Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ứng dụng CNTT trong dạy học: Cần đầu tư mạnh về nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM – phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm
Tại tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy bằng công nghệ thông tin (CNTT)”do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Phòng GD-ĐT Bình Chánh tổ chức ngày 22-10, nhiều đại biểu đã chỉ ra khó khăn: “Tiền ở đâu để mua sắm trang thiết bị công nghệ và sử dụng sao cho hiệu quả khi ứng dụng vào giảng dạy”.
Theo khảo sát mới đây của mạng cộng đồng giáo viên (GV) Violet kết hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu thiết bị giảng dạy thuộc Viện Khoa giáo dục Việt Nam (tháng 7 đến tháng 10-2013) trong 10.000 GV trên cả nước, kết quả, gần 100% GV đã ứng dụng CNTT vào công tác giảng dạy.
Sử dụng những ứng dụng đơn giản
Theo TS. Lê Kính Thắng (Trường ĐH Đồng Nai): Để có thể tạo được môi trường sử dụng CNTT, các trường cần có mạng internet băng thông rộng đủ mạnh và hệ thống phòng học thông minh đa phương tiện. Kinh phí cho các phương tiện này rất lớn, vì thế các trường thường chọn giải pháp đầu tư dần theo từng dự án hoặc từng năm, dẫn đến tình trạng các trang thiết bị không đồng bộ, vừa thiếu vừa yếu, khó phát huy hết hiệu quả, công suất và khó bảo trì. Một khó khăn khác mà GV ứng dụng CNTT thường vấp phải, đó là bản quyền của các phần mềm tiện ích. Trong khi đó, ThS. Tống Xuân Tám (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Giá bản quyền các phần mềm ứng dụng hiện đại khá cao, như phần mềm: Articulate Studio, ứng dụng để xây dựng bài học trực tuyến (E-learning). Vì thế, hầu hết GV chỉ dừng lại ở việc sử dụng phần mềm miễn phí hoặc dùng thử”. ThS. Tống Xuân Tám cho biết thêm: “Bên cạnh bản quyền phần mềm vượt khả năng chi trả của GV, còn có việc một số GV lạm dụng những tính năng công nghệ để sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ, nặng về “biểu diễn hoành tráng”. Không biết phối hợp với các thiết bị khác làm cho giờ học trở nên thụ động, HS như được xem phim trong giờ học. Ngược lại, một số GV khác lại tỏ ra e ngại hoặc xem nhẹ việc sử dụng CNTT vào dạy học… Cả hai khuynh hướng này đều không phát huy được vai trò, vị trí cũng như tác dụng ưu điểm của CNTT trong dạy học”. Đồng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Kim Trang – Phó hiệu trưởng Trường THCS Bình Chánh – cho rằng: “Tự bản thân GV không thể tìm được hết nguồn tài nguyên trên mạng, có những cái tìm được thì phải trả tiền mua bản quyền, phải xin phép tác giả hoặc được miễn phí thì giá trị ứng dụng vào dạy học không cao”. Thầy Lê Thanh Minh – Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long – nêu thực trạng: “Trường THCS Thăng Long là một trong những đơn vị ứng dụng CNTT sớm nhất huyện Bình Chánh, do có cách làm sáng tạo, đồng bộ nhưng CNTT luôn phát triển nhanh và các phần mềm mới hiện đại ngày càng nhiều. Tuy nhiên, do trường có nhiều GV lớn tuổi nên mới chỉ có 45% GV sử dụng thành thạo CNTT…”.
Nói về ảnh hưởng của CNTT trong việc soạn giảng giáo án và ứng dụng vào dạy học, TS. Nguyễn Quốc Hưng – Trưởng bộ môn quản trị nguồn nhân lực Trường ĐH HUFLIT – cho rằng: “Nguyên nhân là do việc trang bị kiến thức CNTT trong giảng dạy đối với GV chưa được chú trọng nên phần lớn GV chỉ sử dụng các ứng dụng văn phòng để soạn thảo văn bản, dùng bảng tính điện tử và phần mềm trình diễn để soạn bài giảng. Còn các công việc khác vẫn sử dụng thủ công. Nhìn chung, “bức tranh” về ứng dụng CNTT trong các trường học tuy đã có những màu sắc riêng nhưng vẫn còn rời rạc. Do đó, nhà trường cần có hẳn một chủ trương thống nhất và đồng bộ về đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo GV…
Phải năng động trong cách làm

