Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Ùn tắc giao thông ở TP.HCM: Kỳ 2: Nguyên nhân từ đường ngập nước

Tạp Chí Giáo Dục

Đường An Dương Vương, quận 8 bị ngập khi trời mưa

Chỉ sau một trận mưa lớn, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP lại bị ngập nước. Nhiều tuyến đường trước đó sạch sẽ, khang trang bỗng dưng nước dâng lên nhanh chóng và ngay lập tức biến thành sông, làm cho các phương tiện giao thông bị chết máy, mọi người phải thi nhau dắt bộ một cách khó khăn, giao thông trở nên hỗn loạn… Sau đó, ùn tắc giao thông dây chuyền từ đường này sang đường khác.

Công trình thi công ẩu gây ùn tắc và ngập
Tại TP.HCM, vào mùa mưa, đường sá thường bị ngập do hệ thống thoát nước bị quá tải hoặc hư hỏng. Trong số đó, có những tuyến đường dù mới vừa hoàn thành nhưng hễ có mưa là bị ngập. Có khu vực nước ngập kéo dài hơn 1 ngày mới rút khiến toàn bộ hoạt động, sinh hoạt của cộng đồng dân cư hầu như tê liệt nhiều giờ liền. Nước tràn cả vào trường học gây thiệt hại tài sản hàng tỷ đồng. Thậm chí, một số công trình đang thi công, nâng cấp hệ thống thoát nước chống ngập của TP cũng gây ngập đường và ùn tắc giao thông như: lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm (Q.6, Q.Tân Phú); đường Tân Hòa Đông, Phan Anh, Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú) khu vực Bàu Cát, Nguyễn Văn Quá… Tình trạng thi công các dự án thoát nước lớn đã chặn dòng chảy của một số tuyến thoát nước diễn ra phổ biến. Một số công trình còn xả cả nước thải ra đường, bơm bùn đất vào lòng cống và làm sụp cống… Mới đây, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm chống ngập) cũng xác định được lý do xảy ra ngập nước là do lỗi cố ý vi phạm của đơn vị thi công bao gồm: thi công dây dưa kéo dài vượt thời gian quy định, bơm bùn đất vào lòng cống nhưng không tiến hành dọn dẹp, làm sụp cống nhưng không khắc phục gây cản trở dòng chảy… Hơn nữa, nhiều tuyến cống đã thi công hoàn thành nhưng không dọn đất, gạch, đá…, việc đấu nối cống băng ngang đường để bàn giao cho đơn vị quản lý đưa vào vận hành còn chậm nên chưa phát huy được hiệu quả thoát nước của dự án.
Theo Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam bộ Nguyễn Minh Giám, thời tiết khu vực Nam bộ đang bắt đầu vào cao điểm mùa mưa. Trong khi các công trình chống ngập của TP chưa phát huy được hiệu quả, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, lưu lượng mưa ngày càng lớn, đỉnh triều cường cũng ngày một tăng cao sẽ khiến tình trạng ngập úng càng thêm trầm trọng. Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục tuyến đường, hàng ngàn hộ dân từ vùng nội thành tới ngoại thành lại sắp phải bắt đầu chống chọi với tình trạng ngập nặng. Trong vài năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu, lượng mưa và nhiệt độ tại khu vực nội thành có khuynh hướng tăng lên. Thế nhưng, với hệ thống thoát nước cũ kỹ, lạc hậu hiện tại ở TP.HCM, chỉ một cơn mưa nhỏ khoảng 20mm cũng gây ra ngập và tạo thành những dòng chảy trong đô thị.
Khẩn trương thực hiện các dự án chống ngập
Lâu nay, khi xảy ra ùn tắc giao thông trên một đoạn đường nào đó thì ngay lập tức mọi người nghĩ đến là do phía trước có TNGT hoặc do đường sá chật hẹp mà phương tiện thì đông đúc; do giờ cao điểm… chứ ít ai nghĩ đến việc ùn tắc là do ngập nước. Nguyên nhân của việc ngập nước thì có hàng loạt. Cụ thể, do triều cường, mưa to, nghẹt cống, đường hư hỏng và đặc biệt là do đường bị lún.
Nhiều năm qua, các chương trình chống ngập trên địa bàn TP đã phát huy tác dụng như dự án vệ sinh môi trường (Nhiêu Lộc – Thị Nghè), cải thiện môi trường nước, nâng cấp đô thị… Khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn đầu tư quá lớn, việc phê duyệt dự án liên quan đến quá nhiều sở ngành và tốn rất nhiều thời gian; chưa có đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn, quy trình phục vụ công tác quản lý, thiết kế thi công; các công trình lớn vượt ngoài khả năng của các đơn vị tư vấn, thi công trong nước… Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu chống ngập trong thời gian tới (ngay từ bây giờ đến năm 2015), Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước kiến nghị lên UBND TP.HCM 12 vấn đề cấp bách. Cụ thể, giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cấp cho TP 10 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM. Giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản đợt 2, năm 2011 cho các dự án chuẩn bị thực hiện đầu tư để đảm bảo tiến độ triển khai chương trình chống ngập đến năm 2015. Chấp thuận sử dụng nguồn vốn ngân sách TP để thực hiện nạo vét hàng loạt con rạch, nâng nguồn vốn trùng tu hệ thống thoát nước…
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã ký văn bản khẩn đề nghị Thường trực Chính phủ xem xét, bổ sung nguồn vốn đầu tư từ năm 2011 đến 2015 và chấp thuận phương án huy động vốn cho các dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng trong khu vực TP. Tổng cộng có 16 công trình, gồm 1 công trình chuyển tiếp, 3 công trình khởi công mới, 12 công trình chuẩn bị thực hiện. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 14.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận các phương án vốn như sau: Điều tiết từ nguồn vượt thu, kết dư dự toán chi ngân sách trung ương hàng năm bổ sung cho ngân sách TP để thực hiện các dự án nói trên; bố trí kinh phí từ nguồn trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch hàng năm để TP thực hiện đầu tư; TP tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm kiếm, vận động các nguồn ODA để đầu tư cho các dự án trong quá trình triển khai dự án.
Bài, ảnh: Hà Anh

Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, đến đầu mùa mưa 2011, TP.HCM còn gần 60 điểm bị ngập do mưa và 28 điểm ngập do triều cường. Tuy nhiên, số điểm ngập mới đang phát sinh hầu như không thể kiểm soát được, đặc biệt là tại các khu vực đang có tiến trình đô thị hóa nhanh.

 

Bình luận (0)