Một tiết dạy ứng dụng CNTT tại Trường THPT Trưng Vương
|
“Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học, Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT trong nhà trường. Qua đó, bước đầu thu được một số kết quả nhất định”, thầy Nguyễn Huỳnh Long – Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương – cho biết.
Phát động phong trào ứng dụng CNTT
Tương tự như phần lớn các trường học trên địa bàn TP.HCM, thời gian đầu giáo viên của Trường THPT Trưng Vương chưa mặn mà với việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, nhất là những giáo viên lớn tuổi. Bởi vì việc dạy học với bảng đen phấn trắng đã hằn sâu trong suy nghĩ của không chỉ giáo viên mà cả học sinh và dư luận xã hội. Do đó, để thay đổi nếp nghĩ này không phải là chuyện ngày một ngày hai.
“Nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền cho giáo viên thấy rõ hiệu quả và yêu cầu mang tính tất yếu của ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua việc triển khai các văn bản chỉ đạo của bộ, ngành về ứng dụng CNTT trong dạy học; thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn tổ khối, hội thảo chuyên đề; thông qua dự giờ thăm lớp và qua việc triển khai các cuộc thi có ứng dụng CNTT do ngành tổ chức. Đồng thời, chúng tôi đã phát động sâu rộng thành phong trào và đề ra yêu cầu cụ thể về số tiết ứng dụng CNTT đối với mỗi giáo viên để chính họ qua áp dụng thấy được hiệu quả và sự cần thiết của việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy; đặc biệt là đối với việc đổi mới phương pháp dạy học”, thầy Long cho biết.
Không chỉ có vậy, Ban giám hiệu Trường THPT Trưng Vương còn tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ tin học; bố trí sắp xếp để giáo viên được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng CNTT do ngành và trường tổ chức; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT cho giáo viên.
Bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, Trường THPT Trưng Vương đã tăng cường cơ sở vật chất phục vụ việc ứng dụng CNTT. Cụ thể, nhà trường đã trang bị thiết bị phục vụ giảng dạy ở hầu hết các lớp và luôn cố gắng bố trí sắp xếp khoa học để khai thác hiệu quả, sử dụng tối đa số trang thiết bị hiện có.Các máy chiếu đều được lắp đặt cố định trên lớp học, tiện cho giáo viên sử dụng và hầu hết các phòng đều được trang bị màn hình ti vi LCD…
Từ bị động chuyển sang chủ động
Theo thầy Long, các hình thức sử dụng hiệu quả được nhiều giáo viên áp dụng là: Dạy trình chiếu với cách thiết kế các slide về hình thức gần giống với bảng truyền thống (màu sắc, cách chia bảng, cách trình bày đầu bài, đề mục…); sử dụng máy chiếu như là phương tiện hỗ trợ cung cấp kênh hình với nhiều hình ảnh sinh động, âm thanh, video mà không phải mang vác nhiều tranh ảnh, bảng phụ, máy móc thiết bị khác; CNTT với nhiều phần mềm tiện ích là công cụ hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong công tác soạn bài, quản lý điểm, đánh giá xếp loại học sinh…
Theo đó, nhà trường khuyến khích giáo viên tham gia lập và sử dụng “nguồn học liệu mở” về đề thi, giáo án, tài liệu tham khảo trên website của Bộ GD-ĐT, sở và các trường bạn, tài nguyên dùng chung trên website của trường. Đồng thời, đẩy mạnh việc khai thác tài nguyên trên mạng internet phục vụ công tác quản lý và giảng dạy của cán bộ, giáo viên thông qua bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp địa chỉ hoặc mở liên kết với trang web của trường. Tăng cường việc khai thác sử dụng hệ thống thư điện tử để tăng tiện ích, hiệu quả trong trao đổi cập nhật thông tin. Nhà trường yêu cầu mỗi cán bộ – giáo viên lập và đăng ký một địa chỉ email cố định với nhà trường.
Song song đó, nhà trường đã mở 2 lớp tập huấn sử dụng các phần mềm hỗ trợ soạn giảng và kỹ thuật thiết kế bài giảng e-Learning cho cán bộ – giáo viên, đồng thời thường xuyên giới thiệu các phần mềm hỗ trợ soạn giảng trong mục “Tài nguyên” tại trang web của trường…
“Giáo viên đã có sự chuyển đổi về nhận thức, từ qui định (mang tính áp đặt) lúc ban đầu sang tâm thế thích thú với bài giảng ứng dụng CNTT. Từ đó, kỹ năng soạn giảng các tiết có ứng dụng CNTT của giáo viên không ngừng được nâng lên, chất lượng bài dạy cũng tốt hơn, hấp dẫn với học sinh hơn. Ở một số môn học, giáo viên còn hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, thiết kế bài thuyết trình (có sử dụng CNTT) để làm rõ kiến thức bài học. Đến nay, 100% giáo viên trong trường có chứng chỉ tin học văn phòng từ trình độ A trở lên và đều soạn bài bằng máy vi tính; 70% giáo viên biết sử dụng kỹ thuật trình chiếu hỗ trợ giảng dạy, sử dụng các phần mềm dạy học bộ môn, các tư liệu điện tử. Tổng số tiết ứng dụng CNTT trong mỗi học kỳ khoảng 250-300 tiết…”, thầy Long khẳng định.
Bài, ảnh: Thùy Linh
“Giáo viên đã có sự chuyển đổi về nhận thức, từ qui định (mang tính áp đặt) lúc ban đầu sang tâm thế thích thú với bài giảng ứng dụng CNTT. Từ đó, kỹ năng soạn giảng các tiết có ứng dụng CNTT của giáo viên không ngừng được nâng lên, chất lượng bài dạy cũng tốt hơn, hấp dẫn với học sinh hơn…”, thầy Nguyễn Huỳnh Long cho biết. |
Bình luận (0)