraine.

Nội dung thư nêu rõ chính phủ đã chi khoảng 111 tỉ USD (2,7 triệu tỉ đồng) để phân bổ cho viện trợ quân sự cho Ukraine như thế nào. Qua đó, các quan chức dưới quyền của Tổng thống Joe Biden nói rằng nếu quốc hội không phê duyệt nguồn tài trợ bổ sung, nỗ lực viện trợ Ukraine sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Giám đốc ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young: "Nếu không có hành động của quốc hội, đến cuối năm nay chúng ta sẽ cạn kiệt nguồn lực để mua thêm vũ khí và thiết bị cho Ukraine, cũng như cung cấp thiết bị từ kho quân sự của Mỹ".

Cũng trong lá thư gửi các nhà lãnh đạo tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ, bà Young cho biết việc không cung cấp thêm kinh phí sẽ "làm Ukraine bị ảnh hưởng trên chiến trường, không chỉ gây nguy hiểm cho những lợi ích mà nước này đã đạt được mà còn làm tăng khả năng chiến thắng của quân đội Nga".

Lời kêu gọi tài trợ mới nhất được đưa ra sau khi Nhà Trắng yêu cầu quốc hội chấp thuận khoản ngân sách bổ sung 100 tỉ USD vào tháng 10, lập luận rằng nó "thúc đẩy an ninh quốc gia cũng như hỗ trợ các đồng minh và đối tác".

Các kế hoạch phân bổ tiền trong đợt trước tập trung vào an ninh biên giới, hỗ trợ đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Israel và Ukraine. Trong đó, khoảng 61 tỉ USD được chuyển cho Ukraine.

Liên quan vấn đề viện trợ bổ sung, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tuần trước cho biết ông tin rằng nguồn tiền cho Ukraine và Israel sẽ được chấp thuận. Tuy nhiên, ông lưu ý cả 2 việc này nên được xử lý riêng biệt, vì nguồn tài trợ của Ukraine có liên quan những thay đổi trong chính sách biên giới của Mỹ – một ranh giới đỏ đối với nhiều đảng viên Dân chủ.

Theo Khánh Như/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)