Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ứng dụng CNTT trong dạy – học môn địa lý

Tạp Chí Giáo Dục

Việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy giúp tiết học thêm sinh động

Nếu như việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang phát huy hiệu quả đối với việc dạy và học nhiều bộ môn thì riêng với môn địa lý, CNTT có rất nhiều thuận lợi.
Trong sách giáo khoa Địa lí lớp 4, bài Tây Nguyên là bài mà GV khó hướng dẫn HS trình bày được một vài đặc điểm tự nhiên của một số khu vực thuộc các miền địa hình cao nguyên nhất. Vì sao lại khó nhất? Đó là do bài này không có hình ảnh nào nói về đặc điểm tự nhiên của địa hình cao nguyên. Mà trong các tranh ảnh thường được in trên lịch, trên báo cũng hiếm các hình ảnh về địa hình cao nguyên. Nếu làm sa bàn để HS hiểu được đặc điểm tự nhiên của địa hình thì GV không có đủ điều kiện về tài chính cũng như kĩ thuật. Chẳng lẽ bó tay ?
May thay, CNTT đã giúp GV giải quyết khó khăn một cách nhẹ nhàng, giúp HS học tập hứng thú hơn bao giờ hết. Mỗi giờ học địa lí đối với các em thật là một giờ học vui, lí thú như được đi du lịch, được giải trí bằng phim ảnh. CNTT đã giúp GV đứng lớp thoải mái, không mất thời gian treo tranh, dán ảnh. Riêng trong bài Tây Nguyên thì HS tha hồ quan sát và nói chính xác địa hình các cao nguyên như đã từng đến những nơi ấy. HS đạt được yêu cầu tiết học thật dễ dàng, không cần cố gắng cũng nhớ được đặc điểm địa hình, không mù mờ như các lớp HS trước đây (khi chưa có ứng dụng CNTT).
Mỗi bài học ở dạng này thường đề cập tới 2 yếu tố tự nhiên (địa hình và khí hậu hoặc địa hình và sông ngòi). Ví dụ: ở các bài Dãy Hoàng Liên Sơn hay bài Tây Nguyên đề cập tới địa hình và khí hậu; ở các bài Đồng bằng Bắc Bộ hay Đồng bằng Nam Bộ đề cập tới địa hình và sông ngòi. Nếu HS quan sát được vùng núi cao, mây mờ che phủ đỉnh núi thì các em dễ dàng suy luận khí hậu mát mẻ; hoặc HS được quan sát cao nguyên đất đỏ chỉ toàn rừng khộp (rừng rụng lá mùa khô) thì các em biết và hiểu rõ thời tiết nơi này nóng. Còn khi học đến dải đồng bằng duyên hải miền Trung các em sẽ suy luận và hiểu được vì sao đồng bằng nơi này nhỏ hẹp khi quan sát dãy Bạch Mã kéo dài ra tới biển khác hẳn với đồng bằng Nam Bộ thẳng cánh cò bay.
Đồng thời, các em hiểu được vì sao khí hậu có sự khác biệt giữa 2 khu vực phía bắc và phía nam dãy Bạch Mã (vì dãy núi cao như bức tường chắn gió).
Đối với một số ít HS thông minh nhạy bén thì các em học và hiểu được bài trong sách giáo khoa. Nhưng với nhiều HS có khả năng tiếp thu bài chậm, ham chơi hơn ham học, lo ra thì mục tiêu trên quả là khó khăn vô cùng. Sau tiết học, nhiều khái niệm trừu tượng không gây ấn tượng cho các em nên các em không nhớ gì cả. Chấm bài thi của các em mà GV cười như mếu. Cứ như là GV chẳng giảng dạy gì cả. Khả năng tổng hợp còn hạn chế, các em nhớ lộn xộn hoạt động sản xuất của vùng này với vùng kia. Nhưng nếu GV chịu khó ứng dụng CNTT vào giảng dạy, cho các em xem phim ảnh sản xuất lúa ở vùng đồng bằng và các loại cây công nghiệp được trồng trên đất đỏ badan thì sẽ dễ dàng phân biệt hai loại hình sản xuất này.
Chỉ cần được xem phim một lần duy nhất, không cần ôn, HS vẫn nhớ mãi nội dung bài học. Đồng thời các em hiểu được sự vất vả của người nông dân, và càng quý hạt gạo, quý người nông dân hơn. Có dạy bằng phim ảnh rồi GV sẽ thấy HS hào hứng như thế nào trong các tiết học, các em chờ đợi tiết học, về nhà chuẩn bị tốt hơn, tích cực học tập hơn bao giờ hết.
Lê Thị Liên
(GV Trường TH Dương Minh Châu, Q.10)
Việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy giúp tiết học thêm sinh động
Về cách viết dấu câu
