Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa” để nâng cao chất lượng giáo dục, ngày 16-12, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Công ty Cổ phần Mạng trực tuyến Việt Sin đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng hệ thống dạy học tương tác Activboard trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá”.
CNTT hỗ trợ dạy và học
Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nhiều phần mềm đòi hỏi giáo viên cần có trình độ tin học cao nhưng sử dụng hệ thống Activboard, ông Hà Duy Bình, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục số khẳng định: “Hệ thống này không chỉ đòi hỏi giáo viên phải có trình độ tin học cao mà còn giúp giáo viên xây dựng một môi trường học tập thân thiện và tích cực”.
Tại hội thảo, ông Hà Duy Bình đã cho biết một số tính năng ưu việt của sản phẩm công nghệ kỹ thuật số này như: bảng trắng (màn hình máy chiếu) tương tác ở trung tâm lớp học (Activboard), hệ thống tương tác phản hồi trắc nghiệm của học sinh (Activote), bút thông minh thay thế cho phấn viết bảng (Activpen)… Bộ công cụ giảng dạy tương tác phong phú này sẽ giúp giáo viên nâng cao sức sáng tạo, các ý tưởng sư phạm vào bài giảng của mình và tăng cường tương tác đa chiều trong lúc giảng dạy. Đồng thời phương pháp đánh giá, trắc nghiệm đa dạng giúp giáo viên đánh giá tức thì khả năng tiếp thu kiến thức của từng học sinh. Qua đó, giáo viên sẽ nhận biết ưu khuyết điểm và phát hiện khả năng nổi bật của học sinh. Ngoài ra, nhiều giáo viên rất vui khi biết trong tương lai gần, khi sử dụng bộ công cụ giảng dạy này họ sẽ ngăn ngừa được các bệnh nghề nghiệp như lao phổi, phóng xạ… trong lúc giảng dạy.
Nhiều đại biểu, thầy cô giáo tham dự hội thảo tâm đắc với tính tương tác hai chiều giữa giáo viên và học sinh khi sử dụng phương pháp và các ý tưởng sư phạm để minh họa và mô phỏng nội dung bài giảng thông qua phần mềm ActivStudio với các bộ công cụ giảng dạy và bộ tài nguyên giáo dục số phong phú được tích hợp sẵn trong hệ thống. Công nghệ bảng dạy học tương tác này cho phép giáo viên sáng lập bài giảng, triển khai theo ý muốn và tích hợp nội dung các văn bản, hình ảnh, âm thanh, phim ảnh, thí nghiệm ảo, trắc nghiệm, đánh giá và kết nối internet vào trong bài giảng tương tác. Vì vậy, Activboard dễ dàng cuốn hút được sự chú ý của học sinh và cung cấp nhiều phương pháp học khác nhau.
“Bó tay” vì kinh phí cao
Sau gần hai năm ứng dụng hệ thống dạy học tương tác Activboard, thầy Kim Đình Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: “Đây là trường đầu tiên ứng dụng hệ thống mới này trong dạy học, với đội ngũ giáo viên trẻ chiếm tới 90%, trường đã ứng dụng thành công, nó thực sự mang lại hiệu quả cao trong dạy học”. Với tính tiện lợi, bộ công cụ giảng dạy và tài nguyên dạy học phong phú, đặc biệt là tính tương tác giữa thầy và trò, nhiều đại biểu cũng rất tâm đắc và mong muốn đưa hệ thống này vào giảng dạy ở trường mình. Tuy nhiên, giá thành của hệ thống này là không nhỏ (gần 100 triệu đồng) nên rất nhiều người đại biểu e ngại với việc áp dụng đại trà vào trường học.
Cô Đặng Thị Kim Lang, Hiệu trưởng Trường Hermann Gmeiner (quận Gò Vấp) chia sẻ: “Nếu những năm về trước, việc ứng dụng giảng dạy điện tử vào trường học của các giáo viên mất thời gian tương đối dài vì họ phải trang bị các kiến thức về công nghệ thông tin. Hiện nay, hầu hết các giáo viên đã nắm được những kiến thức cơ bản về tin học nên việc áp dụng hệ thống giảng dạy tương tác Activbroad sẽ không quá khó đối với giáo viên và chắc chắn là sẽ rút ngắn thời gian hơn. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại của chúng tôi là nguồn kinh phí gần 100 triệu để trang bị một bộ hệ thống này, trong khi đó việc sắm mỗi giáo viên một chiếc máy tính xách tay chúng tôi vẫn chưa thực hiện được”.
Để giải quyết được trở ngại về mặt đầu tư, nhiều đại biểu cho rằng phải có sự trợ giúp từ phía ban phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, cô Đỗ Thanh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp) cho biết: “Ngoại trừ những trường quốc tế hay những trường có nhiều mạnh thường quân ra thì cơ sở vật chất quyên góp từ phụ huynh học sinh ở những trường công lập còn hạn chế. Mỗi năm cơ sở vật chất mà phụ huynh sẽ đóng góp ở trường là 20.000 đồng/ phụ huynh, tổng cộng trường tôi đảm nhiệm có tất cả khoảng 1.000 học sinh thì số tiền đóng góp sẽ là 40 triệu đồng/ năm. Để đưa thiết bị này vào giảng dạy, cần phải trang bị cho khoảng 2/3 lớp học mới áp dụng được còn nếu chỉ sắm một hệ thống thì nó chỉ mang tính biểu trưng, đặt làm mẫu. Như vậy, làm sao chúng tôi có đủ chi phí để có thể thực hiện được?”. Chính vì vậy mà cô rất mong có nguồn tài chính từ quận để có thể thúc đẩy việc dạy học tương tác có tính hiệu quả này vào trường học.
DƯƠNG BÌNH
Bình luận (0)