GV chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng CNTT vào dạy học tại buổi tọa đàm
Giải quyết một phần những khó khăn trong việc nắm bắt công nghệ và ứng dụng, thầy Dương Quốc – Tổ trưởng Bộ môn tin học (Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh) – cho biết: “CNTT là để sử dụng vào dạy học chứ không phải để trình diễn. Do đó, khi nắm bắt được vấn đề có nhiều GV còn lúng túng khi ứng dụng CNTT, chúng tôi đã chủ động tìm những phần mềm thiết thực cung cấp cho các trường và chọn lọc những GV có chuyên môn vững làm hạt nhân nòng cốt. Từ những hạt nhân này, thầy cô có trách nhiệm chia sẻ, hướng dẫn cho những GV còn yếu trong trường”.
Thầy Ngô Văn Tuyên – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân – cho rằng: “Việc ứng dụng CNTT vào dạy học là cần thiết và rất quan trọng nhưng CBQL-GV cần có cách làm, kêu gọi xã hội hóa và dám làm dám chịu trách nhiệm. Nhưng trước khi thực hiện những việc đó, CBQL phải biết thực tế đơn vị mình cần gì, không phải cứ kêu gọi xã hội hóa rồi đầu tư ồ ạt, trong khi nhân lực chưa chuẩn bị. Đơn cử, một trường khó khăn có thể thiết kế những xe đẩy, phía trên gắn ti vi và GV sử dụng điện thoại di động để download các tiện ích hoặc quay video clip cũng có thể dạy một tiết học linh động. Không quá phụ thuộc vào CNTT khi có những môn, những tiết học trong điều kiện đơn vị có cây xanh, vườn hoa… thì phải cho HS ra học thực tế tránh sao chép hình ảnh rồi đưa vào tiết dạy làm HS bị thụ động và nhanh chán”.
“Hiện nay 100% trường học trên địa bàn huyện Bình Chánh đều được kết nối internet, trang bị phòng máy…; đa số GV đều biết sử dụng CNTT”, thầy Lê Trung – Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT huyện Bình Chánh – cho biết. 
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, thầy Nguyễn Trí Dũng – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh – khẳng định: “Buổi tọa đàm đã đem lại nhiều ý kiến thiết thực để ngành GD-ĐT huyện Bình Chánh xây dựng trường học theo hướng tiên tiến, hiện đại. Nhưng để có một ngôi trường như thế thì CBQL-GV phải biết sử dụng CNTT thành thạo. Theo đó, các trường cần xây dựng được cổng thông tin, văn bản, sổ liên lạc điện tử giúp GV và phụ huynh tiện lợi trong việc theo dõi học sinh cũng như đưa những thông báo của nhà trường nhanh chóng đến phụ huynh. Để đầu tư trang thiết bị CNTT đồng bộ, đầy đủ thì công tác xã hội hóa là một cách làm tốt khi mà nguồn ngân sách dành cho giáo dục còn hạn chế. Tuy nhiên, các trường không được sa đà vào việc kêu gọi phụ huynh đóng góp khoản này, khoản kia sai chủ trương. Ngoài phụ huynh, các trường có thể kết nối với các công ty, mạnh thường quân – đây là một nguồn lực lớn giúp các trường hoàn thiện những gì còn khó khăn thiếu thốn”.
Bài, ảnh: Huy Cận
 
Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM – nhấn mạnh: “Buổi tọa đàm đã quy tụ được đội ngũ các nhà quản lý, các thầy cô giáo từ các trường mầm non đến ĐH tham dự hoặc gửi bài tham luận. Bên cạnh đó còn có nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ góp phần đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bằng CNTT để hướng tới đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”.
 
 

Bình luận (0)