Năm học 2008-2009 được coi là năm học ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục. Chủ đề này không chỉ có hiệu lực trong các trường phổ thông mà cả các trường ĐH, nhất là đối với các trường ĐH, CĐ có khoa sư phạm.
Theo ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT Bộ GD-ĐT thì hiện nay, tại Bộ đã kết nối đường cáp quang 34 Mbps trong nước và 2Mbps đi quốc tế với giá 30 triệu/đường/tháng. Ba bên (Cục CNTT, Sở GD-ĐT, Viettel) sẽ phối hợp lên danh sách các cơ sở khó khăn để có chính sách hỗ trợ kết nối. Các cơ sở được lợi từ dịch vụ ưu đãi này là các trường mầm non, mẫu giáo, các trung tâm giáo dục cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường dạy nghề, các phòng giáo dục. Cũng theo ông Ngọc, hiện nay cả nước còn 555 trường (từ tiểu học đến THPT) và 1 phòng giáo dục không có điện lưới, 11.906 trường (từ tiểu học đến THPT) và 48 phòng giáo dục chưa kết nối internet, 4.831 trường (tiểu học – THPT) và 1 phòng giáo dục không thể nối cáp. Về vấn đề này, ông Ngọc đưa ra giải pháp, đối với các trường vùng sâu vùng xa, không thể đưa cáp internet vào thì cần lên phương án kết nối khác, có thể là qua vệ tinh, song đáng tiếc là Vinasat chưa sẵn sàng và giá thành còn cao. Hiện Viettel có cam kết hỗ trợ cung cấp miễn phí qua sóng điện thoại di động. “Chúng ta cần thời gian thử nghiệm vì địa hình các vùng là rất khó khăn… Chúng tôi cũng đề nghị Viettel tài trợ miễn phí toàn bộ kết nối internet cho một số tỉnh như Điện Biên…” – ông Ngọc nói.
Mỗi giáo viên góp 1 bài giảng chúng ta sẽ có 1 triệu bài giảng mỗi năm
“Với kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho 30.000 hiệu trưởng, giáo viên, nếu làm theo cách truyền thống, chúng ta cần tính mất bao nhiêu tiền và quan trọng hơn làm trong bao lâu mới xong và chất lượng đào tạo? Xin hãy tính toán: giả sử tổ chức bồi dưỡng cho 125.000 giáo viên THPT (con số làm tròn), mỗi lớp 100 người, thời gian bồi dưỡng là 5 ngày thì tổng thời gian cần làm là:
125.000/100 x 5 ngày = 6.250 ngày = 17 năm.
Nghĩa là một thầy đi giảng hết một lượt thì phải mất 17 năm mới xong” – ông Ngọc đưa ra con số tính toán. Ông cũng cho biết, nếu tổ chức đào tạo qua mạng thì một buổi giảng có thể truyền trực tiếp đến 63 sở, có thể truyền đến gần 700 quận huyện. Tiết kiệm được rất nhiều thời gian và kinh phí đào tạo.
Không những thế, Cục CNTT, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức cuộc thi giáo viên làm bài giảng điện tử theo công nghệ e – Learning, giáo viên dạy giỏi ứng dụng CNTT. Nếu mỗi giáo viên góp mỗi năm một bài giảng thì chúng ta sẽ có 1 triệu bài giảng trong một năm. Hiện nay, theo con số thống kê của Cục, tổng số giáo trình điện tử nhận được là 357, trong đó có 284 giáo trình đã được đưa lên. Trong đó có các giáo trình do các tác giả, đơn vị tự nguyện đóng góp là ĐH Thủy lợi 5 giáo trình, Học viện Kỹ thuật quân sự 2 giáo trình, ĐH Sư phạm Đồng Tháp 23 giáo trình, PGS.TS Bùi Thế Tâm, Viện Toán học 1 giáo trình, dịch giả Bùi Văn Hậu, Bùi Văn Trường, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên 1 giáo trình…
Đứng từ phía cơ sở thực hiện, ông Bùi Tiến Dũng, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện Sở đã ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực của giáo dục như trong quản lý, trong giảng dạy. Hiện Sở đã tập hợp được gần 1.700 bài giảng điện tử dưới dạng file.PPT. Trong số này có rất nhiều bài có chất lượng, đặc biệt nhiều bài là sản phẩm của các giáo viên đã tham gia các cuộc thi giáo viên giỏi. Mục tiêu phát triển hệ thống thông tin của ngành giáo dục Hà Nội đến 2010 rất cụ thể. Theo ông Dũng đó là xây dựng cổng thông tin giáo dục thủ đô; xây dựng hệ thống quản lý và tra cứu thông tin học sinh đã tốt nghiệp THPT, BTVH; xây dựng hệ thống quản lý, tra cứu chương trình, giáo trình TCCN; xây dựng mạng internet GD-ĐT thủ đô…
Năm học này, với việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học của ngành giáo dục đối với một số địa phương thực sự sẽ còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhưng đây là điều cần phải được ưu tiên làm trước. Vì ứng dụng CNTT là điều kiện đầu tiên để “hiện đại hóa” ngành giáo dục Việt Nam.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)