Cách viết dấu câu hiện nay trong sách giáo khoa (và trong nhiều xuất bản phẩm khác của NXB Giáo dục) có khá nhiều khác biệt so với cách viết dấu câu trong các sách, báo khác về mặt khoảng cách (space). Cụ thể:
– Các dấu phẩy (,), chấm (.) được viết bình thường theo cách viết truyền thống. Ví dụ: “Dựa theo cốt truyện, tìm những chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương. Trên cơ sở các chi tiết đã liệt kê, anh (chị) hãy […]” (Ngữ văn 10, tập một, tr.42).
– Các dấu hai chấm (:), chấm than (!), chấm hỏi (?), chấm phẩy (;) được viết khác hơn so với cách viết truyền thống: cách thành phần câu (hoặc câu) trước và sau nó một dấu cách. Ví dụ:
+ Dấu hai chấm: “Văn học Việt Nam bao gồm các sáng tác ngôn từ với hai bộ phận lớn có quan hệ mật thiết với nhau : văn học dân gian và văn học viết” (Ngữ văn 10, tập một, tr.5).
+ Dấu chấm than: “Ai chăn ngựa hãy đi bắt ngựa ! Ai giữ voi hãy đi bắt voi ! Ai giữ trâu hãy đi lùa trâu về !” (Ngữ văn 10, tập một, tr.33).
+ Dấu chấm hỏi: “Khi làm bài thơ này, Hồ Xuân Hương đã “giao tiếp” với người đọc về vấn đề gì ? Nhằm mục đích gì ? Bằng các phương tiện từ ngữ, hình ảnh như thế nào ?” (Ngữ văn 10, tập một, tr.21).
+ Dấu chấm phẩy: “Văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (văn học trung đại) hình thành và phát triển trong bối cảnh văn hóa, văn học vùng Đông Á, Đông Nam Á ; có quan hệ giao lưu với nhiều nền văn học khu vực, đặc biệt là văn học Trung Quốc” (Ngữ văn 10, tập một, tr.7)…
Cách viết dấu câu như trên không khỏi khiến người sử dụng phải băn khoăn trước một số vấn đề:
– Xét về cương vị ngôn ngữ học, tất cả các dấu câu đều bình đẳng như nhau, tại sao lại phải phân chúng thành hai nhóm để dẫn tới hai cách viết khác nhau?
– Xét về chức năng ngôn ngữ học, các dấu phẩy, chấm phẩy đều có chức năng ngăn cách các đơn vị đồng chức (từ hoặc ngữ) trong câu, khác với các dấu chấm, chấm than, chấm hỏi – ngăn cách giữa các câu. Như vậy, nếu cần thiết phải có cách viết phân biệt thì đó là sự phân biệt giữa hai nhóm dấu câu: 1) dấu phẩy, dấu chấm phẩy, và 2) dấu chấm, dấu chấm than, dấu chấm hỏi. Thế nhưng theo cách viết trong sách giáo khoa, sự phân bố ở đây tỏ ra còn nhiều bất cập:
+ Dấu phẩy (nhóm 1, dùng để ngăn cách các thành phần trong câu) lại được thể hiện trên văn bản về mặt khoảng cách giống như dấu chấm (nhóm 2, dùng để ngăn cách các câu);
+ Dấu chấm (nhóm 2, dùng để ngăn cách các câu) lại được thể hiện trên văn bản về mặt khoảng cách khác hẳn với các dấu còn lại trong nhóm: dấu chấm được viết liền kề với từ cuối cùng của câu trước nó và cách từ đầu tiên của câu sau nó một dấu cách, trong khi đó các dấu chấm than, chấm hỏi lại được viết cách cả từ cuối cùng của câu trước nó và từ đầu tiên của câu sau nó một dấu cách;
+ Dấu chấm phẩy (nhóm 1) thì lại được thể hiện trên văn bản về mặt khoảng cách giống như dấu chấm than và chấm hỏi (nhóm 2);
+ Cách viết dấu hai chấm thì có vẻ nhất quán hơn: dù sau nó là phần dẫn trực tiếp hay là một câu (hoàn chỉnh hoặc không hoàn chỉnh), nó vẫn được viết cách từ trước nó và từ sau nó một dấu cách (tức là vẫn khác cách viết truyền thống ở dấu cách trước nó).
Từ tất cả những băn khoăn trên, chúng tôi cho rằng, để tránh khỏi những phức tạp không đáng có và hơn nữa, để phù hợp với thông lệ quốc tế về cách viết dấu câu, tốt nhất là sách giáo khoa nên áp dụng cách viết dấu câu truyền thống: bất kì một dấu câu nào (dù chức năng của nó là ngăn cách thành phần câu hay ngăn cách câu) cũng đều được phân bố trên văn bản một cách thống nhất theo kiểu liền kề với từ trước nó và cách từ sau nó một dấu cách.
TS. Trần Thanh Bình
(Trường CBQLGD TP.HCM)

 

Bình luận (0)