Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ứng dụng CNTT vào dạy học: Còn nhiều khó khăn, thách thức

Tạp Chí Giáo Dục

Để áp dụng công nghệ số trong GD-ĐT, lãnh đạo các trường cần có tầm nhìn chiến lược, có điều kiện về tài chính, con người…
Vừa qua, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức chương trình Smart.Edu với chủ đề “Công nghệ thông tin và tương lai giáo dục, đào tạo”. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác dạy học, quản lý, đào tạo. Tại chương trình, một số đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, thách thức trong việc dạy học ứng dụng CNTT và những giải pháp khắc phục…
Thiếu kinh phí, khó sử dụng
Đề cập đến các khó khăn gần đây nhất có thể kể tới những trường học đưa vào sử dụng bảng tương tác trong dạy học. Trở ngại gây ra cho các trường chính là kinh phí. Ngoài 50% kinh phí do Nhà nước cấp thì đòi hỏi nhà trường phải vận động xã hội hóa 50% còn lại từ phụ huynh học sinh. Tuy nhiên không phải trường học nào, phụ huynh nào cũng đủ điều kiện để mua trang thiết bị này. Vì thế một số trường lỡ-mua-rồi đã rất vất vả thu tiền từ phụ huynh để trả nợ; hoặc có những trường muốn trang bị nhưng kinh phí không có đành “lực bất tòng tâm”. Chưa kể, học sinh thì quá đông mà chỉ có 1-2 bảng tương tác nên thời gian được học trên bảng của các em không nhiều khiến hiệu quả mang lại không cao…
Bên cạnh kinh phí, không thể không nói đến khó khăn trong khâu sử dụng. Trong quá trình dạy học, nếu chẳng may mất điện hay gặp lỗi kỹ thuật, một số giáo viên sẽ lúng túng khi giải quyết sự cố. Đối với giáo viên lớn tuổi, vốn quen với giáo án truyền thống, đôi khi lại gặp khó khăn về kỹ năng thao tác.
Tại Trường THCS – THPT Ngôi Sao (Q.Bình Tân, TP.HCM), việc ứng dụng CNTT vào dạy học, quản lý được chú trọng và đạt hiệu quả khá cao. Tất cả các bài giảng đều thực hiện dưới dạng PowerPoint. Hình ảnh, nội dung sinh động, tạo hứng thú cho học sinh. Nhiều nội dung giáo viên khó diễn đạt hết bằng lời, nhưng thông qua các đoạn phim đã giúp học sinh cảm nhận được hết. Tuy nhiên, bên cạnh những học sinh chăm chú theo dõi bài thì cũng có không ít em thiếu tập trung nên không tiếp thu được kiến thức. Cô Trần Thị Ngọc Lợi, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Ngoài những hạn chế này thì còn những hạn chế khác ràng buộc chúng tôi. Đó là học sinh được học dựa trên trang thiết bị công nghệ, tuy nhiên đến kỳ thi lại không thi như việc dạy học hàng ngày. Phần lớn các trường dạy để học sinh đi thi đấu thì đúng hơn…”.
Không chỉ ở bậc tiểu học mà các trường THCS, THPT… cũng đối diện không ít bất cập khi sử dụng CNTT trong dạy học. PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, nhìn nhận: “Hiện nay việc dạy học công nghệ trong các trường đang gặp không ít thách thức. Đó là sự phát triển, thay đổi quá nhanh khiến giáo viên, học sinh luôn phải “chạy đua” để học hỏi, trau dồi. Bên cạnh đó là thực trạng các trường chưa tìm được mô hình giảng dạy hợp lý nên dẫn đến hiệu quả chưa cao. Đơn cử, hàng năm số lượng sinh viên đăng ký học CNTT rất nhiều nhưng số sinh viên hoàn thành khóa học lại chưa cao, đa số “rơi rụng” trong suốt khóa học”.
Lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược
Theo PGS.TS Quân, việc dạy học ứng dụng công nghệ hiện nay đang ở tình trạng mạnh-ai-nấy-làm và về mặt quản lý thì chưa đến đâu cả. “Ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, việc đăng ký học phần qua mạng còn hạn chế rất nhiều, xảy ra tình trạng mạng chạy chậm, tắc nghẽn… Nguyên nhân khách quan do cách phân bổ kinh phí, trang bị từ trên xuống dưới chưa có sự đồng bộ. Trường luôn trong tình trạng sử dụng thiết bị công nghệ kiểu “râu ông này cắm cằm bà kia”. Còn nguyên nhân chủ quan thì giảng viên chưa sẵn sàng áp dụng công nghệ”, PGS.TS Quân nói.
Do đó, PGS.TS Quân cho rằng, chúng ta nên coi CNTT là công cụ hỗ trợ, không nên coi là chìa khóa mở ra thành công. Để đổi mới giáo dục, áp dụng công nghệ số trong GD-ĐT, lãnh đạo các trường cần có tầm nhìn chiến lược, có điều kiện cụ thể về tài chính, con người, phương pháp truyền tải tri thức mới, ứng dụng CNTT sâu rộng… Và ngành giáo dục cũng cần xây dựng mạng tri thức quốc gia để hỗ trợ cho công tác quản lý, dạy học.
Tương tự, cô Ngọc Lợi cũng chia sẻ rằng làm bất cứ việc gì cũng đều không tránh được khó khăn. Quan trọng là mỗi trường cần dựa trên những khó khăn rồi tìm ra cách giải quyết để đạt hiệu quả nhất định. Trường THCS – THPT Ngôi Sao luôn dựa trên nguyên tắc khai thác công nghệ vừa có lợi cho nhà trường, vừa có lợi cho học sinh. Theo đó tất cả giáo viên trong trường được tạo điều kiện để đi học, bổ sung kiến thức, kỹ năng. Ngoài ra, nhà trường còn khuyến khích các giáo viên trẻ hỗ trợ giáo viên lớn tuổi về mặt kỹ năng. Ngược lại, giáo viên lớn tuổi hỗ trợ giáo viên trẻ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ. Song song đó, nhà trường còn tạo tài khoản email chung, mỗi giáo viên đều có email của trường để cập nhật, nắm bắt thông tin mới. Nhà trường luôn yêu cầu mỗi ngày giáo viên phải mở ít nhất 2 lần để tránh sót thông tin. Riêng học sinh, nhà trường cũng thực hiện hiệu quả học bạ điện tử, tạo mối liên hệ chặt chẽ, kịp thời giữa nhà trường với gia đình. Vì thế nhiều phụ huynh tỏ ra hài lòng, ủng hộ. Với những nguyên tắc này, những khó khăn mà nhà trường gặp phải đều giảm đi đáng kể.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Hiện nay việc dạy học công nghệ trong các trường đang gặp không ít thách thức. Đó là sự phát triển, thay đổi quá nhanh khiến giáo viên, học sinh luôn phải “chạy đua” để học hỏi, trau dồi. Bên cạnh đó là thực trạng các trường chưa tìm được mô hình giảng dạy hợp lý nên dẫn đến hiệu quả chưa cao…”, PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho biết.
 

Bình luận (0)