Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Ùn tắc giao thông đường hàng không

Tạp Chí Giáo Dục

Quang cảnh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: I.T

Từ xưa đến nay, mọi người thường ca thán tình trạng ùn tắc giao thông và kẹt xe liên tục xảy ra trên đường bộ. Nhưng, những ngày giáp Tết Canh Dần và mấy ngày gần đây lại xảy ra chuyện tắc đường hàng không.
Tắc đường gây thiệt hại về tài chính
Các hãng hàng không đã liên tục kiến nghị nhà chức trách phải nhanh chóng tìm cách thông đường trên không để giảm chi phí nhiên liệu và tiết kiệm thời gian cho hành khách. Có thời điểm, máy bay phải bay lòng vòng trên bầu trời để chờ, lúc ở Bà Rịa – Vũng Tàu, lúc ở Buôn Ma Thuột có khi đến 20 phút mới được hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tính ra, chi phí cho nhiên liệu để máy bay hoạt động mỗi chuyến là 7 triệu đồng, dẫn đến thiệt hại cho nhà khai thác vận chuyển hàng không lên đến 140 triệu đồng.
Theo thiết kế thì sân bay Tân Sơn Nhất có thể tiếp nhận 400 lượt máy bay lên xuống một ngày. Các ngày cao điểm giáp Tết và sau Tết Canh Dần, sân bay Tân Sơn Nhất có ngày lên đến 350 lượt bay lên xuống, chưa phải là quá tải so với thiết kế. Nhưng lại quá tải trong giờ vàng. Vì từ 24h – 5h sáng hôm sau thì hầu như không có chuyến bay nội địa nào lên xuống. Hiện nay, giờ vàng ở các sân bay là 10h, 12h, 14h, 16h hàng ngày. Trong các thời điểm này, các chuyến bay cấp tập hạ, cất cánh, trung bình 2 phút có một chuyến bay lên xuống ở sân bay Tân Sơn Nhất nên đã gây tình trạng tắc nghẽn giao thông trên bầu trời, vì máy bay phải bay lòng vòng trên không, xếp hàng chờ đến lượt được hạ cánh xuống sân bay.
Trong sân bay Tân Sơn Nhất có hai đường băng, nhưng mỗi đường băng cách nhau có 1km nên phải phụ thuộc lẫn nhau, không hoạt động độc lập được. Cùng một lúc, máy bay không thể hạ, cất cánh tại hai đường băng và cách sử dụng không khác nào chỉ có một đường băng.
Cần có đường bay linh hoạt
Tùy vào hoàn cảnh hiện tại, nếu tắc ít, nhân viên không lưu có thể cho máy bay chờ trên đỉnh sân. Nếu tắc nhiều, máy bay phải bay lòng vòng ở những khu vực chờ đã qui định là đài An Lộc, thậm chí có khi phải chờ ở khu vực rất xa như Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột.
Tình trạng tắc đường trên không đã đến mức nghiêm trọng. Nhà nước cũng đã dự báo được điều này và đã lập dự án xây dựng sân bay Long Thành, Đồng Nai. Nhưng ít nhất cũng phải 5 năm nữa sân bay Long Thành mới có thể đi vào hoạt động. Từ đây đến đó, vào những thời kỳ cao điểm thì không chỉ quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất mà cả sân bay Nội Bài. Chúng ta đã gặp tình trạng tương tự ở sự kiện APEC 2006 nhưng không căng thẳng như dịp Tết Canh Dần. Tới đây, tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội chắc chắn sân bay Nội Bài cũng sẽ quá tải. Do vậy, Cục Hàng không dân dụng cần phải có giải pháp cấp bách, đó là phân bổ lại việc cấp phép cho các chuyến bay đi, đến rải đều vào các thời điểm trong ngày, tránh tập trung cao điểm vào các giờ vàng, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết. Khi các chuyến bay đêm trở nên đông khách, các hãng hàng không cần xem xét mở thêm các chuyến bay sớm từ 5h sáng mỗi ngày. Bên cạnh đó, sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất là nút giao thông lớn, có 9 đường bay đi qua, cho nên các cơ quan chức năng cần nghiên cứu cấu trúc vùng trời để tổ chức lại cho phù hợp. Vì thực tại, có nhiều đường bay cắt ngang qua đường bay quân sự. Cần tổ chức lại các hành lang ra vào phù hợp, vùng trời bay quân sự nhưng không sử dụng, có thể cho phép sử dụng cho hoạt động bay dân sự, đó gọi là vùng trời linh hoạt, đường bay linh hoạt, hành lang linh hoạt. Các biện pháp này chỉ nên áp dụng vào các đợt cao điểm như các ngày lễ, Tết và tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng trong điều kiện bình thường.
Hà Anh

Bình luận (0)