Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng Pháp và Đức có thể trở thành “những bên thay đổi cục diện” trong cuộc xung đột với Nga.
Ông Zelensky nhấn mạnh: "Chúng ta còn rất ít thời gian. Lúc này tôi chỉ nói về những loại vũ khí cần thiết cho hòa bình và ngăn chặn cuộc xung đột với Nga".
Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức tại Paris. Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng: "Chúng tôi nhận được vũ khí hạng nặng tầm xa và các phi công của chúng tôi nhận được máy bay hiện đại càng sớm, chiến dịch quân sự của Nga sẽ kết thúc càng nhanh".
Ông Zelensky sẽ tới Brussels trong ngày 9-2 tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu.
Các nước phương Tây đã tăng cường cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm nay với hứa hẹn cung cấp hàng trăm xe tăng và xe bọc thép cũng như vũ khí tầm xa nhưng cho đến nay vẫn từ chối cung cấp máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất.
Theo Reuters, Tổng thống Macron cho biết các vấn đề tác chiến được thảo luận trong bữa tối, đồng thời tái khẳng định quyết tâm không để Nga giành chiến thắng. Ông cũng tuyên bố Paris và Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine miễn là cần thiết để giúp quốc gia Đông Âu đảm bảo được tương lai của mình.
Trước hội nghị ngày 9-2 tại Bỉ, Thủ tướng Đức Scholz cũng đã nhấn mạnh vị thế của Kiev ở châu Âu. Nhà lãnh đạo Đức cho hay: "Tôi đang gửi một thông điệp rõ ràng tới Brussels: Ukraine thuộc về gia đình châu Âu"
Xe tăng chiến đấu Leopard 2 A6 của Đức. Ảnh: EPA-EFE
Mỹ dự kiến công bố gói vũ khí trị giá 2,65 tỉ USD trong những ngày tới, bao gồm các tên lửa mới cùng bom có tầm bắn gấp đôi so với tên lửa mà nước này đã gửi vào năm ngoái. Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả các tuyến tiếp tế của Nga ở Ukraine, cũng như các khu vực của bán đảo Crimea sẽ bị đặt vào tầm bắn.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga công bố các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với 77 công dân Mỹ, bao gồm 33 thống đốc và thân nhân của các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Theo đài RT, các biện pháp mới được đưa ra một tuần sau khi Washington trừng phạt 22 cá nhân và tổ chức mà họ cáo buộc hỗ trợ quân đội Nga.
Tất cả cá nhân được liệt kê đều bị cấm vào Nga vĩnh viễn. Bộ Ngoại giao Nga cho biết danh sách này được đưa ra để đáp trả việc Washington tiếp tục mở rộng chương trình trừng phạt chống Nga và dựa trên "nguyên tắc có qua có lại".
Trong diễn biến liên quan, Phó Thủ tướng Aleksandr Novak tuyên bố Nga sẽ công bố các biện pháp trả đũa đối với mức giá trần do Liên minh châu Âu (EU) và G7 áp đặt lên các sản phẩm dầu mỏ của nước này vào tháng 3 tới.
Các biện pháp hạn chế của EU đối với sản phẩm dầu tinh chế của Nga có hiệu lực từ ngày 5-2, theo đó áp đặt giá trần 100 USD/thùng đối với dầu diesel, nhiên liệu máy bay và xăng đến từ Nga, cũng như mức giá trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu khác, như dầu nhiên liệu được sử dụng trong công nghiệp.
Điện Kremlin đã gọi việc áp giá trần là một công cụ phi thị trường. Chính phủ Nga đã cấm bán dầu thô cho những bên mua áp đặt giá trần trong hợp đồng, cam kết có động thái tương tự liên quan đến lệnh trừng phạt mới nhất của EU đối với các sản phẩm dầu của Nga.
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)